Niềm vui của học trò nghèo
Lúc ấy đã hơn 17 giờ, một nhóm gần hai chục đứa trẻ bước vội khỏi chiếc ô-tô Toyota xuống đường. Chúng hăm hở tiến qua phần đê gần cầu Long Biên, tay giơ cao những chiếc đèn ông sao rực rỡ sắc mầu. Nhìn những gương mặt rám đen vì nắng gió và những bộ quần áo xộc lệch, có sao mặc vậy của chúng, người ta dễ dàng nhận ra đây là con cái của những gia đình lao động nghèo khó, lam lũ ở khu bờ sông gần cầu Long Biên.
Thấy tôi chăm chú nhìn theo đám trẻ, bà chủ hàng nước vui vẻ cho biết: "Các cháu này đều học lớp Nhân Ái ở 13 phố Ngô Văn Sở đấy chú ạ! Con nhà lam lũ, khó khăn rõ khác, được người ta cho chiếc đèn ông sao mà chúng hớn hở như bắt được đèn vàng vậy!". Qua câu chuyện, tôi biết các em học sinh lớp Nhân Ái đều là trẻ em nghèo khó ở khu vực cầu Long Biên và "xóm thuyền" trên sông Hồng. Câu chuyện mà bà hàng nước kể khiến tôi chú ý. Uống vội cốc chè xanh, tôi phóng xe máy theo hướng các em vừa đi nhằm "thực mục sở thị" cuộc sống cũng như gia cảnh của chúng.
Sau gần mười phút rẽ qua cả chục ngõ ngách chật hẹp, tôi mới nhìn thấy bốn cháu gái đang ngồi trên một vạt cỏ ven sông Hồng. Chúng vừa cười đùa, vừa ăn bánh kẹo. Tôi lại gần và thân mật hỏi: "Các cháu là học sinh lớp Nhân Ái phải không?". Các cháu cất tiếng chào rồi đồng thanh trả lời: "Vâng ạ!". Tôi ngồi xuống cùng bọn trẻ để tiếp tục câu chuyện. Thì ra bốn cô bé họ Nguyễn này là bốn chị em ruột. Cô Thúy lớn nhất 15 tuổi, còn cô Hà nhỏ nhất mới sáu tuổi. Có lẽ do cuộc sống lam lũ, thiếu thốn đủ bề nên chúng đều nhỏ bé hơn những đứa trẻ bình thường ở cùng độ tuổi. Thúy cho biết ba chị em đang học từ lớp một đến lớp ba. Còn Hà đang tập viết bảng. Chúng đến lớp vào chiều thứ hai, ba, bốn hằng tuần, có xe ô-tô đưa đón ngay gầm cầu Long Biên. Khi tôi hỏi vì sao không đi học ở các trường phổ thông như các học sinh khác, lại vào học ở lớp Nhân Ái, cháu Thúy mau mắn trả lời: "Mẹ cháu làm nghề bán hoa quả rong ở trong phố. Bố cháu đau ốm, bệnh tật luôn nên phải về quê sống. Cháu phải trông em thuê. Còn cái Thủy, cái Thu thì nhặt hoa quả rơi, nhặt giấy, nhặt ni-lông trên phố... mới có tiền giúp mẹ nuôi cả gia đình. Vì thế chúng cháu không thể đến trường phổ thông như các bạn khác được!".
Ðược biết các cháu đến học ở lớp Nhân Ái đều được cấp thêm tiền, được cấp sách vở, bút mực và quần áo, giày dép. Ngoài ra, các cháu còn được cấp thuốc chữa bệnh, được đi cắm trại, đi tham quan, lại có xe ô-tô đưa đón đi học... Vì thế, lớp Nhân Ái có sức hấp dẫn mạnh mẽ các cháu có hoàn cảnh khó khăn như bốn chị em cháu Thúy từ nhiều năm nay. Cháu Thúy xòe nắm tiền ra khoe với tôi: "Hôm nào đến lớn, mỗi học sinh lại được phát 3.000 đồng. Ðây là tiền cô Oanh, cô Hòa phát cho chúng cháu ăn tối vì chiều nay đi học, chúng cháu không kiếm được tiền!". Cháu Thu ngượng nghịu tiếp lời chị: "Hôm nay, các cô giáo còn cho chúng cháu bánh kẹo và đèn ông sao nữa! Lúc nào mẹ cháu bán hàng về, mời chú xuống nhà cháu chơi!". Vừa nói, cháu Thu vừa chỉ tay vào một trong những chiếc thuyền nhỏ nhoi đậu sát mép nước sông Hồng. Ðây chính là nơi cả gia đình cháu cùng tề tựu ăn uống, nghỉ ngơi sau một ngày bươn trải vất vả, và mọi chuyện không phải lúc nào cũng "xuôi chèo, mát mái". Tôi chia tay các cháu khi "xóm thuyền" đã lên đèn. Chúng vác đèn ông sao cười như nắc nẻ, chạy ào xuống thuyền. Nhìn các cháu nô đùa, cười nói thoải mái, tôi biết hôm nay là một trong những ngày vui của chúng và chính những người thầy ở lớp Nhân Ái đã đem lại niềm vui ấy.
