Lệch hướng
Các Website khác - 14/11/2005

SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Lệch hướng

Xuân Quang

Hôm 11.11, Việt Nam đã đón du khách quốc tế thứ ba triệu trong năm 2005. Đó là một kỷ lục, bởi nói như Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Từ, để đón được du khách thứ một triệu, ngành du lịch phải chuẩn bị đến 34 năm, đón du khách thứ hai triệu chuẩn bị 6 năm và đến thứ ba triệu chỉ mất 5 năm. Năm 2005, VN cũng thừa sức đón đến 3,5 triệu khách quốc tế - một kỷ lục nữa.

Tuy nhiên, trong số 3,5 triệu khách ấy, có bao nhiêu người quay trở lại? Câu trả lời, theo Tổng cục Du lịch, là khoảng 30% - một tỉ lệ chưa hẳn đã chính xác, nhưng vẫn khá thấp nếu so với một số nước trong khu vực.

Một quan chức Tổng cục Du lịch có đưa ra một số nhận xét như sau: Do du lịch VN là du lịch khám phá, chứ không phải là du lịch nghỉ dưỡng hay hội thảo, nên việc khách quay lại ít là tất yếu. Một ý khác: Ngành du lịch dự định sẽ đưa ra một chiến dịch mới quảng bá hình ảnh VN như một đất nước có nhiều dịch vụ y tế và vệ sinh thực phẩm đảm bảo. Một lý giải nữa, sở dĩ hiện nay giá tour còn cao là do giá vé máy bay cao...

Về cơ bản, những lý giải trên đây không sai, nhưng dường như hơi mang tính bào chữa. Thực tế đã chứng tỏ rằng, vấn đề khách trở lại đông hay thưa nằm ở tính độc đáo và là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu khách hàng, tiếp thị, quảng cáo. Một chuyên gia về du lịch từng nói trên báo chí: "Những rừng già Nam Phi, kim tự tháp Ai Cập, thác Niagara há chẳng phải là những khám phá hay sao, mà mỗi năm đón hàng triệu du khách?".

Theo chuyên gia này khách ít quay lại VN vì chương trình của chúng ta nghèo nàn, đơn điệu quá. Qua một năm hay nhiều năm, vẫn từng ấy điểm tham quan; điểm nào cũng chỉ có thế thì khách quay trở lại để làm gì? Trong khi đó, cứ mỗi một mùa, mỗi một sự kiện lễ hội..., các nước làm du lịch chuyên nghiệp đều thành công, từ việc đưa ra khẩu hiệu cho đến xây dựng chương trình. Du khách được bảo vệ triệt để, quyền lợi của họ được cân nhắc, giá vé mùa thấp điểm khác với mùa cao điểm...

Về chiến dịch quảng bá mới, chuyên gia này đặt câu hỏi: Trên cơ sở nào, chúng ta dám tuyên bố với thế giới là chúng ta có nhiều dịch vụ y tế và nhất là, vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta là tốt? Thực tế ở nước ta, an toàn thực phẩm hiện là nỗi lo, dịch vụ y tế còn nhiều yếu kém, không thể là điểm mạnh để nhấn trong quảng bá tiếp thị. Còn cho rằng giá tour cao do giá vé máy bay cao là quan điểm nặng tính đối phó... Có nghĩa rằng, định hướng phát triển du lịch VN đang sai lệch và xa rời thực tế?