Phố Tây đón năm mới
Các Website khác - 31/12/2005
Phố Tây ngày cuối năm. Ảnh: Thanh Niên
Phố Tây ngày cuối năm. Ảnh: Thanh Niên

Những ngày cuối năm, khu vực Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện (quận 1, TP HCM), nơi tập trung nhiều người nước ngoài, trở nên nhộn nhịp. Những chiếc xe chở khách du lịch ngoại nườm nượp đổ về đây đón Tết, các khách sạn nhanh chóng cháy phòng.

Trong một quán bar nằm trên đường Đề Thám, đôi vợ chồng người Pháp đang chụm đầu vào nhau đọc chung một cuốn sách. Không biết có gì vui mà bà vợ phá lên cười. Người chồng lấy tay xoa lên cái đầu bóng loáng của mình rồi liếc xéo sang bà vợ. Anh Sarry, ngồi gần đó nói một câu gì đó bằng tiếng Pháp với đôi vợ chồng nọ khiến cả ba cười sặc sụa. Một nhóm chàng trai đến từ xứ sở sương mù, đang ngồi nhấm nháp những lát khoai tây chiên cười rúc rích khi thấy đôi trai gái mang hai cái ba lô to tướng đi qua đi lại. 3 vị khách người Cameroon cũng tất bật ngược xuôi khi gõ cửa khách sạn nào cũng nhận được cái lắc đầu. Khách sạn ở khu vực này hầu như đã kín chỗ, những chỗ trống còn lại dành cho người đi theo đoàn đã đăng ký trước. Ba cô gái da màu mệt mỏi khi bước vào quán. Họ nói là rất buồn vì không được ở phố Tây, nhưng họ sẽ qua đây đón giao thừa.

Khi đôi vợ chồng người Pháp nắm tay nhau đi dạo, Sarry bảo rằng, ông bà kia ở cùng khách sạn với Sarry. Họ là những nhà kinh doanh. Hai vợ chồng không thích có con nên cứ đến dịp Giáng sinh là họ qua Việt Nam và ở lại đón Tết luôn. Sarry là một luật sư người Australia, anh vừa đến Việt Nam được 4 ngày. Bắt đầu đi du lịch từ năm 1974, từ đó đến nay, anh đã đi được trên 20 nước, nhưng đây là lần đầu tiên anh đến Việt Nam.

Sarry hồ hởi kể: "20 năm trước tôi được học lịch sử Việt Nam, tôi biết Trần Hưng Đạo và rất ngưỡng mộ Hồ Chủ tịch". Sarry cứ làm việc 15 tháng lại đi du lịch 3 tháng. Mới ở Việt Nam được mấy ngày nhưng anh đã bị lôi cuốn và tháng 5 năm tới, anh sẽ qua Việt Nam sống và làm việc. Anh sẽ làm một thầy giáo dạy Anh văn. Giao thừa năm nay, anh sẽ vào quán bar uống rượu, khiêu vũ, sau đó đi dạo cho hết đêm để tận hưởng một ngày đầu tiên của năm mới trên đất nước Việt Nam.

Đôi vợ chồng trẻ Malcolm Gray và Jenna Gray (Australia) rạng ngời hạnh phúc khi lần đầu tiên tới Việt Nam. Nghe bạn bè kể về Việt Nam rất nhiều nhưng họ vẫn chưa tưởng tượng hết. Khi đặt chân tới TP HCM, họ quá ngỡ ngàng. Cô vợ của Malcolm giải thích rằng với người Việt Nam, tết là dịp để gia đình đoàn tụ, còn người Australia, Noel mới là ngày dành cho gia đình, còn tết là dịp để họ vui chơi sau một năm làm việc căng thẳng. Ông Micheal, đồng hương với vợ chồng nhà Gray thì lại quá quen thuộc đối với những người ở phố Tây. Hằng năm, cứ đón Giáng sinh xong là ông một mình du hành qua Việt Nam. Tuy tuổi đã ngoài 60 nhưng ông vẫn đang điều hành một công ty lớn chuyên về quảng cáo. Những ngày cuối năm này, ông giao việc lại cho con trai để qua Việt Nam du lịch. Ông trách yêu rằng: "Không biết Việt Nam các bạn có cái gì mà hấp dẫn tôi đến thế. Tôi đến Việt Nam từ năm 1990 và từ đó đến nay, tôi không thể nào mà không đón năm mới ở quê hương các bạn". Đêm giao thừa, ông Micheal sẽ đi nhà thờ, về quán bar uống rượu và sau đó sẽ đi dạo. Ngày 15/1, ông sẽ về Australia và "ngày này của năm sau, các bạn sẽ lại thấy tôi ngồi ngay ở vị trí này", ông Micheal nheo mắt cười hóm hỉnh.

