Những khu dân cư đang lấn dần đất trồng hoa. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Trong số những làng hoa nổi tiếng miền Bắc, người ta không thể không nhắc đến Đằng Hải (Hải Phòng). Giống như Nhật Tân của Hà Nội, làng hoa này cũng đang sắp sửa mất đi bởi quá trình đô thị hóa.
Phường Đằng Hải, quận Hải An, cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 6 km, nguyên là xã Đằng Hải, huyện An Hải ngày trước. Trong ký ức của người dân nơi đây, những vui buồn của nghề trồng hoa đã đi vào tâm khảm.
Để có những bông hoa cho ngày lễ, tết, người trồng hoa quanh năm sống cùng sương nắng, phân gio. Tết đến, khi trăm họ rộn ràng áo mới, thì người trồng hoa lại tất tả thu hoạch, rồi ngược xuôi tàu xe đi bán. Có năm, đêm 30 còn lang thang đâu đó ở chợ hoa Hàng Lược (Hà Nội) hay bến tàu Hạ Long (Quảng Ninh). Chợ ế, đành gạt nước mắt mà đổ gánh hoa đi, về nhà tay trắng...
Người dân Đằng Hải bắt đầu trồng hoa từ những năm 1960, họ đi Nam Định mua củ hoa huệ hay tới xã Đằng Giang kề bên tìm giống violet, đồng tiền. Gần đây, người ta lên Hà Nội mua giống hoa hồng, vào Đà Lạt tìm củ layơn nhiều màu sắc. Kết quả, Đằng Hải trở thành một thương hiệu lớn trong nghề trồng hoa của miền Bắc.
Vào những năm 1980, hoa layơn màu đỏ, màu hồng phấn của làng quê Đằng Hải đã lên máy bay đi khắp Liên Xô, Đông Âu. Tiếp đó, Đằng Hải còn được kỳ vọng trở thành một địa chỉ du lịch của thành phố Cảng. Có cả những dự án đã được lập ra để thực hiện ý tưởng này. Nhưng giấc mơ đó đến nay chưa thành hiện thực, mà làng hoa đang đứng trước cảnh mất còn.
Đầu tiên, dự án khu đô thị Ngã Năm - sân bay Cát Bi vạt mất một xóm. Tiếp đến, dự án nhà ở chiếm một góc cánh đồng Đống Cao, rồi khu trung tâm hành chính quận Hải An sắp sửa lấy mất 30 ha ở khu vực xóm 6.
Đằng Hải nay đã mọc lên những ngôi nhà xây bằng tiền đền bù dự án, những con đường mới tôn cao. Đã mất những dòng mương ngày xưa dẫn nước cho dân làng tưới hoa, thay vào là những con mương bêtông nhưng khô khốc. Tường xây cao vút cắm mảnh chai ngăn cái nhìn tới các vườn hoa. Đồng hoa bây giờ dịch ra phía cuối làng, nơi ngày xưa là cánh đồng.
Ngoài huệ, layơn, người Đằng Hải xưa còn trồng cúc, thược dược, violet, đồng tiền và bạt ngàn hoa khác. Nay, gần như chỉ còn layơn với cúc vàng đại đóa. Ngay cả giống hoa hồng, một dạo là thế mạnh của làng, giờ chỉ còn thưa thớt. Hoa ngoại nhập đã góp phần cùng cơn sốt đô thị hóa làm mai một làng hoa quê.
Một kế hoạch bảo tồn làng nghề trồng hoa này vừa được UBND thành phố Hải Phòng và quận Hải An triển khai sau nhiều năm toan tính. Tuy nhiên, diện tích 50 ha mà dự án này khoanh vùng lại rơi vào các khu dân cư đã gần hết đất canh tác. Hiện ở Đằng Hải chỉ còn dưới 50% số dân sống bằng nghề trồng hoa.
Đất trồng hoa sắp hết, chăn nuôi không phát triển, cơ hội chuyển nghề khác không nhiều, từ một xã giàu nhất huyện An Hải, nay Đằng Hải chỉ là một phường trung bình của quận Hải An. Những đổi thay bề ngoài ở đây chỉ là kết quả từ những dự án đền bù. Chuyển sang một nền kinh tế du lịch là hướng đi mới, nhưng chuyển đổi như thế nào, câu trả lời chưa có gì là chắc chắn!
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Mẹ Văn Quyến ra HN mời luật sư cho con (02/01/2006)
▪ Cấm ấp mới thủy cầm đến hết tháng 2/2007 (27/12/2005)
▪ Niềm vui đầu năm của du lịch Hà Nội (31/12/2005)
▪ Chương trình đón xuân của Nhà hát Tuổi trẻ (31/12/2005)
▪ Ấm áp những ngôi nhà nghĩa tình (31/12/2005)
▪ Hơn 1.300 tỷ đồng giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống (31/12/2005)
▪ Chuyện xây nhà đoàn kết ở TP Hồ Chí Minh (31/12/2005)
▪ Công tác chống đói nghèo sẽ gặp nhiều áp lực? (31/12/2005)
▪ Thành tựu đối ngoại năm 2005: Nhìn lại và suy ngẫm (31/12/2005)
▪ Lần đầu tiên (31/12/2005)