Tùy theo từng cấp học, lớp học, sách có giá khác nhau. Theo thời giá hiện nay, một bộ sách giáo khoa cho một học sinh phổ thông giá thấp nhất cũng hơn 40 nghìn đồng và cao nhất là gần 100 nghìn đồng. Nếu tính tổng cộng tiền mua sách giáo khoa cho một học sinh học từ lớp 1 đến lớp 12 thì số tiền tương đương một triệu đồng, chưa tính đến những bộ sách giáo khoa được biên soạn mới hằng năm buộc học sinh phải thay thì số sách đáng lẽ có thể sử dụng lại được phải bỏ đi là rất lớn.
Xin nêu một phép tính đơn giản: Nếu chưa tính tỷ lệ học sinh tăng lên hằng năm, bình quân mỗi năm số học sinh cùng một lớp trong cả nước vào khoảng trên dưới 1,5 triệu em. Trong số này có một tỷ lệ không nhỏ các em là con một, con út trong gia đình. Như vậy, tính sơ sơ, sau mỗi năm học số sách giáo khoa của khoảng một triệu em học cùng một khối sẽ bỏ đi bằng cách bán giấy vụn với giá rẻ. Và như vậy cũng có thể suy ra mỗi năm có khoảng hơn 10 triệu bộ sách giáo khoa bậc học phổ thông bị bỏ đi. Số sách giáo khoa ấy nếu được sử dụng lại sẽ tiết kiệm cho phụ huynh học sinh cũng như ngân sách một khoản tiền không nhỏ, hơn 8 tỷ đồng.
Mỗi năm học mới cha mẹ học sinh phải bỏ ra từ 40 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng để mua sách cho con em. Số tiền đó đối với các gia đình có thu nhập ổn định thì không lớn, nhưng nhiều gia đình, nhất là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa, gia đình đông con, đời sống còn nhiều khó khăn thì số tiền đó không phải nhỏ, thậm chí nhiều gia đình phải cho con nghỉ học vì không có tiền mua giấy, bút.
Mặt khác, công tác xuất bản sách giáo khoa cũng còn nhiều điều phải bàn. Trước hết phải kể đến sự thường xuyên thay đổi sách giáo khoa đã gây nên một sự lãng phí quá lớn: Khoảng 16 tỷ đồng/năm. Tiếp theo là sự lãng phí do xuất bản tràn lan các loại sách tham khảo với hàng triệu bản mỗi năm. Cuốn sách tham khảo có giá rẻ nhất cũng gần 30 nghìn đồng, vậy mà nhiều cuốn thật sự không cần thiết bởi rất ít được sử dụng hoặc nội dung na ná nhau.
Thiết nghĩ, để khắc phục sự lãng phí trong xuất bản, sử dụng sách giáo khoa, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo công tác xuất bản, nhất là đối với sách tham khảo. Mặt khác, cần tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng ý thức tiết kiệm trong vấn đề này. Ngành giáo dục và đào tạo nên phát động phong trào "Giữ tốt, dùng bền sách giáo khoa" trong các trường học, vận động các em học sinh thực hành tiết kiệm bằng cách cứ sau mỗi năm học thì đóng gói sách giáo khoa, quyên góp ủng hộ các bạn học sinh vùng sâu, vùng xa, hoặc để nhà trường cho các bạn học lớp sau mượn. Ðó là việc không khó nhưng thiết thực góp phần tiết kiệm, chống lãng phí.
Thanh Tùng (TP Hồ Chí Minh)
|