Hai ngày sau, tôi tìm đến lớp Nhân Ái ở 13 phố Ngô Văn Sở (thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Các cô giáo Vũ Thị Ngọc Oanh và Nguyễn Thị Hòa đang chuẩn bị cho giờ lên lớp buổi chiều. Qua câu chuyện, tôi biết cả hai cô đều là giáo viên đã có 25-30 năm trong nghề dạy học, đều tình nguyện dạy học không lương từ nhiều năm nay. Ông Vũ Tiến, người tổ chức lớp Nhân Ái cho biết học sinh của lớp là con các gia đình lao động nghèo giáp sông Hồng ở khu vực phía bắc cầu Long Biên. Bố mẹ học sinh phần đông là người lao động ngoại tỉnh, làm nghề bán hoa quả rong, thu nhặt, mua bán các đồ phế liệu. Sau khi họ thu lượm, mua bán và vệ sinh sạch sẽ, mỗi ki-lô-gam giấy các-tông, nhựa cứng chỉ có giá là 1.000 đồng. Giá bán ni-lông, sắt vụn cao gấp đôi nhưng số tiền ít ỏi này không thể giúp họ cho con cái đến trường như những đứa trẻ khác cùng độ tuổi. Không những thế, con cái những gia đình lao động này còn phải phụ giúp bố mẹ thu gom các loại phế liệu. Không thu gom được thì phải vệ sinh, tẩy rửa chúng sạch sẽ trước khi đem bán. Vì thế, việc vận động các cháu đến lớp học đã khó, việc duy trì lớp học còn khó khăn hơn nhiều vì thiếu các cháu, nguồn thu của gia đình sẽ bị thiếu hụt ngay! Ông Vũ Tiến chỉ hai chiếc ô-tô Mekong và Toyota nói: "Ðể học sinh có thêm thời gian giúp đỡ gia đình, chúng tôi phải đưa đón các cháu bằng xe ô-tô. Ngoài cấp phát tiền ăn, sách vở, giấy bút, chúng tôi còn cấp phát quần áo, giày dép... để các cháu có điều kiện học tập. Khi chúng đau ốm còn được chăm sóc y tế không mất tiền". Bằng sự quan tâm chu đáo này, lớp học thường xuyên duy trì được sĩ số từ 20 đến 30 học sinh. Tôi bất giác hỏi: "Vậy kinh phí cho các chi phí trên ông lấy ở đâu?". Ông Vũ Tiến trả lời sau một lát im lặng: "Chi phí cho học sinh chúng tôi lấy từ nguồn thu qua các hoạt động kinh doanh của Chương trình nuôi dạy trẻ em xa mẹ. Ðó là các hoạt động du lịch, ăn uống, giải khát. Cũng chẳng đáng là bao đâu nhà báo ạ!".
Cô giáo Vũ Thị Ngọc Oanh, người sáng lập lớp cho biết, các em được học theo Chương trình xóa mù chữ quốc gia cho trẻ em, nhưng thời gian học có chậm hơn. Giáo viên đứng lớp chú trọng đi sâu những bài học thiết thực đối với các em như cách ứng xử trong quan hệ, giao tiếp; vệ sinh ăn uống; vệ sinh môi trường và phòng bệnh, chữa bệnh... Vì đây là lớp ghép nên trong một giờ học, giáo viên phải dạy cho học sinh có trình độ từ lớp một đến lớp ba. Ngoài học chữ, các em còn được học hát múa, vui chơi, được đi tham quan các di tích lịch sử, các di sản văn hóa... Như vậy, từ sân chơi này, các em còn có điều kiện gặp gỡ, giao lưu với bạn bè cùng trang lứa, được sẻ chia, bù đắp những khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần theo đúng ý nghĩa của từ "nhân ái"!
CÔNG GÔN
|