(VietNamNet) - Giơ ra hai cánh tay chằng chịt vết răng chó, có vết còn rướm máu, Xuân Toàn ví nôm na về nghề của mình, nghề: “làm thân cho chó nó cắn”.
“Chọc cho chó cắn”
Trong nghề huấn luyện chó nghiệp vụ, có một đội quân đặc biệt chuyên làm nhiệm vụ “chọc cho chó cắn”. Có nơi gọi đội ngũ này bằng cái tên đượm chất quân sự là “quân xanh”, tức đồng đội nhưng giả đóng vai trò đối thủ trong lúc tập luyện hoặc diễn tập.
Cũng có nơi gọi bằng ngôn ngữ bình dân dễ hiểu là “mồi”. Người viết xin tạm dùng từ “quân xanh” nhưng cho dù tên gọi là gì đi chăng nữa, thì nhiệm vụ của họ vẫn là: làm mục tiêu cho những chú khuyển hung hăng nhào tới cào xé, giằng co.
''Quân xanh" giáp mặt với những chú chó hung tợn. |
“Đừng tưởng chó nào cũng biết sủa, biết cắn” - Xuân Toàn (Huấn luyện viên Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ 119) thốt lên làm tôi ngỡ ngàng. Chẳng phải ông bà ta thường ví “Cắn, sủa như chó” là gì? - tôi thắc mắc. Toàn cười tươi giải thích cho tôi, một kẻ “ngoại đạo” trong nghề làm “thầy” của chó, rằng vì một lý do nào đó, khi mới sinh ra, có một số chú cẩu đã không thèm sủa, không thèm cắn.
Có gia đình bỏ cả tiền triệu mua một chú bec-giê, giống chó nổi tiếng khắp toàn cầu đàng hoàng, nhưng đến khi chú tròn 1 tuổi, gia chủ mong ước một lần nghe tiếng “gâu…gâu”, một lần thấy chó yêu nhe răng gầm gừ nhưng đành thất vọng. Chú thấy người lạ cũng như người quen, kẻ tốt cũng như kẻ trộm. Mặc kệ, chú “im thin thít”. Thế là phải gởi chú vào trường, nơi đó, có các thầy tập cho chú tìm lại bản năng của loài chó.
Vào trường, những chú “chó câm” được ăn, ngủ, thân cận bên cạnh những anh chó, chị chó “lắm lời”. Sau một thời gian, đội quân xanh vào cuộc. Họ đứng từ xa, tay cầm cây, gậy gộc xua lên loạn xạ cốt để khơi dậy bản năng thú tính tiềm ẩn hàng triệu năm của loài chó.
Dù “hiền lành” đến cỡ nào nhưng bị khích bác cỡ đó thì “chó câm” cũng phải lên tiếng, rồi xồng xộc xông vào quân xanh cào xé cho hả giận. Còn người làm quân xanh giẫy giụa, giằng, giựt mục đích làm tăng thêm tính hung hãn của loài chó.
Lao qua vòng. |
Tôi tò mò lắm cái nghiệp làm quân xanh nên nài nỉ anh Lê Văn Thành - Giám đốc Trung tâm huấn luyện chó 119 (Bình Dương) cho “mục sở thị” công việc khó khăn, nặng nhọc này.
Một ngày cuối năm, trên bãi đất trống của sân tập, bốn huấn luyện viên kèm cặp bốn chú chó giống Rotwer (giống chó Đức) to sừng sững như nghé con. “Chú ý! Chào!” - bốn chú cho trông dữ là thế ngoan ngoãn làm theo hiệu lệnh của người huấn luyện, hai chân trước giơ lên trông như những chú bé đáng yêu đang học bài học vỡ lòng.
Sau màn tập chào, đi, đứng… là đến những bài tập dành riêng cho chó nghiệp vụ: phóng qua bờ tường, lốp xe, trườn qua rào kẽm gai, bảo vệ đồ vật... Và gay cấn nhất là thực hiện bài tập bảo vệ thân chủ, truy đuổi tội phạm, săn bắt trộm với những tình huống giả định. Anh Thành cho biết, những bài học này phải tập đi tập lại hàng ngày thật thuần thục và phải sát với thực tế. Nên mọi hành động của quân xanh cũng phải càng như thật càng tốt.
Khi những “học trò” bốn chân nổi xung
“Chiếc xe gắn máy đắt tiền được dựng hờ hững cạnh lùm cây, một tên trộm tay cầm rựa lầm lũi bước tới gần rồi dắt xe đi. Chú chó bẹc-giê bất ngờ lao vào. Cú vồ từ trên xuống của khối thịt nặng gần 45kg khiến tên trộm ngã chúi nhũi.
Không để đối thủ kịp phản ứng, chó lăn xả cắn vào tay tên trộm, giật qua giật lại cho đến khi hắn nằm bất động, im ru”. Đó là bài tập về tình huống bảo vệ tài sản cho thân chủ của Công ty huấn luyện chó PDS (Q. Phú Nhuận).
|
Mạnh Hải, “quân xanh” đóng vai tên trộm trong tình huống giả định trên giơ bàn tay bám đầy đất quệt lên khuôn mặt nhễ nhãi mồ hôi khi bài tập vừa kết thúc. “Nghề nào cũng có cái cực riêng. Đối với nghề huấn luyện chó, phải yêu nghề và yêu những con vật khôn ngoan, có nghĩa này mới bám trụ với nghề được dẫu biết hiểm nguy luôn chực chờ” - Hải tâm sự.
Bài học tấn công. |
Giơ ra hai cánh tay chằng chịt vết răng chó, có vết còn rớm máu, Xuân Toàn ví nôm na về nghề của mình là nghề: “làm thân cho chó nó cắn”. “Với tụi em, chuyện bị cẩu xực là chuyện thường ngày” - Toàn bộc bạch.
