Giữa nắng trưa thiêu đốt, trên đoạn sông chảy xiết, lô nhô mấy cái lưng trần mình ướt đẫm mồ hôi, hì hục khuân những đoạn sắt hoen gỉ từ dưới chân cầu gãy lên thuyền. Họ là đội quân “thợ lặn” tìm phế liệu thôn Tiên An (Vĩnh Linh, Quảng Trị), vì mưu sinh nên cả năm "bán mặt cho nước, bán lưng cho trời".
Chốn mưu sinh của những người này chính là những dòng sông một thời lửa đạn như sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, sông Hiếu... tỉnh Quảng Trị. Ở nơi đây có thứ mà họ tìm kiếm để đắp đổi qua ngày, đó là phế liệu chiến tranh còn sót lại, những thứ tưởng như vĩnh viễn chôn vùi dưới lòng sông sâu, nay lại được các thợ lặn phế liệu đáy sông “khai quật” mỗi ngày.
Nhọc nhằn nghề "mò" bom
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Mãi quê ở Tiên An, Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh, Quảng Trị, một vùng đồi núi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Kiếm ăn ở quê không đủ trang trải cuộc sống gia đình nên anh "kết" nghề mò phế liệu từ hơn 10 năm nay.
"Nghề này không phải dễ kiếm ăn. Người làm nghề này phải am tường luồng, lạch, hướng chảy của sông nước thì mới kiếm được nhiều phế liệu, hạn chế gặp nguy hiểm", anh Mãi chia sẻ kinh nghiệm.

|
Bom là phế liệu vừa là kế sinh nhau, vừa là nguồn tai họa khôn lường cho những người thợ lặn |
Chuyến đi bắt đầu lúc rạng đông, nhưng từ lúc gà gáy, đoàn thủy thủ đã phải lục tục thức dậy để chuẩn bị những dụng cụ cần thiết như máy nổ, bình nén khí ôxy, búa tạ, búa chẻ củi, cưa sắt, cơm mắm muối ...sẵn sàng cho một ngày đánh vật với "hà bá".
5h, màn sương lạnh buốt vẫn chưa tan hết trên mặt đất, đoàn nhổ neo. Chuyến đi này, thuyền của anh Mãi phải vượt quãng đường gần 40 km, ngược thượng nguồn dòng Hiền Lương, nơi mà theo anh Mãi có nhiều phế liệu vì ít người lên khai thác. Đó cũng là nơi mà ngày xưa chiến tranh diễn ra rất ác liệt.
Khi mặt trời chiếu rọi những tia nắng đầu tiên cũng là lúc thuyền vừa đến nơi. Anh Mãi ra hiệu cho thuyền dừng lại ở quãng sông vắng. Cởi trần chỉ chừa lại cái quần đùi, hít hơi thật sâu, "ực" một ngụm nước mắm cho ấm người, anh cùng với hai người bạn lặn khác vội đeo mặt nạ, ngậm ống dẫn khí, rồi đánh "tỏm" một cái và mất hút dưới làn nước xanh hun hút, lạnh lẽo.
Sau khoảng 10 phút, bọt bắt đầu phun lên trắng xoá, anh Mãi và hai người bạn lặn ngoi lên mặt nước lấy lại hơi thở. Anh hổn hển cười nói: “ Làm nghề này ngoài sự nhọc nhằn, nguy hiểm ra còn phải có máu đam mê và ... liều nữa. Nghề này cũng “kén” người lắm, không dành cho người yếu tim đâu”.
Mẻ phế liệu đầu tiên sau 30 phút ngâm người dưới nước lổn nhổn đủ thứ nào là gỗ, mấy đoạn sắt rỉ rét, vài cái bát ăn cơm bằng sắt của lính Mỹ và một quả bom 105 li. Người thủy thủ cất lưới trên thuyền thản nhiên nói: “Chuyện thường như cơm bữa thôi, nhiều hôm bọn tui còn vớt được quả bom nặng gần cả tấn vẫn mới, phải thuê thuyền to mới chở về được".
Phế liệu vớt được các anh gom về bãi tập kết dưới thị trấn, tiền bán được chia đều theo đầu người. Anh Mãi cho biết: "Một ngày mỗi người cũng được gần trăm nghìn, bữa nào “trúng quả” thì nhiều hơn một chút".
