Không lãng phí tiền mua vàng mã
Các Website khác - 26/01/2006
Không lãng phí tiền của từ các hiện tượng mê tín dị đoan. Sử dụng tiền mua vàng mã vào những việc ích nước, lợi nhà. Ðó là lời nhắn nhủ của nhiều bạn đọc, nhất là mỗi độ Xuân về, năm hết Tết đến.
Bạn đọc Ðặng Hữu Luật (Hải Dương): Hủ tục đốt vàng mã mỗi năm đốt đi nhiều tỷ đồng. Những năm gần đây, nền kinh tế phát triển, thì việc đốt vàng mã càng mạnh. Ngoài việc đốt quần áo, mũ nón, giày dép..., nhiều gia đình còn đốt cả xe đạp, xe máy, ô-tô, nhà lầu bằng giấy cho người quá cố. Làm như vậy, đâu phải là có hiếu, mà chỉ gây lãng phí, tốn kém tiền bạc. Những ngày giỗ, ngày Tết, chỉ cần hương hoa dâng lên bàn thờ, tưởng niệm tổ tiên, ông bà, cha mẹ, như thế là có tâm, phải đạo. Thiết nghĩ, các gia đình nên tiết kiệm trong việc đốt vàng mã. Số tiền mua vàng mã, để chi vào những việc ích nước, lợi nhà.

Bạn đọc Hồ Hải Sơn (Nghệ An): Vấn đề tâm linh là việc của mỗi người. Người Việt Nam ta từ bao đời có đạo lý "uống nước nhớ nguồn", thể hiện ở việc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, thờ phụng tổ tiên. Những năm gần đây, cuộc sống nhiều thay đổi, song có nhiều hủ tục văn hóa chưa được dẹp bỏ, mà là phát triển như dùng, đốt hàng mã. Chưa có con số thống kê nhưng hằng năm số tiền người dân dùng mua hàng mã như đồng tiền âm phủ, nhà cửa, xe cộ, quần áo về làm lễ đốt cho người chết là rất lớn. Hàng chục tấn giấy đã bị đốt thành tro bụi. Tuy nghề hàng mã giải quyết việc làm, thu nhập cho một số lao động, dịch vụ, nhưng đây là một sự lãng phí lớn về tiền của. Chúng ta có nhiều việc để tỏ lòng với người đã khuất như biết chăm lo cuộc sống tốt hơn, biết đền ơn đáp nghĩa, thờ phụng, xây dựng lại nghĩa trang... Gần đây, có nhiều phong trào như xây dựng cuộc sống văn hóa mới, xóa nhà tranh tre dột nát, giúp đỡ người nghèo... Mong rằng, ngành văn hóa phối hợp tuyên truyền người dân hạn chế, sử dụng hàng mã mà chú ý vào nhiều việc có ý nghĩa, mục đích hơn.

Bạn đọc Phạm Như Hùng (Hà Nội): . Lễ vật của "người âm phủ" là các thứ có thể hóa vàng. Hằng năm, các đệ tử thiêu đốt hàng âm phủ "sản xuất" tới hàng vạn tấn giấy, trị giá hàng trăm tỷ đồng, một sự lãng phí lớn. Ai nào đã thống kê được số tiền mà các tín chủ đặt lễ cho bà cốt, ông đồng là bao nhiêu? Thời buổi kinh tế mở, nhiều thành phần; nghề bán thánh, buôn thần có chiều hướng phát đạt. Nếu nghề này càng phát đạt, sẽ dẫn đến phát triển mê tín dị đoan trong xã hội. Trước những năm chưa đổi mới, tệ nạn này đã giảm nhiều; nhưng nay chạy theo phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu, cho nên "phải" đốt nhiều vàng mã, để mưu cầu lộc, cầu tài... Lộc tài chưa thấy đâu, chỉ thấy lãng phí việc xây mồ mả, đốt vàng và chợ bị cháy bởi hương khói, nhang đèn... Các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tin đại chúng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần phát huy vai trò nòng cốt thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị số 27/CT-TW của Bộ Chính trị "Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội" và chỉ thị vận động không đốt vàng mã, chắc chắn việc xây mồ mả, đốt vàng mã sẽ giảm nhiều, tránh được lãng phí lớn và hỏa hoạn xảy ra.