Vì nghề làm mục tiêu cho chó tấn công rất nguy hiểm nên không phải ai cũng có thể đảm đương và trụ được. Anh Thành, người có thâm niên hơn 10 năm huấn luyện chó cho biết, phài là người có “thần kinh thép”, biết vượt qua được nỗi sợ hãi chứ nếu không, sơ sẩy một chút là mất mạng như chơi.
Khi đã chấp nhận vào nghề, người làm “quân xanh” sẽ được các đồng nghiệp kỳ cựu hướng dẫn cho một số kỹ năng cơ bản như: đỡ, né, giả chết… Thế nhưng muốn thành thục thì đều phải trải qua thực tế trên sân tập. Những bài học kinh nghiệm ấy có khi phải trả bằng máu và nước mắt.
Khi đã thành thục và có kinh nghiệm, “quân xanh” sẽ biết chó có thói quen cắn ở những nơi nào. Một kinh nghiệm khá thú vị được anh em quân xanh truyền tụng là không nên đụng vào hạ bộ của chó đực, đặc biệt là đụng phải bộ phận nhạy cảm ấy trước mặt các nàng chó cái. Vì chàng cẩu sẽ “xực” ngay.
Trong những lúc tập cho chó tấn công, nhất là trong bài học hai con chó cùng cắn phối hợp, người làm quân xanh rất dễ gặp phải tai nạn nghề nghiệp. Mặc dù, chó được bịt rọ mõm nhưng có nhưng con quá hung hãn đã được rọ, báo hại “quân xanh” lãnh ngay những vết cắn nhớ đời.
Ai đã từng làm nghề huấn luyện chó nói chung và đặc biệt là làm “quân xanh” cũng đều đã từng bị cho “đóng dấu răng”. Anh Nguyễn Văn Khôi, một “quân xanh” đã giải nghệ kể lại: Khi còn đang làm công tác huấn luyện chó nghiệp vụ, trong lúc làm “quân xanh” cho một chú bẹc-giê tập tấn công, anh đã bị nó đớp mất hai lóng tay của ngón tay út.
Chiến công của "học trò"
Nhưng những cực khổ mà đội ngũ “quân xanh” đã bỏ ra không phải công cốc. Giọng của Khôi vui hẳn lên khi nhắc đến chiến công của những học trò bốn chân. Khôi nhớ rất rõ từng học trò và kể mạch lạc: Con Ross (giống bẹc-giê) sau khi từ trung tâm huấn luyện trở về đã cứu mạng cùa bà chủ. Chuyện là bà chủ nhà ở Q.7 có nuôi con trăn nặng gần 40kg.
Một ngày nọ, bà đem vịt sống cho trăn ăn thì bất ngờ bị con vật xiết lấy cho đến khi bất tỉnh. Khi tỉnh lại, bà thấy con trăn đã chết từ lâu, đầu bị cắn nát, bên cạnh là chú chó bec-giê có nghĩa. Theo lời của hàng xóm, họ đã nghe tiêng chó sủa rất lớn, khi họ chạy qua thì thấy chú chó bec-giê đang chiến đấu với con trăn rất dũng mãnh.
Chào! |
Một chuyện khác liên quan đến chú chó tên Mic (giống Rotwolo- Đức) của một người chủ là giám đốc của kho bãi container gần cầu Rạch Chiếc (Q.9). Ông này thường xuyên bị trộm đi ghe máy rồi lẻn vào bãi lấy cắp phụ tùng xe mà không có cách nào bắt được.
Nghe lời giới thiệu của bạn bè, ông đã tìm đến Trung tâm huấn luyện cho nghiệp vụ 119 nhờ giúp đỡ. Mic đã được huy động đến giúp khổ chủ. Chỉ trong vòng 1 tháng, 3 tên trộm đã bị Mic bắt ngay tại trận, bọn trộm cắp từ ấy không dám bén mảng tới bãi container.
“Chó là loại động vật rất khôn ngoan, chưa huấn luyện thì chưa biết, nhưng khi huấn luyện nhiều, tiếp xúc nhiều mình sẽ thấy được cái thông minh của nó”- một “quân xanh” kể.
"Quân xanh" giữa vòng vây của chó dữ. |
Tôi hỏi Toàn có kỷ niệm vui buồn nào trong nghiệp làm “quân xanh” không? Gã cười: “ Chẳng có chuyện buồn! Toàn kỷ niệm vui cả thôi! Chó là loài vật thông minh nên càng tìm hiểu nó càng thấy thú vị”.
Toàn ngập ngừng hồi lâu: “Nhiều khi còn dễ tiếp xúc hơn con gái ấy chứ”. Tội! gần 25 tuổi đầu nhưng gã “mê” chó quá chưa một lần yêu.
▪ Cấm ấp mới thủy cầm đến hết tháng 2/2007 (27/12/2005)
▪ Niềm vui đầu năm của du lịch Hà Nội (31/12/2005)
▪ Chương trình đón xuân của Nhà hát Tuổi trẻ (31/12/2005)
▪ Ấm áp những ngôi nhà nghĩa tình (31/12/2005)
▪ Hơn 1.300 tỷ đồng giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống (31/12/2005)
▪ Chuyện xây nhà đoàn kết ở TP Hồ Chí Minh (31/12/2005)
▪ Công tác chống đói nghèo sẽ gặp nhiều áp lực? (31/12/2005)
▪ Lần đầu tiên (31/12/2005)
▪ Thành lập Quỹ hỗ trợ văn hóa dân tộc thiểu số (31/12/2005)
▪ Hà Nội kiến nghị gia hạn ghi nợ thuế nhà đất (31/12/2005)