Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, năm 1979, Lý Vĩnh Hùng cùng người thân sang Ðan Mạch lúc mới 12 tuổi. Biết bao khó khăn vất vả do bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, bao thăng trầm của cuộc sống nơi đất khách, quê người, nhưng với tinh thần ham học hỏi, chịu thương, chịu khó, cộng thêm sự giúp đỡ của người thân trong gia đình, cộng đồng người Việt Nam ở Ðan Mạch, Lý Vĩnh Hùng đã trưởng thành, trở thành một doanh nhân có tiếng tăm trong cộng đồng khoảng 10 nghìn người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn ở Ðan Mạch.
Gặp chúng tôi tại Hà Nội trong lần về nước, đem 7.000 USD, số tiền quyên góp của kiều bào ở Ðan Mạch thông qua Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài trợ giúp đồng bào vùng bị lũ lụt trong nước, Lý Vĩnh Hùng cho biết, năm 1993, lần đầu về Việt Nam sau 14 năm xa cách, khiến anh không khỏi bồi hồi xúc động, ngỡ ngàng trước sự thay đổi to lớn trên mảnh đất quê hương mình đã gắn bó tuổi thơ. Lớn lên, anh theo bạn bè "đánh hàng" từ Trung Quốc sang bán ở Ðan Mạch và một số thị trường khác ở châu Âu. Nhưng với suy nghĩ, không gì bằng mảnh đất quê hương, những năm sau đó, Hùng đã nhiều lần về nước tìm hiểu tình hình đất nước, chính sách đầu tư của Việt Nam.
Năm 1997, Lý Vĩnh Hùng quyết định đầu tư vào Việt Nam, mở công ty sản xuất và chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Những năm từ 1995 đến 1998 là thời kỳ khó khăn nhất đối với Lý Vĩnh Hùng khi mới mở công ty sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam. Khó khăn chồng chất khó khăn. Hùng nói: Khó khăn nhất của công ty là tạo lập một thương hiệu sản phẩm đồ gỗ Lyprodan trên thị trường thế giới. Hùng cho biết, "khó khăn lắm, để sản phẩm của mình đứng vững trên thị trường châu Âu thật không đơn giản". Thế rồi sản phẩm đồ gỗ mang tên hiệu Lyprodan dần có mặt tại nhiều nơi trên thế giới và hiện đứng vững tại thị trường châu Âu. Giờ đây anh đã có thể tự hào về thương hiệu Lyprodan của mình. Hùng cho biết ý định sẽ mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới. Hiện công ty chế biến và sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Lyprodan tại Ðồng Nai có 300 công nhân với mức lương trung bình là 1,2 triệu đồng/ người/tháng.
Tâm sự với chúng tôi về những cái Tết xa quê hương, Hùng bồi hồi xúc động: "Mỗi độ Xuân về thì nỗi nhớ Việt Nam càng da diết trong mỗi thành viên gia đình tôi. Tết năm nào gia đình tôi cũng luộc bánh chưng, làm giò, chả, dưa hành... cho có hương vị Tết, nhưng quan trọng hơn cả là giáo dục con cái về thuần phong mỹ tục và bản sắc dân tộc". Năm nào giờ giao thừa cũng thật thiêng liêng, cả nhà chăm chú theo dõi VTV4, lắng nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước mà cứ ngỡ như đang ở quê nhà. Bữa cơm ngày Tết cả nhà đoàn tụ, quây quần bên mâm cơm đầm ấm hương vị quê nhà trong chén rượu đầu Xuân.
Ngoài kinh doanh, Hùng còn kiêm luôn chức Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ðan Mạch, phụ trách vấn đề kinh doanh của Hội. Tuy Hội người Việt Nam tại Ðan Mạch mới thành lập vào tháng 12-2005, nhưng Hội đã tổ chức được hai đợt quyên góp tiền ủng hộ người nghèo và những vùng bị bão lụt ở trong nước thông qua Ðại sứ quán hoặc Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy số tiền không lớn, nhưng thể hiện tình cảm "lá lành đùm lá rách" của bà con Việt kiều. Anh cho biết, Hội được Ðại sứ quán Việt Nam tại Ðan Mạch quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhằm giúp cộng đồng người Việt Nam tại Ðan Mạch tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách đầu tư cũng như cơ hội làm ăn tại Việt Nam. Với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, Hội người Việt Nam tại Ðan Mạch đang có nhiều dự định cụ thể, nhằm giúp ngày càng nhiều Việt kiều về nước đầu tư, xây dựng quê hương.
|