Viện Lúa ĐBSCL: "Thần nông" thời @
Các Website khác - 29/04/2006
Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long:
"Thần nông" thời @
Lục Tùng

Được thành lập vào ngày 15.1.1977, với tên gọi ban đầu là Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp ĐBSCL, sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, Viện Lúa ĐBSCL (toạ lạc tại xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) đã góp phần đưa VN từ đất nước thiếu đói trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.

Cán bộ khoa học của viện đang
khảo sát ruộng lúa của nông dân
tỉnh Sóc Trăng.

GS-TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhấn mạnh: "Bí quyết thành công của đơn vị là chủ động nghiên cứu theo phương thức đón đầu". Chỉ tính riêng công tác giống, viện đã trực tiếp nghiên cứu lai tạo và "nội địa hoá" 75 giống lúa có phẩm chất gạo tốt, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và thích ứng với tình hình thời tiết ngày càng phức tạp...

Theo cách tính của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), với việc này, viện đã góp phần tăng sản lượng lúa từ 4,2 triệu tấn (1977) lên 19,1 triệu tấn, tương đương với số tiền từ 7.000 - 7.800 tỉ đồng (với giá bình quân là 1.770đ/kg). Riêng từ 2002 đến nay tăng khoảng 930 ngàn tấn, tương đương với 1.900 tỉ đồng. Trong đó có nhiều giống được xem là "cứu tinh" của nông dân.

Ông Bửu cho biết: "Dự đoán được tình hình lũ lụt diễn biến ngày càng bất thường, viện đã tập trung nghiên cứu và cho ra đời giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, giúp nông dân có điều kiện tăng vụ an toàn trước sự hung hãn ngày càng phức tạp của lũ lụt".

Bên cạnh đó, viện cũng đã chủ động chuyển giao nhiều quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, linh động vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới và hoàn cảnh thực tế như máy đánh bùn cải tiến, máy sạ lúa theo hàng cải tiến gieo hàng, bảng so màu lá...

Nổi bật nhất là đóng góp vào chiến lược quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), chương trình "3 giảm 3 tăng" trên cây lúa, vừa góp phần tiết giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, bảo vệ môi trường, vừa góp phần gia tăng năng suất cho nông dân.

Ông Bửu nhấn mạnh: "Máy sạ hàng của viện sản xuất, không chỉ giúp nông dân tiết kiệm được 100kg lúa giống/ha/vụ, mà còn tăng khả năng quang hợp giúp lúa cứng thân, hạt chắc,... qua đó làm hạ giá thành, tăng năng suất".

Theo tính toán của Bộ NNPTNT, mô hình này đã tiết giảm 50% lượng giống, giảm 30-50kg urê/ha, giảm từ 1,5-2 lần phun thuốc trừ sâu, bệnh... tăng thu nhập cho nông dân từ 1,5-1,8 triệu đồng/ha/vụ. Nếu áp dụng trên 1 triệu hécta, chỉ tính riêng giống lúa đã tiết giảm được 600 tỉ đồng.

Điều đáng nói ở đây là các công trình nghiên cứu của viện đều hướng đến mục tiêu tạo ra giải pháp có giá thành sử dụng thấp nhất nhưng cho hiệu quả cao nhất.