Những ngày đầu phục vụ Bác Hồ và Chính phủ (*)
Các Website khác - 24/08/2005
Ngày 21-9-1945, chúng tôi gồm sáu người được Thành ủy Hà Nội điều động lên Văn phòng Phủ Chủ tịch công tác. Ngay buổi đầu tiên, chúng tôi được các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Hữu Nam, Trần Quang Huy tiếp và giao nhiệm vụ. Tôi được giao làm công tác quản trị.
Chúng tôi được đồng chí Quốc Hùng, người đã làm việc ở đây từ trước hướng dẫn và giao việc. Sau đó ít ngày, có thêm đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (sau này là Bộ trưởng Ngoại giao), và một số đồng chí khác đến làm việc.

Ở Văn phòng lúc đó, tất cả mọi công việc giao dịch với bên ngoài đều lấy tên Bộ Nội vụ. Khi đó trụ sở ở 12 Ngô Quyền, là Dinh của thống sứ Bắc Kỳ cũ và Phủ Khâm sai đại thần thời Pháp và Nhật. Ðây cũng là nơi Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp làm việc và tiếp khách.

Có thể nói ở Văn phòng chính quyền Trung ương lâm thời lúc đó, mọi công việc đều do anh Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi) điều hành và ký các văn bản.

Công tác quản trị thời kỳ đầu ở Văn phòng Phủ Chủ tịch gồm quản lý đoàn xe ô-tô và các việc phục vụ khác, như bảo đảm điều kiện ăn, ở làm việc của Văn phòng. Một số anh em nấu bếp, lái xe của Phủ Toàn quyền và Phủ Thống sứ Bắc Kỳ cũ do chính quyền Pháp - Nhật để lại cũng đến làm việc.

Phục vụ nhà ăn và quét dọn Văn phòng có ba người, làm bếp và phục vụ bàn ăn cũng có ba người. Hai người là thợ giặt và một là thợ điện.

Tất cả gia đình anh em đó đều ở cả trong khu nhà riêng phía sau cơ quan, giáp Bưu điện Hà Nội bây giờ. Anh em làm việc rất tích cực và có tinh thần trách nhiệm phục vụ tốt, được các đồng chí lãnh đạo Chính phủ hài lòng, khen ngợi.

Thời gian đầu, Bác, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Hữu Nam và một số đồng chí khác đều ăn cơm ở cơ quan, chừng 15 người. Khoảng nửa tháng sau Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ đến làm việc, không ăn trưa như trước nên số anh em ăn bữa trưa còn khoảng 10 người. Các anh Nguyễn Cơ Thạch, Quốc Hùng và tôi đều ăn ngủ tại cơ quan cả ngày và đêm.

Sang tháng 11-1945, Văn phòng tổ chức thêm một bếp ăn ở 13 Hàng Vôi, để phục vụ các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và một số đồng chí bên Ban Ðối ngoại ở phố Hàng Tre gần đó, như các đồng chí Tạ Quang Bửu, Nguyễn Ðức Thụy (Thụy Tầu) và số khác chừng 15 người.

Ðoàn xe ô-tô của Văn phòng Phủ Chủ tịch lúc đó có khoảng 20 chiếc, chủ yếu ở Phủ Toàn quyền và Phủ Thống sứ cũ, trong đó chỉ có khoảng năm xe chất lượng còn 70-80%, còn lại đều đã cũ, tuy vẫn chạy được trong thành phố.

Xăng, dầu cho ô-tô thì phải chạy mua của các hãng xe tư nhân, ngày nào cũng như ngày nào, đều phải lo mua đủ xăng, dầu, khá vất vả. Thời gian sau, anh Hoàng Hữu Nam phải thi hành biện pháp "lệnh trưng dụng", trưng mua xăng, dầu của hãng Shell của Pháp - Mỹ. Nhờ đó về sau dần dần cũng bớt khó khăn trong việc này.

Anh em chúng tôi làm việc không kể ngày đêm, kể cả ngày chủ nhật, sớm tối lúc nào gọi xe là đi ngay. Gia đình anh em cũng ở ngay trong cơ quan như gia đình anh em phục vụ khác ở Văn phòng.

Vào cuối tháng 10-1946, do có một số việc phải đi công tác đột xuất ban đêm nên anh Nam có gợi ý tôi nên học lái xe. Gần một tháng sau tôi đã biết lái xe, anh Nam cho tôi lái chở anh đi một số việc. Sau đó có một số lần tôi còn lái xe đưa đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Cơ Thạch đi công tác.

Ðoàn xe Văn phòng Phủ Chủ tịch không chỉ phục vụ cho công tác của Văn phòng hằng ngày mà còn phục vụ cả các đồng chí ở một số cơ quan khác, như phục vụ đồng chí Hoàng Văn Thái (sau này là Ðại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), đồng chí Nguyễn Ðức Thụy ở Bộ Ngoại giao. Hai đồng chí này gần như dùng xe hằng ngày. Còn một số đồng chí khác thì cũng dùng xe thường xuyên, như các đồng chí Nguyễn Khang, Thanh tra Bộ Nội vụ (sau này là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng), Nguyễn Văn Trân, Phó Chủ tịch Bắc Bộ (sau nay là Bí thư Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội) và một số đồng chí bên Văn phòng Quốc hội hoặc Sở Thông tin tuyên truyền Bắc Bộ... Anh Cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng, sau này là Phó Chủ tịch nước) lúc đầu chưa có xe riêng nên cũng thường xuyên dùng xe ở Văn phòng.

Anh em lái xe ở Văn phòng Chủ tịch Phủ thường còn phải lo phục vụ các cuộc chiêu đãi của Chính phủ. Sáng đi đặt tiệc, chiều đưa xe đi lấy hàng đem đến địa điểm chiêu đãi, thường tổ chức tại dinh thự riêng của Hoàng Trọng Phu (nay là Ðại sứ quán Trung Quốc ở đường Hoàng Diệu).

Sau tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên, cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Quảng Nam ra, ăn ở ngay trong Văn phòng cùng với người giúp việc cụ hằng ngày. Gác trên của Phủ Chủ tịch chỉ còn lại phòng họp Hội đồng Chính phủ và nơi làm việc của Bác và phòng ở của cụ Huỳnh. Số anh em trước đây ăn, ở ngay trong Văn phòng nay chuyển ra ngoài nhưng công tác phục vụ vẫn luôn luôn chu đáo.

Sang tháng 8-1946, sau khi phái đoàn ta đi Pháp với Bác thì Bộ Nội vụ chuyển hết sang bên Văn phòng Ủy ban Hành chính Bắc Bộ. Anh Hoàng Hữu Nam được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng chuyển cả sang bên đó, anh Ðặng Việt Châu ở Vĩnh Yên về làm Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, thay anh Nam.

Trụ sở bên 12 Ngô Quyền lúc đó chỉ còn lại Văn phòng Phủ Chủ tịch. Hội đồng Chính phủ vẫn làm việc và họp tại đây cho đến ngày 19-12-1946. Anh Nguyễn Văn Lưu bên Bộ Ngoại giao được cử làm Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch cho đến cuối năm 1947 thì bị bệnh nên anh Phan Mỹ bên Bộ Quốc phòng sang thay.

Trước ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch đã kịp thời chuyển các hồ sơ và đưa xe ô-tô ra ngoài Hà Nội, tiếp tục phục vụ Bác và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ tới ngày kháng chiến thành công.

TRẦN THẾ KHA
Cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch(1945-1955)

-----------------

(*) Rút trong tập Hồi ký "56 năm Văn phòng Chính phủ".