TP.HCM: Kiện toàn các cơ sở cai nghiện
Báo Tiếng chuông - 24/03/2017
Để đa dạng hóa các mô hình cai nghiện, tăng tỷ lệ số lượng người nghiện tham gia điều trị, kiềm chế sự gia tăng người nghiện mới, TP.HCM đã kiện toàn lại các cơ sở điều trị nghiện, tận dụng đội ngũ y bác sỹ, cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm và cơ sở vật chất sẵn có để hỗ trợ cộng đồng và tổ chức điều trị cho người nghiện một cách kịp thời và hiệu quả

Chuyển đổi theo thực tế

Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho biết, tại TP.HCM, theo kết quả rà soát, thống kê trong 7 năm qua (từ năm 2009-2016), số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tại thành phố gia tăng bình quân là 17,05%/năm. Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 21 nghìn người nghiện ma túy. Tổng số người nghiện ma túy được tham gia cai nghiện chiếm tỷ lệ 47% so với người nghiện có hồ sơ quản lý (cai nghiện bắt buộc chiếm tỷ lệ 25%). Dự tính số người nghiện có nhu cầu điều trị nghiện tự nguyện trong 5 năm tới khoảng 25.000 lượt người.

 

Ông Trần Ngọc Du chia sẻ kinh nghiệm kiện toàn cơ sở điều trị nghiện

 

Qua thống kê cho thấy, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn thành phố có xu hướng ngày càng gia tăng, số người nghiện ma túy chưa được tham gia điều trị nghiện còn nhiều. Công tác triển khai cai nghiện ma túy ngoài cộng đồng được mặc dù được triển khai rất quyết liệt nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn do điều kiện về cơ sở vật chất (tại các trạm y tế xã phường thị trấn chưa đáp ứng cho công tác điều trị), đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, giáo dục, điều trị nghiện ngoài cộng đồng thường xuyên biến động, công tác đào tạo tập huấn chưa chuyên sâu và thường xuyên, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập.

Để đa dạng hóa các mô hình cai nghiện, tăng tỷ lệ số lượng người nghiện tham gia điều trị, kiềm chế sự gia tăng người nghiện mới, hỗ trợ cộng đồng và tổ chức điều trị cho người nghiện một cách kịp thời và hiệu quả, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tham mưu Sở Lao động-Thương binh và xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Đề án tổ chức lại các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội thành các cơ sở điều trị nghiện ma túy.

Hiện nay, thành phố có 17 cơ sở điều trị nghiện ma túy (9 cơ sở cai nghiện bắt buộc, 3 cơ sở xã hội, 1 cơ sở tự nguyện công lập, 4 cơ sở ngoài công lập). Khi thực hiện Đề án tổ chức lại các cơ sở thì chỉ giữ lại 3 cơ sở điều trị nghiện bắt buộc để tiếp nhận các đối tượng đặc thù: 1 cơ sở tiếp nhận đối tượng có tiền án nghiêm trọng trên năm năm tù; 1 cơ sở tiếp nhận đối tượng có tiền án ít nghiêm trọng hơn (từ 3 đến dưới 5 năm); 1 cơ sở tiếp nhận đối tượng đã đi cai nghiện nhiều lần, thường xuyên tái nghiện và gây rối an ninh trật tự; còn lại chuyển thành các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện và cơ sở điều trị nghiện đa chức năng.

Các cơ sở điều trị nghiện ma túy của thành phố chia thành 3 tuyến: Một là, tuyến cộng đồng gồm 8 cơ sở, là các cơ sở có địa điểm trú đóng trên địa bàn thành phố, các cơ sở này có chức năng điều trị nghiện tự nguyện và hỗ trợ cộng đồng trong các dịch vụ tư vấn cũng như điều trị. Hai là, tuyến hỗ trợ cộng đồng, gồm 3 cơ sở công lập, là các cơ sở trú đóng ở các tỉnh giáp ranh thành phố, các cơ sở này thực hiện điều trị đa chức năng, trong đó chức chức năng điều trị nghiện tự nguyện. Ba là, tuyến tập trung điều trị là các cơ sở có địa điểm trú đóng ở các tỉnh xa thành phố (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Phước, Bình Dương).

Đối tượng tiếp nhận của các cơ sở này là người nghiện ma túy tự nguyện điều trị hoặc người nghiện ma túy do các cơ quan, tổ chức, gia đình người nghiện giới thiệu đến điều trị.

