Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, thời gian qua đã tiến hành kiểm tra hết sức gắt gao thị trường sữa và các sản phẩm liên quan. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, khá nhiều khu vực tại Hà Nội vẫn chưa được ngó ngàng tới. Do đó, nhiều sản phẩm liên quan đến sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn bày bán công khai. >> Kiểm tra đâu cũng thấy sữa "có vấn đề" Siêu thị “bóc” hàngĐến thời điểm này, hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại đã dỡ bỏ khỏi kệ hàng những sản phẩm liên quan đến sữa do nghi ngờ nguyên liệu sản xuất có xuất xứ từ Trung Quốc. Tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) những sản phẩm Chocolate mang thương hiệu M&M, Snickers, Dove Chocolate, Oreo... không còn hiện diện trên kệ hàng, dù lâu nay đó vẫn là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó GĐ Big C Thăng Long khẳng định, từ ngày 26/9 toàn bộ hệ thống Big C trên toàn quốc đã cho dừng bán những sản phẩm này do có thông tin nghi ngờ nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc. Mặc dù đến thời điểm này sản phẩm có vấn đề hay không chưa rõ, nhưng việc dừng bán nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Còn bà Vũ Thị Hậu, GĐ siêu thị Fivimart cho biết, trên các kệ hàng của siêu thị không còn bày bán những sản phẩm bị nghi ngờ có chứa chất melamine. Toàn bộ số hàng này đã được niêm phong, cất giữ trong kho chờ kết quả kiểm nghiệm. Sau này, sản phẩm nào được “giải oan” sẽ được đưa ra thị trường, còn sản phẩm nào vi phạm, siêu thị sẽ xử lý theo quy định. Chợ bán công khai Tại chợ Đồng Xa (Từ Liêm, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hà, chủ cửa hàng bán bánh kẹo khẳng định: “Cả dãy cửa hàng bán bánh kẹo này chủ yếu là bán buôn cho các cửa hàng bán lẻ. Nhưng thời điểm này tiêu thụ rất chậm. Hiện nay, khách hàng không những không mua bánh kẹo có chứa sữa mà còn ngừng ăn cả các loại bánh kẹo không chứa sữa”. Cũng theo chị Hà, đến thời điểm này các loại bánh kẹo rời vẫn bày bán bình thường và chưa thấy QLTT đến kiểm tra. Lần kiểm tra gần đây nhất là với bánh Trung thu nghi ngờ có chứa bột đá không đủ tiêu chuẩn. Một chủ quầy hàng bên cạnh chị Hà phàn nàn: “Thông tin loạn hết cả lên khiến hàng nhập về ế ẩm vô cùng. Bây giờ đến chợ chủ yếu là ngồi chơi. Các cửa hàng bán lẻ ngừng lấy hàng là chúng tôi chết”. Nói về các loại hàng đang được bày bán, các chủ quầy cho rằng, lượng melamine trong sữa mới nhiều, chứ trong bánh kẹo sữa chỉ chiếm số lượng khiêm tốn thì sẽ chẳng sao(?). Trước đó, thông tin chúng tôi nhận được từ phía Chi cục QLTT Hà Nội là sẽ kiểm tra thị trường một cách gắt gao, kể cả sản phẩm liên quan đến sữa. Tuy nhiên, trước việc ngay trên địa bàn Hà Nội vẫn có rất nhiều nơi bày bán công khai và chưa hề được kiểm tra, ông Trịnh Văn Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội giải thích: “Do lực lượng mỏng, địa bàn Hà Nội lại quá rộng nên lực lượng QLTT mới kiểm tra được những địa bàn trọng điểm. Còn những địa điểm nhỏ lẻ vẫn chưa tiến hành kiểm tra”. Còn ông Nguyễn Hồng Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội lại cho rằng, sữa và các sản phẩm liên quan đến sữa không đủ tiêu chuẩn xuất hiện tại Việt Nam là do kênh nhập khẩu tiểu ngạch (nhập lậu). Cơ quan Hải quan mới là rào cản đầu tiên, tiếp đến là các cơ quan liên quan đến chất lượng. Hàng nhập khẩu tiểu ngạch khi đã lưu thông trên thị trường, QLTT tiến hành kiểm tra chỉ là... phần ngọn. Hàng “thay thế” đắt khách Hiện nay sữa đậu nành hoặc các sản phẩm nhập ngoại đang bán rất chạy vì nhiều bà mẹ coi là sản phẩm thay thế cho sữa. Ngoài sữa đậu nành, nhiều người đã tìm mua những sản phẩm nhập ngoại như Petit Montebourg, Pettis Filous (còn gọi là sữa chua Pháp), váng sữa chocolate của Nga... với mức giá từ 15.000 - 18.000 đồng/hộp nhỏ. Nếu dùng đều đặn 3 bữa/ngày cũng mất trên dưới 50.000đồng/trẻ, chưa kể các loại hoa quả bổ sung khác.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng, sản phẩm phomai tươi (fromage frais) thời hạn sử dụng không thể tính bằng năm mà chỉ sử dụng an toàn trong vòng 1- 2 tháng là nhiều. Bởi vậy, người tiêu dùng phải đặc biệt quan tâm đến hạn sử dụng ghi trên vỏ hộp. Chị Nguyễn Kim Phượng, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ hộp cho biết: “Trước đây, những sản phẩm nhập ngoại này bán rất chậm nhưng sau khi có thông tin về sữa nhiễm chất độc melamine thì các loại phomai nhập ngoại, sữa chua ngoại bán rất chạy”. ThS.BS Lê Thị Hải, Trưởng Trung tâm Khám & Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, tại thời điểm này các bà mẹ hãy nói “không” với sữa xuất xứ Trung Quốc, nhưng không nên ngừng hẳn sữa cho con mà chọn các nhãn hàng sữa có uy tín, có xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận VSATTP, chú ý xem thành phần sữa, hạn sử dụng.
Theo Mai Hạnh |
▪ Nông dân dùng sữa bò để... tắm (04/10/2008)
▪ Học phí tăng, 15 HS câm điếc "nguy cơ" phải nghỉ học (04/10/2008)
▪ Làng mò bom đáy sông (04/10/2008)
▪ Vứt 30kg bệnh phẩm nội tạng người vào Bệnh viện GTVT (04/10/2008)
▪ Rượu giả làm như thật (04/10/2008)
▪ Dời bãi xe ngầm đầu tiên của TP HCM do vướng hai tuyến metro (03/10/2008)
▪ Hệ thống xử lý nước thải y tế TP HCM bị 'hớ' (03/10/2008)
▪ Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh: Cộng đồng trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn cho các dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (03/10/2008)
▪ Người tiêu hủy heo bệnh chưa nhận được tiền hỗ trợ (03/10/2008)
▪ Tái định cư Thủ Thiêm: Trách nhiệm “dồn” cho cấp dưới ? (03/10/2008)