Nhà trẻ tại gia, tồn tại hay không tồn tại?
Các Website khác - 10/11/2005
Theo kế hoạch đến hết năm 2005, TP Hồ Chí Minh sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà trẻ tại gia không đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, từ ý định đến thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa, chưa kể đến việc bất khả thi bởi nhu cầu của các gia đình trẻ quá lớn.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố có khoảng 200 nhà trẻ tại gia đang hoạt động và nuôi từ 15 trẻ trở xuống không có giấy phép. Nhưng con số trên chưa đầy đủ vì chưa có một thống kê chính thức nào. Riêng trong năm 2005 đã có ít nhất ba trẻ tử vong tại nhà trẻ tại gia.

Khu vực tập trung nhiều nhà trẻ tại gia nhất là quận 1, quận 3, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận... và đây lại là những nơi có nhiều nhà trẻ "chính quy" nhất! Hiện nay chỉ có trẻ em trên 18 tháng mới có thể được các trường mầm non "tiếp nhận", còn dưới lứa luổi này gia đình tự lo là chủ yếu. Các nhà trẻ hầu như ít tồn tại tại các quận trung tâm. Trong khi đó, do công việc, hoàn cảnh và kế sinh nhai, nhiều trẻ mới 6, 8 tháng đã được ba mẹ gửi vào các nhà trẻ và nhà trẻ tại gia luôn là lựa chọn số 1. Ngoài việc đưa sớm đón trễ khá dễ dàng, nhà trẻ tại gia còn là nơi ba mẹ yên tâm hơn do "quen biết" và quy mô nuôi ít "con mình được chăm sóc chu đáo hơn". Hơn nữa, do địa điểm nằm ngay trong các khu dân cư nên loại nhà trẻ này cũng dễ " thu hút" những ông bố, bà mẹ trẻ ưa thuận tiện. Quan trọng hơn, trẻ mới biết bò khó có thể gửi nơi nào khác tiện hơn.

Bên cạnh những ưu điểm trên thì nhà trẻ tại gia có không ít nhược điểm. Phần lớn lập ra do tự phát và hành nghề như nhiều nghề tự do khác: Không đào tạo, không phép tắc, chẳng bài bản, nuôi trẻ theo kinh nghiệm dân gian... Thường nhà trẻ này do các phụ nữ trung niên, lớn tuổi lập ra "làm thêm" lúc chưa có việc hay khi về hưu. Ban đầu chỉ trông giữ vài ba cháu sau do "quen biết" nên số lượng tăng dần nhưng cơ sở vật chất, người giữ trẻ không tăng. Đáng ngại hơn, trẻ em trong các nhà trẻ này chủ yếu được nuôi chứ ít được dạy vì chính người nuôi không được đào tạo. Trẻ từ 6 tháng cho đến 3, 4 tuổi đều được ăn, ngủ, chơi như nhau và phần lớn là tự phát. Bởi vậy việc chấn chỉnh lại loại hình này rất cần làm và lẽ ra đã làm từ lâu chứ không phải "chữa cháy" như hiện nay TP Hồ Chí Minh và một số nơi đang làm.

Hiện TP Hồ Chí Minh yêu cầu các hộ nuôi trẻ tại gia kê khai lại quy mô nuôi, bằng cấp bảo mẫu, cơ sở vật chất và căn cứ vào đó để xem xét, cấp phép. Theo đó có quận yêu cầu không được nuôi quá 15 cháu, cơ sở phải rộng trên 50m3, có ít nhất một giáo viên hay bảo mẫu có bằng trung học chuyên ngành, không cho các cháu ngủ dưới đất, chế độ ăn theo định lượng và đúng chuẩn y tế, người nuôi và các cháu phải khám bệnh định kỳ.

Nếu làm đúng theo các điều kiện này thì số cơ sở đạt chuẩn không còn bao nhiêu. Bởi nếu có mặt bằng trên 50 m3, giáo viên có bằng cấp, đầy đủ giường chiếu nệm, có chỗ chơi đùa thì có lẽ họ đã mở trường chứ không cần phải làm nhà trẻ không phép như bây giờ.

Hơn nữa với học phí (cả ăn) chỉ từ 400.000-600.000 đồng/cháu với số lượng ít thì không thể nào trang bị đủ như những trường, lớp "chính quy" được. Nhưng nhu cầu gửi trẻ thì vẫn không hề giảm.

Tại quận 1, do lượng lao động văn phòng đổ dồn về đây khá đông, cha mẹ muốn gửi con gần dễ chăm non, đưa đón đã khiến các nhà trẻ tại gia đang trở thành của hiếm. Rất nhiều người muốn gửi con các nhà trẻ lớn khác nhưng do chi phí quá cao (luôn hơn 1 triệu đồng/cháu) đưa đón lại phải đúng giờ, không nhận trẻ ốm nhẹ... nên nhà trẻ tư tại gia vẫn là phương pháp tối ưu. Không ít phụ huynh lo ngại nếu thành phố làm căng đóng cửa nhiều cơ sở thì con họ sẽ gửi ở đâu. Trong đó các cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng đi tìm một giải pháp dung hoà!

Trao đổi về vấn đề này với Phòng Mầm non Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh thì nhận được câu trả lời " Sở vẫn đang tính vì còn chờ quận huyện". Cho hay không cho phép tồn tại thì hàng ngàn đứa trẻ vẫn được các nhà trẻ tại gia nuôi nấng dù tiềm ẩn không ít bất trắc.

Theo Theo Đại đoàn kết