Các cơ sở điều trị tổ chức đa dạng các hình thức điều trị như nội trú, ngoại trú, bán trú và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, thuốc đối kháng,... (như Methadone, Naltrexone,Cedemex...) đáp ứng nhu cầu điều trị của người điều trị.

Tại cộng đồng, các điểm vệ tinh phối hợp, hỗ trợ các hoạt động của các điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện, hỗ trợ các nhóm đồng đẳng cho người sử dụng ma túy, phối hợp với các đơn vị, tổ chức kết nối các dịch vụ chuyển gửi về học nghề, vay vốn, giới thiệu việc làm và các nhu cầu thiết yếu khác của người nghiện ma túy.

Nhiều kinh nghiệm thực tiễn

Theo ông Trần Ngọc Du, vấn đề đặt ra, việc chuyển đổi các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội phải tuân thủ theo quy định và phải phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đáp ứng nhu cầu điều trị của nghiện, hỗ trợ khắc phục những hạn chế của cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Do đó, bên cạnh những thuận lợi thành phố cũng gặp một số khó khăn như: Theo hướng dẫn tại Công văn số 2421/LĐTBXH-PCTNXH ngày 23/6/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn mô hình chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội sang Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện. Nhưng có một số quy định chưa phù hợp như quy định về điều kiện cơ sở vật chất, nhất là trang thiết bị y tế (quy định giống như quy định về điều kiện cấp giấp phép hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh của ngành y tế theo Thông tư 41/2011/BYT của Bộ Y tế, như: Bộ mở, đặt khí quản, Máy hút đờm, Máy điện châm, Máy massage, Cọc truyền dịch, Bộ rửa dạ dày, ...), tiêu chuẩn về đội ngũ y, bác sỹ (người phụ trách chuyên môn của cơ sở cai nghiện phải là bác sỹ được cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực tâm thần, hoặc hỗ trợ cai nghiện (việc này ở thành phố rất khó: việc tuyển dụng bác sỹ làm tại các cơ sở cai nghiện đã khó còn nói chi đến việc lựa chọn bác sỹ tâm thần,...),... từ đó gây khó khăn trong việc thống nhất các tiêu chí để thẩm định Đế án để chuyển đổi.

Tuy nhiên, được sự chỉ đạo tập trung của Thành ủy, UBND thành phố, sự triển khai đồng bộ của các Sở - ngành và chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành viên nên công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Các cấp ủy Đảng từ thành phố đến địa phương thể hiện mạnh mẽ quyết tâm chính trị trong lãnh đạo triển khai công tác phòng, chống tệ nạn ma túy và tổ chức thực hiện với tinh thần trách nhiệm, nhân văn. Tập trung trong lãnh đạo và thống nhất trong chỉ huy với quyết tâm cao, thường xuyên sâu sát cơ sở để xử lý nhanh chóng và khoa học những vấn đề mới phát sinh; đúc kết kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn để bổ sung hoàn thiện chủ trương, giải pháp thực hiện.

UBND thành phố tổ chức nhiều Hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố, trong đó có đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể giao trách nhiệm xây dựng giải pháp và dự án cụ thể cho một số Sở, ngành, UBND quận, huyện tập trung thực hiện, xử lý trách nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Sở Lao động-Thương binh và xã hội đã chủ động phối hợp các Sở, ngành và quán triệt trong cán bộ, viên chức, người lao động, học viên tại các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội, Cơ sở xã hội cũng như các đơn vị có liên quan về mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của công tác tổ chức lại các Trung tâm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự phòng, điều trị nghiện ma túy, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, viên chức, cơ sở vật chất sẵn có cho công tác điều trị nghiện ma túy, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng các đối xã hội theo quy định pháp luật. Việc tổ chức lại các Trung tâm, Cơ sở xã nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác cai nghiện trong tình hình mới theo chỉ đạo của chính phủ

Về mặt nhân sự, việc tổ chức lại các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với công tác củng cố tổ chức bộ máy quản lý và nhân sự theo nguyên tắc nâng cao hiệu quả, năng lực trong công tác dự phòng, điều trị nghiện; Tổ chức đào tạo tập huấn chuyên sâu nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ đáp ứng với nhu cầu thực tiễn; sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp chuyên môn, vị trí việc làm theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, thành phố đảm bảo kinh phí thực hiện trên cơ sở tận dụng, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, phù hợp với nhu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, tránh lãng phí.