Lý A Lò, thầy giáo quân hàm xanh
Các Website khác - 27/09/2005
Từ sáu năm nay, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Ðồng Văn Lý A Lò đã cùng Ðội công tác biên phòng đến từng hộ gia đình trong các bản để vận động mở hàng chục lớp xoá mù chữ.
Ở quê hương anh xã Húc Ðộng, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, một xã vùng sâu nhất của huyện, Lý A Lò, người dân tộc Sán Chỉ, là thanh niên đầu tiên của xã học hết THPT.

Năm 1972, gia đình Lý A Lò đi làm về có nhận được một lá thư nhét ở khe cửa. Bóc ra xem lại nhét vào vì chẳng có ai biết đọc. Một tháng sau, có người từ bản khác đến nhà chơi, bố mẹ mới nhờ đọc hộ, hóa ra đó chính là giấy báo tử của người anh trai đã hy sinh tại chiến trường miền nam. Cả gia đình òa khóc. Từ sự kiện đó, Lý A Lò thấm thía nỗi khổ của người không biết chữ.

Sau khi học xong THPT, Lý A Lò được tuyển vào lực lượng BÐBP, rồi được Ðảng, Nhà nước và Quân đội quan tâm ưu tiên cử tuyển vào học Ðại học Biên phòng. Ra trường năm 1999, Lý A Lò được cấp trên điều động về Ðồn Biên phòng 23 nhận công tác với chức danh Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Ðồng Văn, phụ trách 12 cán bộ, chiến sĩ trong trạm. Xã Ðồng Văn lúc bấy giờ chưa có đường ô-tô từ trung tâm huyện đến xã, phải đi bộ từ đồn đến trạm 8 km. Xã Ðồng Văn là vùng sâu, vùng xa biên giới, trạm phải quản lý đoạn biên giới dài 12 km (từ mốc 27 đến mốc 22) có ba điểm tranh chấp. Ðịa bàn có bảy bản và khu chợ Ðồng Văn, xã có ba dân tộc sinh sống là Dao, Tày, Sán Chỉ; với 442 hộ/2.312 khẩu. Năm 2000, còn 70% số hộ đói nghèo, 60% số dân mù chữ, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu.

Vừa đặt chân đến trạm nhận công tác, việc làm đầu tiên của anh Lý A Lò là cùng tập thể trạm nắm bắt tình hình, cả những thuận lợi, khó khăn, để tổ chức, hướng dẫn, triển khai thực hiện toàn diện các biện pháp công tác biên phòng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Là người dân tộc thiểu số đã biết chữ, Lý A Lò càng thấu hiểu nỗi khổ và thiệt thòi của đồng bào các dân tộc không biết chữ. Ðã không biết chữ thì không thể nâng cao được dân trí, không thể xóa được đói, giảm được nghèo, vì không áp dụng được khoa học-kỹ thuật vào lao động sản xuất và đấu tranh bảo vệ biên giới. Ðây cũng là nhiệm vụ đơn vị xác định gian truân nhất, do vậy ngoài nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới và sẵn sàng chiến đấu, Lý A Lò đã cùng cán bộ, chiến sĩ của trạm và một số cán bộ là thầy giáo quân hàm xanh được cấp trên bổ sung cho trạm, vận động đồng bào các dân tộc đi học xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. Số cán bộ tăng cường chưa biết tiếng dân tộc, cho nên bước đầu phải mở ngay lớp dạy cho thầy giáo quân hàm xanh tiếng dân tộc để giao tiếp với đồng bào, trong thời gian 15 ngày. Thế là Lý A Lò vừa làm Trạm trưởng lại là nhân viên cùng Ðội công tác biên phòng xuống đến từng hộ gia đình trong các bản để tuyên truyền, vận động và lập danh sách số người không biết chữ để mở lớp, vừa tranh thủ học thêm tiếng dân tộc để làm tốt công tác vận động. Riêng Lý A Lò đã nói và hiểu được sáu thứ tiếng của các dân tộc sống trong địa bàn hai bên biên giới: Tày, Hoa, Sán Chỉ, Sán Dìu, Thanh Y, Thanh Phán. Ðược sự quan tâm của chính quyền các cấp và chỉ huy đơn vị, trong vòng gần bốn tháng từ 5-9-2000 đến 20-12-2000, riêng trạm Ðồng Văn đã tổ chức thực hiện 18 lớp xóa mù chữ và sáu lớp sau xóa mù chữ cho 487 người trong độ tuổi ở bảy bản và khu chợ Ðồng Văn. Năm 2001, mở thêm bốn lớp cho 120 người nữa để hoàn thành chương trình xóa mù chữ cho xã Ðồng Văn. Sau khi xóa mù chữ xong ở xã Ðồng Văn, Lý A Lò nghĩ ngay đến Húc Ðộng quê mình còn quá nhiều người không biết chữ. Anh báo cáo nguyện vọng với Ðảng ủy, Chỉ huy đồn, xin về quê mở lớp xóa mù chữ. Cấp trên quyết định tăng cường anh về quê với tư cách là thầy giáo quân hàm xanh làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương mở lớp xóa mù chữ. Lúc này, tỉnh quyết định bổ sung năm cán bộ, chiến sĩ của Ðại đội 6 biên phòng cùng về đây mở lớp.

Trong thời gian ba tháng, đã mở được 12 lớp, 472 người học ở từng bản. Việc xóa mù chữ cho nhân dân Húc Ðộng đã hoàn thành vào tháng 8-2001. Không chỉ dạy chữ, các anh còn hướng dẫn nhân dân, nhất là thanh niên biết cách trồng ngô, cấy lúa nước năng suất cao, để giảm nhanh các hộ đói nghèo với việc tuyên truyền vận động nhân dân ăn, ở vệ sinh, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chống tệ nạn tảo hôn, chống tội phạm, không truyền đạo trái phép, xây dựng làng bản văn hóa mới. Chỉ trong vòng bốn năm 2001-2004, xã Ðồng Văn từ một xã nghèo trở thành một điểm sáng toàn diện, chỉ còn 8% số hộ đói nghèo, đời sống văn hóa-xã hội đổi thay rõ rệt, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Từ những việc làm nêu trên, nhân dân đã tích cực cùng với Trạm tuần tra bảo vệ biên giới, đấu tranh với phía đối diện không được nắn lái dòng chảy hay xâm canh, tạo điều kiện cho phân giới cắm mốc ở đoạn biên giới do trạm quản lý, bảo vệ.

Với những thành tích đạt được, từ năm 2000 đến nay, năm nào Lý A Lò cũng được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Hoàng Long