Ông Ké Cao Bằng
Các Website khác - 24/08/2005
Cách mạng Tháng Tám thành công. Chính phủ lâm thời họp phiên đầu tiên tại Bắc Bộ phủ, trong phòng khách "điện nội" của Thống xứ Pháp xưa kia.
... Ngồi đó hôm nay là 15 vị bộ trưởng áo vải, đa số từ chiến khu chân đất trở về thủ đô. Họ khoác bộ áo âu phục thùng thình, có vị mới được đồng bào "ủng hộ". Trừ một vị cao niên, vẫn cái khăn xếp và áo the dài cổ kín: Cụ Nguyễn Văn Tố, mang tên hiệu trìu mến "ông Phán men" mà nhân dân tặng cho. Không phải vì "ma men" ám ảnh. Mà là vì suốt năm, từ nhà riêng ở phố Vải Thâm đến nơi làm việc khá xa, gần Ðồn Thủy, ông cứ cuốc bộ trên hè phố, men sát mặt tiền các nhà trên hè phố.

Các vị bộ trưởng "nhân dân" an tọa chung quanh chiếc bàn dài gỗ mun, trải tấm dạ xanh. Vài người rì rầm. Không khí nghiêm trang khác thường. Chiếc đồng hồ treo, khung chạm trổ, gõ tám tiếng trịnh trọng vừa dứt thì cánh cửa một phòng hé mở, ông Ðổng lý văn phòng Hoàng Minh Giám khẽ nói: "Cụ Hồ Chí Minh", rồi rời nhanh chỗ ngồi. Cửa phòng mở rộng, cụ Chủ tịch Chính phủ lâm thời hiện ra. Một ông già thon thon, quần áo ka-ki mầu vàng nhạt, cổ áo cài khuy, chân bọc trong đôi giày vải đen, êm. Mặt gầy, trán cao, râu đen, dài, thưa, điểm vài sợi bạc, đôi mắt lóng lánh sáng như gương: "Nguyễn Ái Quốc đấy!", tôi nghĩ thầm. Mừng, điểm chút ngạc nhiên. Một giây nhớ lại tối hôm đầu tháng, vừa đến chiến khu, mong ước được gặp Người. Nhưng hôm đó Người còn mệt, anh Tống (đồng chí Phạm Văn Ðồng) nói thế.

Cũng lại nhớ, ngay chiều hôm qua thôi, khi bước lên cầu thang phía sau Bắc Bộ phủ, tôi thấy thoáng lưng một ông cụ già, bận áo chàm mầu dưa, đi theo mấy anh bảo vệ dẫn Cụ tới cuối hành lang, Cụ ngoái đầu lại, thì thầm câu gì đó, rồi Cụ vào buồng. Sau, trở lui, gặp tôi, anh rỉ tai: "Ông Ké Cao Bằng". Tôi yên chí ông cụ là một bạn thân của Cụ Hồ Chí Minh, biết tin Cụ về thủ đô thì vội tới thăm.

Kia kìa: Cũng dáng dấp ấy, cũng gương mặt ấy, Người đang bước tới. Chúng tôi đứng bật cả dậy, kính cẩn. Người thoăn thoắt, ung dung, dang hai cánh tay, mời tất cả ngồi xuống. Rồi khai mạc luôn: "Chào các ngài bộ trưởng. Chúc sức khỏe. Tôi xin lỗi, vào hơi chậm... Ta bắt đầu làm việc nhỉ? Thời gian gấp rút, tôi đề nghị đầu tháng 9, Chính phủ ta ra mắt quốc dân, và đọc Tuyên ngôn Ðộc lập. Tôi đã chuẩn bị. Xin đưa bản thảo để các vị xét duyệt. Ðề nghị duyệt kỹ. Vì ta sẽ đọc không phải chỉ để đồng bào cả nước ta nghe, mà còn cho cả Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp, cho cả các nước Ðồng minh nghe". Thật là ngắn ngọn và gợi ý đầy đủ! Một cán bộ văn phòng chuyển đến các bản đánh máy, đặt từng bản trước mặt mọi người. Chúng tôi chăm chú xem từng câu, từng chữ, rồi suy nghĩ... Ai cũng thấy hay quá, sáng sủa, chắc nịch, đơn giản mà hùng hồn, đanh thép, chỉ thêm bớt vài ý nhỏ, sửa mấy chữ lặt vặt; sau đó mọi người ký vào bản của mình, theo yêu cầu của Chủ tịch.

