Được trình từ phiên họp tháng 7, theo kế hoạch hôm nay, Ủy ban thường vụ sẽ thông qua dự án Pháp lệnh cựu chiến binh. Nhưng đến phút chót, UBTVQH đã quyết định hoãn thông qua và đề nghị các cơ quan liên quan thống nhất về chế độ đối với những người lính năm xưa.
Điểm gây tranh cãi nhiều nhất trong dự thảo pháp lệnh là chế độ bảo hiểm y tế, ưu tiên giao đất giao rừng, ưu tiên vay vốn ngân hàng để sản xuất đối với cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, cựu chiến binh chết được hưởng chế độ mai táng phí (điều 7). Đa số thành viên nhất trí với quy định này với lý do cựu chiến binh đã đổ xương máu cho cuộc chiến tranh chống quân xâm lược và nay thì trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm UB Pháp luật nêu quan điểm: "Hiện thân nhân của quân nhân tại ngũ khi ốm đau thì được ưu tiên chăm sóc sức khỏe, nay cựu chiến binh ốm mà không có chế độ gì thì không công bằng".
Điều 2 dự thảo: Cựu chiến binh là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia đơn vị vũ trang chiến đấu chống ngoại xâm, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã nghỉ hưu, chuyển ngành, phục viên, xuất ngũ, bao gồm: 1. Cán bộ, chiến sĩ đã tham gia các đơn vị vũ trang do Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức trước Cách mạng tháng 8 năm 1945. 2. Cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, biệt động đã tham gia kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế. 3. Cán bộ, chiến sĩ, dân quân, tự vệ, du kích, đội viên các đội công tác vũ trang trong vùng bị tạm chiếm đã trực tiếp tham gia chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc. 4. Công nhân viên quốc phòng đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc. 5. Cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng đã tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc có đủ kiều kiện, tiêu chuẩn theo pháp luật quy định. |
Tuy nhiên, nếu theo quy định điều 2 của dự thảo pháp lệnh thì diện được hưởng chính sách ưu đãi này quá rộng, bao gồm cả người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự 18 tháng. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, quy định như thế e ngân sách nhà nước không kham nổi. "Chúng ta phải xác định đây là pháp lệnh về cựu chiến binh và hội cựu chiến binh Việt Nam, chứ không phải là pháp lệnh về chính sách đối với cựu chiến binh", ông nhấn mạnh
Từ phân tích trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, cần xác định rõ ai là cựu chiến binh và pháp lệnh sẽ điều chỉnh với đối tượng nào. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho rằng, để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước chi trả cho những chế độ ưu đãi thì cần khu hẹp đối tượng, tức là pháp lệnh này chỉ điều chỉnh đối với những người được công nhận là hội viên Hội cựu chiến binh. Hiện cả nước có khoảng gần 2 triệu hội viên trong tổng số 4 triệu cựu chiến binh.
Tuy nhiên, ý kiến này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Chủ nhiệm Vũ Đức Khiển. Ông khẳng định: "Đây là pháp lệnh cựu chiến binh chứ không phải là pháp lệnh Hội cựu chiến binh. Mặt khác đã là chính sách của Đảng và Nhà nước thì phải công bằng với cả người tham gia sinh hoạt trong hội và cả người ngoài hội".
Để gỡ rắc rối này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đề nghị chỉ một bộ phận cựu quân nhân tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc có đủ điều kiện (do Chính phủ quy định hoặc quy định thẳng vào pháp lệnh) thì mới được công nhận là cựu chiến binh. Đề xuất này nhanh chóng nhận được sự nhất trí từ Hội Cựu chiến binh và Thường vụ Quốc hội.
Ông Vũ Đức Khiển, đại diện cơ quan thẩm tra dự luật đề nghị, lùi thời hạn thông qua dự án pháp lệnh đến phiên họp tháng 9 và được Thường vụ đồng tình.
Như Trang
▪ Đừng "ném đá ao bèo" (22/08/2005)
▪ Hà Nội bị... chia cắt (23/08/2005)
▪ Chùa Võng La (23/08/2005)
▪ Đột phá mới trong nghiên cứu tế bào gốc điều trị các bệnh hiểm nghèo (23/08/2005)
▪ Giá cước taxi sẽ tăng trung bình 363 đồng/km! (23/08/2005)
▪ Vinh quang con đứng bên Người... (23/08/2005)
▪ Chiếc vé xe bị đánh rơi (23/08/2005)
▪ Đình chỉ công tác 7 thanh tra nhận 'tiền hụi' (23/08/2005)
▪ Phải có nhà ở ổn định mới được nhập hộ khẩu (23/08/2005)
▪ Chưa có sổ đỏ vẫn được đăng ký hộ khẩu (23/08/2005)