Khác với vẻ thảnh thơi của những người đến từ Australia, gia đình anh Mattias người Thụy Điển lại đang phải chuẩn bị hành lý ra sân bay Tân Sơn Nhất cho kịp giờ. Chỉ tay về phía hai đứa con đang chạy tung tăng, Mattias nói: "Bọn nhóc không chịu về". Gia đình anh đến Việt Nam hơn một tháng và Sài Gòn là điểm dừng chân cuối cùng trước khi họ phải về quê hương đón năm mới. Anh Mattias quàng tay qua vai vợ rồi lắc đầu một cách tiếc rẻ: "Nhất định năm sau phải đón năm mới ở đây". Gia đình Mattias chưa kịp lên taxi thì một đôi nam nữ khác đã vào thế chỗ trong khách sạn. Cô gái mới đến cắn nhẹ vào ngón tay trỏ rồi nghiêng đầu cười với vợ Mattias: "Cám ơn anh chị đã "nhường" chỗ cho chúng tôi”.

Nhộn nhịp trước giao thừa

Không khí năm mới đã tràn ngập. Những người khách Tây gặp nhau đều mỉm cười "Happy new year!". Anh John, đến từ Anh quốc, vừa bước xuống xe. Cúi xuống bế đứa bé mái tóc vàng óng ánh, mắt John không giấu được niềm vui: "Thật ý nghĩa, ngày 1/1 con gái tôi tròn 2 tuổi". Anh nắm tay người vợ xinh đẹp đang đứng bên cạnh nói: "5 năm trước chúng tôi quen nhau tại đây". Và để tổ chức sinh nhật cho con gái, kỷ niệm ngày hai người quen nhau, John "đãi" (lời của anh) đại gia đình bằng một chuyến du lịch Việt Nam nhân dịp năm mới.

Chiếc xe du lịch khác lại đỗ xịch bên cạnh. Một người đàn ông dáng rắn rỏi bước ra khỏi xe. Ông ta lóng ngóng nhìn quanh. Bỗng một cô gái nhào tới. Hai người ôm chầm lấy nhau. Họ dìu nhau vào một quán cà phê nằm trên đường Bùi Viện. Cô gái là Nicole, người Australia, cô làm y tá ở Việt Nam đã gần 10 năm. Người đàn ông mà cô vừa đón là bạn thân của ba cô. Cô bảo rằng, nếu chúng tôi thích phiêu lưu thì hãy làm quen với "ông bạn già" này. Người đàn ông đưa tay gõ nhẹ vào đầu cô gái mắng yêu là "cái thói lắm lời vẫn không chịu bỏ". Được cô gái bật đèn xanh, chúng tôi dồn vào "quay" ông bạn già. Ông là Frank, người Scotland. 70 tuổi rồi nhưng trông ông rất tráng kiện. Ông là một thuyền trưởng nên rất thích "chu du thiên hạ". Quan niệm sống của ông là "Come to see" (đi để thấy). Vì thế, cứ mỗi năm là ông đón năm mới ở một nơi. Năm nay, ông quyết định chọn Việt Nam. Theo phong tục của người Scotland, trong đêm giao thừa, họ sẽ tụ tập nhau để cầu nguyện và khiêu vũ. Và chỉ còn vài giờ nữa thôi, 20 người bạn của ông cũng sẽ có mặt tại đây. Họ sẽ đón năm mới bằng tục lệ truyền thống của dân tộc ngay trên đất Việt Nam.

Những chiếc xe du lịch chở khách phương Tây nườm nượp ra vào. Con đường Bùi Viện vốn đã đông đúc nay càng trở nên chật chội. Những người ở phố Tây cho biết, năm nay khách châu Âu đến nhiều hơn năm ngoái. Những năm trước, tới ngày 31/12 khách sạn vẫn còn chỗ trống. Năm nay mới ngày 29 đã không còn phòng để đón khách.

(Theo Thanh Niên)