Hệ thống xử lý nước thải y tế TP HCM bị 'hớ'
Các Website khác - 03/10/2008

Trong số 130 bệnh viện (BV) và trung tâm y tế đang hoạt động tại TP HCM, việc phân loại đúng rác thải y tế và rác thải sinh hoạt chỉ đạt 78% đối với BV công và 60% đối với các BV ngoài công lập.

Ông Đặng Quang Mỹ, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Sở Y tế TP HCM cho biết: “Trước năm 2002, các đơn vị điều trị có giường bệnh đa phần đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo tiêu chuẩn, nước thải y tế đổ ra môi trường bên ngoài chỉ cần đạt tiêu chuẩn loại B. Năm 2003, quy định về tiêu chuẩn nước thải y tế phải đạt loại A, làm cho các hệ thống được đầu tư trước đó đều bị “hớ”. Việc xử lý nước thải từ loại B lên A là cả một vấn đề lớn”. 

Thu gom rác thải y tế tại bệnh viện Hùng Vương, TP HCM

Ông Mỹ phát biểu ý kiến trên tại hội thảo về xử lý chất thải y tế trên địa bàn thành phố ngày 2/10 do Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân TP HCM tổ chức.

Báo cáo tại hội thảo cho thấy, trên địa bàn TP HCM, đối với 13.000 phòng khám, cơ sở y tế tư nhân nhỏ, công tác quản lý chất thải còn lỏng lẻo và gần như bị bỏ trống hoàn toàn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM nói: “Cái khó của việc phân loại rác thải rắn y tế là các BV không trang bị được thùng màu vàng (rác y tế), thùng màu xanh (rác sinh hoạt) và thùng màu trắng (rác tái chế). Ngay cả xe chuyên dụng cho việc vận chuyển loại rác đặc biệt này cũng không được trang bị”.

Để giải quyết dứt điểm nước thải y tế, theo ông Mỹ, các cơ quan chức năng nên gia hạn thêm một thời gian nữa chứ không thể xong trong năm nay. Bên cạnh đó, cần có sự linh hoạt về quy mô, công nghệ của các đơn vị; sớm có quy chế hợp đồng, đấu thầu trong việc xây mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải cho các cơ sở y tế. 
           

Theo Thái Ngọc
DatViet