Người khuyết tật chỉ sử dụng được 1/10 công trình công cộng
Các Website khác - 31/12/2005

Theo kết quả khảo sát mới được Tổ chức người khuyết tật quốc tế công bố, trong 137 công trình công cộng tại quận Hoàn Kiếm và Ba Đình (Hà Nội) thì chỉ 11% người khuyết tật sử dụng được thuận tiện, còn lại đành... bất lực.

Đó là những công trình nằm trong khối dịch vụ, mới được xây dựng hoặc đón tiếp nhiều người nước ngoài như: các khách sạn Hilton, Melia, Metropole, Hanoi Tower, Nhà khách quân đội; sân vận động Quần Ngựa; Cung văn hóa Hữu nghị và một số văn phòng tổ chức nước ngoài. Chị Phạm Ngọc Lan, nhà ở phố Hàng Bông, bị teo cơ chân, hồ hởi kể: "Lần đầu tiên trong đời tôi có thể tự mình đi xe lăn lên tầng 8 của khách sạn Melia. Giá như tất cả công trình của Việt Nam đều được như thế".

Cầu thang "từ chối" người khuyết tật. Ảnh: HI

Kết quả khảo sát cho thấy một nghịch lý là những công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện, bưu điện, bảo tàng thì người tàn tật đành bất lực. Trong khi theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam, việc đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật đến các công sở, trường học là yêu cầu bắt buộc. Chị Nguyễn Thị Dư, một người khuyết tật, phàn nàn: "Ngay như Bệnh viện Xanh Pôn cũng không có lối đi cho xe lăn. Giả sử có sự trợ giúp để chúng tôi đi xe lăn vào phòng khám, nhưng muốn đi vệ sinh thì đành nhịn. Vì nó quá chật, xe không thể vào".

Kết quả khảo sát (từ 28/11 đến 2/12).

Về mức độ tiếp cận:
Những nơi tiếp cận được: 11%.
Những nơi tiếp cận được nhưng cần sự trợ giúp: 51%
Những nơi không tiếp cận: 38%

Thái độ người quản lý tại các công trình:
Nhiệt tình: 33,6%
Tốt: 41,4%
Thờ ơ: 15,6%
Từ chối hợp tác: 8,6%
Sợ hãi: 0,8%

Điều khiến người tàn tật bức xúc là thái độ của một bộ phận cộng đồng. Chị Phạm Ngọc Lan nhớ lại: "Ngày 26/11, chúng tôi đến một nhà hàng ở Lý Thường Kiệt với hy vọng được vào khảo sát, nhưng vừa nhìn thấy họ đã xua tay, cứ như là bệnh dịch. Thậm chí khi vào siêu thị họ cũng từ chối, phải đến khi nói là đi mua hàng thì mới cho". Chị Lan, chị Dư cho rằng cái mà họ mong muốn không phải là sự giúp đỡ kiểu sẵn sàng bê xe lăn lên cầu thang, cầm tay dẫn sang đường nếu bị khiếm thị. "Chúng tôi muốn được tự mình làm, không cần trợ giúp. Như thế mới thực sự hòa nhập cộng đồng", chị Lan khẳng định.

Đây cũng là mong muốn của 5 triệu người khuyết tật trên cả nước. Tuy nhiên để làm được điều đó không đơn giản. Ông Nghiêm Xuân Tuệ, Giám đốc Văn phòng điều phối hoạt động của người tàn tật, từng có lần thừa nhận với VnExpress: "Đúng là người ta còn khinh, thậm chí coi người tàn tật là công dân hạng hai". Tuy nhiên, ông Tuệ vẫn chứa chan hy vọng: "Nhưng quan niệm này đang chuyển đổi, bây giờ người ta đặt vấn đề quyền bình đẳng của người tàn tật, không phải Việt Nam mà toàn khu vực. Thế giới sắp ban hành công ước về quyền, nhân phẩm của người tàn tật".

Như Trang