Tôi đã tranh thủ vào lúc tạm nghỉ, đến nói nhỏ với anh Hoàng Minh Giám xin hộ với Chủ tịch cho tôi được "yết kiến" Cụ Chủ tịch lúc nào đó vào ngày mai, vì có chuyện gấp ở Bộ Giáo dục, mong được Cụ Chủ tịch chỉ giáo... May quá, khi mọi người đã ra về, thì anh Giám báo tin là Cụ sẵn sàng cho tôi gặp ngay lúc này, ở phòng làm việc của Cụ, cuối hành lang. Tôi vội chạy tới. Cụ đã đợi ở cửa. Một phòng nhỏ xíu, vừa là phòng làm việc, vừa là phòng ngủ: Một bàn nhỏ, hai ghế tựa, một kệ sách báo, một giường hẹp, gỗ tạp, chiếu cói, màn sô.

Tôi trình Cụ Chủ tịch: Anh em sinh viên rất nóng lòng muốn biết ngày Chính phủ mở cửa lại các trường đại học và tổ chức thi tốt nghiệp kỳ hai. Các sinh viên đã đỗ kỳ một thì xin được Chính phủ công nhận và cấp bằng. Cụ Chủ tịch tươi cười tán thành yêu cầu của sinh viên, còn ngày giờ và cách thức cụ thể thì tùy Bộ quyết định. Bắt tay tôi tạm biệt, Hồ Chủ tịch còn dặn với, nên lo ngay việc giải quyết nạn mù chữ cho đồng bào nghèo.

Sự ủng hộ mau lẹ của Người đối với mấy điều tôi vừa xin, làm tôi phấn khởi vô cùng vào cái buổi ban đầu tôi phục vụ cách mạng ấy...

Ðược nhìn thấy Người "bằng thịt, bằng xương", được đọc trước bản thảo của Người viết Tuyên ngôn Ðộc lập, lại được nghe những chuyện vui vui về Người, tôi cảm thấy sung sướng quá, thấm thía vô cùng. Nên tôi cố diễn tả sự xúc động ấy với Phan Anh, sau bữa cơm tôi mời anh tới nhà dự cùng với hai anh Tô và anh Văn (Phạm Văn Ðồng và Võ Nguyên Giáp) vào cuối tháng 8-1945.

Trong lúc ăn, Phan Anh kể lại chuyện anh mang thông điệp từ chức của Chính phủ Trần Trọng Kim từ Huế ra Hà Nội để phổ biến cho các tỉnh trưởng trên hành trình của anh, nhưng đến Hà Tĩnh thì ở đây cách mạng đã giành chính quyền rồi,... Hai anh Tô và Văn cùng cho biết về tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gợi hình ảnh quý báu về Người, làm nức lòng anh Phan Anh. Tuy anh Phan không hỏi và hai anh Tô, Văn cũng ra vẻ muốn tránh nói đến lai lịch vị Chủ tịch khả kính, nhưng ai cũng đoán được rồi, Phan Anh chỉ khéo léo gợi ý về mối liên tục của phong trào yêu nước muôn mầu, muôn vẻ công khai, bí mật giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Anh nhấn mạnh về sự rung động trái tim của anh khi còn theo học nội trú ở trường Trung học Bảo hộ, anh được một bạn cùng phòng ngủ đưa lén vào tay anh một buổi tối kia, quyển sách nhỏ viết bằng tiếng Pháp Le Procès de la colonisation francaise (Bản án chế độ thực dân Pháp). Suốt ba đêm liền, anh đã "tự giam" trong "toalet" để "ngốn" cuốn sách "vĩ đại" đó. Thật là "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, Ngàn năm chưa dễ đã ai quên!" (tôi rỉ tai chàng Phan).

Hai anh Tô và Văn chỉ cười.

Sau bữa cơm đạm bạc (chỉ có độc một món "thỏ xivê") nhưng đầy ý vị, hai ông khách quý kia cáo từ trước. Tôi giữ Phan Anh ngồi lại, tỉ tê với nhau thêm. Tất nhiên, tôi khoe với anh nỗi vui mừng vô hạn của tôi hôm họp Chính phủ lâm thời, lần đầu tiên được gặp Bác. Phan Anh bắt chặt tay tôi, đồng thời ngâm câu Kiều lẩy: "Ðến bây giờ mới thấy đây"... Cướp lời, tôi lẩy tiếp luôn: "Mà lòng đã chắc những ngày một hai".

VŨ ÐÌNH HÒE
(Trích trong cuốn Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005)