Do lao động trong môi trường nước sâu và lâu năm như thế nên hầu hết những người vớt phế liệu dưới đáy sông đều bị bệnh ù tai, tức ngực, khó thở. Người nào cũng có vài vết sẹo do va vào đá hay bị sắt nhon đâm phải... Ngoài ra họ còn đối mặt với những tai nạn khôn lường bởi bom mìn. Nhọc nhằn, nguy hiểm là vậy nhưng cuộc mưu sinh buộc họ vẫn ngày ngày phải đem tính mạng chính mình ra thách đố với thiên nhiên và di họa chiến tranh.
"Làm nghề này cũng cần phải chấp nhận “sinh nghề tử nghiệp". Tôi gắn bó được với nghề cũng vì mê lặn từ nhỏ", anh Mãi tâm sự.
Ra tay nghĩa cử
Khoảng giữa năm 2003, ông Toàn ở thôn Nam Sơn, Vĩnh Linh (Quảng Trị ) không biết buồn chuyện gì đã ra cầu Bến Than tự tử. Khi người nhà ông đến nhờ tốp thợ lặn Tiên An giúp tìm xác của ông, không do dự, họ nhận lời đi ngay. Sau khi xác định khúc sông ông Toàn nhảy tự tử, họ lao ngay xuống nước, ngụp lặn đến bợt cả người, quên cả đói, quần thảo tơi bời cả một khúc sông mà vẫn không thấy xác ông Toàn đâu cả. Mãi hôm sau, họ mới tìm thấy xác nạn nhân cách nơi tự tử gần 3 km, do bị dòng nước cuốn trôi đi.
 |
Mưu sinh, những người thợ lặn đôi khi ra tay nghĩa hiệp tìm giúp những mạng người xấu số |
Đầu năm 2006, anh Chung ở thôn Giang Phao (xã Trung Sơn, tỉnh Quảng Trị ) bị chết đuối trên sông Bến Hải. Người nhà anh Chung lần tới lần lui dọc bờ sông cả ngày vẫn không tìm thấy xác anh. Họ tuyệt vọng gọi tên anh khóc thảm thiết. Thấy cảnh thương tâm, tốp thợ lặn của anh Mãi đang lặn gần đó dừng công việc, đến lặn tìm giúp xác. Biết là nước sông luôn chảy nên xác người chết đuối thường bị cuốn trôi một đoạn chứ không bao giờ nằm nguyên một nơi cố định, họ bắt đầu xác định vị trí và ước lượng khoảng cách từ nơi anh Chung bị chết đuối đến nơi cần lặn khoanh vùng để lặn tìm mới hi vọng tìm được. Phải mất một buổi chiều lặn ngụp, cuối cùng họ cũng tìm thấy xác anh Chung. Trả xác cho gia đình anh Chung tổ chức mai táng, tốp thợ lặn lặng lẽ trở lại với công việc của mình mà chẳng nhận một sự đền đáp ân huệ nào từ gia chủ...
Vớt xác trên sông, dù là nghĩa cử, vốn là cấm kỵ trong giới sông nước. Ngư dân hay những người thợ lặn vẫn truyền tai nhau một “lời nguyền” bất thành văn rằng nếu dám cướp xác từ tay hà bá thì phải chấp nhận chịu sự trừng phạt làm người thế mạng. Vì vậy lâu nay chẳng mấy ai dám làm trái “lời nguyền” này.
Thắc mắc với anh Mãi, anh trầm ngâm cho biết: “Có gì mà kiêng với cữ, họ gặp nạn thì mình giúp như là nghĩa cử của người sống với người chết. Ai kiêng thì mặc họ chứ riêng tốp thợ lặn thôn Tiên An chúng tôi từ khi hành nghề đến nay đã vớt được nhiều xác chết đuối lắm rồi mà có sao đâu. Nhà nào có người chết đuối nhờ đến là tốp thợ lặn chúng tôi lại lên đường đến nơi giúp, đặc biệt tụi tôi tui thống nhất với nhau là không nhận bất cứ thứ gì mà người nhà nạn nhân bồi dưỡng, đó là “luật” của bọn tôi, “nghĩa tử là nghĩa tận” mà, phải không chú?”.
Một ngày mưu sinh kết thúc khi ánh nắng yếu ớt cuối ngày bắt đầu lịm dần ở cuối sông. Tốp thợ lặn thôn Tiên An tất tả thu dọn máy móc và gom toàn bộ phế liệu chất lên thuyền, lặng lẽ xuôi dòng Bến Hải hiền hoà về thôn Tiên An, nơi có vợ con họ đang chờ bên mâm cơm chiều ấm áp...
Theo Lê Mai
