Chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây) là một quần thể di tích được xếp hạng danh lam thắng cảnh đặc biệt. Nhiều danh nhân đã về đây thăm thú và sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật, lịch sử, địa lý... Tại đây, nhà bác học Phan Huy Chú, thế kỷ 19, đã biên soạn bộ "Lịch triều hiến chương loại chí", cuốn Bách khoa toàn thư gồm 49 tập, 10 bộ môn. Ðây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh bốn lần về thăm, ở và làm việc trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cách Hà Nội 20 km về phía tây nam, Chùa Thầy thu hút gần 200 nghìn du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Những điểm tham quan như chùa Thiên Phúc, chùa Cả, chùa Cao, hang Cắc Cớ, hang Thánh Hóa, đền Tam Xã, chợ Trời... Chùa Thầy hấp dẫn du khách còn bởi đây là miền sinh thái rất đa dạng và phong phú, nơi môi trường còn thanh sạch như tự nhiên vốn có.
Dưới con mắt của các nhà y, dược học thì đây còn là nơi bảo tồn các nguồn gien cây thuốc quý hiếm. Lịch sử y học Việt Nam tôn vinh hai vị Y tổ là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông. Tuy nhiên, trong dân gian còn có thêm bậc tiên y thánh hiền là cao tăng Từ Ðạo Hạnh. Tên tuổi ông gắn liền với chùa Thầy và các sự kiện lịch sử khá cụ thể, nhưng ông lại là một trong những hiện tượng văn hóa được bao phủ bởi tầng tầng lớp lớp chất huyền thoại dân gian. Ông tên húy là Từ Lộ, cha là Từ Vinh, mẹ là Tăng Thị Loan, quê ở hương Yên Lãng, nay thuộc phường Láng Thượng (Ðống Ða, Hà Nội). Ban đầu, ông tu ở chùa Láng, sau lên chùa Thầy, ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý Nhân Tông (1072 - 1127), vốn trước chỉ là một am nhỏ có tên là Hương Hải thuộc núi Sài. Khi xuất gia học đạo cùng Giác Hải và Không Lộ, ngài đã học pháp thuật, tụng tập, giảng đạo và hái thuốc chữa bệnh. Cái tên "Thầy" là cách gọi của nhân dân mang tính thân mật, gần gũi mà vẫn rất kính trọng. Sự kiện nổi bật là việc ngài dùng bài thuốc nam chữa bệnh cho phu nhân của Sùng Hiền hầu để bà sinh ra bậc quân vương Lý Thần Tông.
Núi Sài, hiểu theo nghĩa chiết tự là "rừng cây thảo mộc", trong đó có rất nhiều cây thuốc quý. Chung quanh hang Thánh Hòa, nơi Từ Ðạo Hạnh thăng thoát để lại dấu chân khổng lồ, là một vườn cây thuốc rộng mênh mông, không chỉ làm tôn thêm vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên mà còn có những cây thuốc mang vị đặc biệt, dược tính cao, có thể trị bệnh cứu người.
Ðược nhắc đến nhiều nhất là cây gạo hoa đỏ. Cho đến đầu thế kỷ 20, núi Thầy có đến gần 2.000 cây gạo mọc rải rác ở khắp núi và tập trung ở khu vực trước sân chùa Cả. Vào mùa xuân, núi Thầy rực đỏ mầu hoa gạo. Vỏ cây gạo dùng chữa thấp khớp, bong gân, gẫy xương, giải đòn. Hoa gạo dùng chữa viêm họng hạt. Tầm gửi trên những cây gạo cổ thụ có thể dùng để chữa bệnh gan, thận, sỏi mật, phù thũng; nếu biết cách điều chế còn có thể kiềm chế bệnh ung thư. Ðáng tiếc là hiện nay, những cây gạo cổ thụ trước sân chùa Cả đã chết.
Cây đại có nhiều ở chùa Thầy. Gốc đại già ở gần chùa Cao có tuổi trên 700 năm. Rễ đại dùng chữa thấp khớp, nhức xương. Vỏ cây đại sao vàng, sắc đặc có thể chữa nhức răng. Hoa đại có thể dùng chữa huyết áp cao, huyết áp thấp.
Cây si mọc nhiều ở bên sườn núi. Lá si nấu với nước rượu, uống chữa đờm hoặc xoa bóp chữa đau nhức xương. Cây quả giun mọc chủ yếu ở thung lũng dưới chân chùa Mái, có những cây tuổi hàng trăm năm. Quả giun dùng chữa bệnh giun sán cho trẻ con rất tốt. Cây sâm bồng bồng được dùng làm thuốc tăng lực, kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng. Cây lá gió rừng dùng để an thần, lá cây dùng để đắp vết thương, giải đòn, chữa đau xương, đau trật khớp...
Cây xộp (vương bất lưu hành) dùng chữa bệnh thận, bệnh gan. Cây cỏ xước dùng trị thấp khớp, đau bụng, kinh nguyệt khó khăn, chữa cao huyết áp, xơ vữa động mạch. Cây cẩu tích (cu li, lông khỉ, kim mao cẩu tích, cẩu tần mao) dùng bổ gan, thận, chữa đau lưng, trị phong thấp, tiểu tiện nhiều, khí hư bạch đới.
Ngoài ra, chùa Thầy còn có rất nhiều loại cây thuốc quý khác. Ðó là cây mạch môn đông, ráy, ba chạc, đơn tướng quân, mặc quỷ, sử quân tử, cành giao, canh châu, mắc cỡ, rung rúc, gai núi, sa nhân hà thủ ô núi, thường sơn, củ bình vôi, cây huyết giác, bồ cu vẽ, uy linh tiên, dạ cẩm, thiên niên kiện... Hầu hết những cây thuốc nam quý hiếm đều có mặt trong khu thắng tích chùa Thầy, núi Thầy.
|