Sạt nghiệp vì dịch cúm
Các Website khác - 11/11/2005

1 tuần nay, anh Đỗ Văn Chiến ở tổ 7, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), như ngồi trên đống lửa. 5 ngày nữa, thành phố cấm triệt để việc chăn nuôi gia cầm, thuỷ cầm trong nội thành. Đàn vịt đẻ 700 con của anh chỉ còn nước tiêu huỷ vì lúc này bán cũng chẳng ai mua. Ngay trứng còn ế.

Mất kế sinh nhai

Chỉ đàn vịt tung tăng bơi lội trong một vuông hồ đã được rào kín, anh Chiến thở dài: "Cả gia đình tôi sống nhờ vào chúng, tương lai con cái từ trứng vịt mà ra. Bây giờ tiêu hủy, nghề ngỗng không có, ruộng vườn chẳng là bao, không biết sống thế nào đây". Đi chăn vịt thả đồng từ năm 17 tuổi, đến nay đã 42, anh Chiến cũng như bao thanh niên trong phường rất gắn bó với cái nghề lội ruộng nhiều hơn đi đường này. Mấy năm nay, từ khi Hoàng Mai trở thành quận nội thành, đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích, ruộng vườn thu hẹp dần, anh Chiến quay ra nuôi gà, vịt đẻ, thay vì vịt đàn thả rông.

Đàn vịt 700 con anh Chiến đã nuôi được 1 năm, giá 39.000 đồng một con. Mỗi ngày một con ăn hết 1,5 lạng thóc cám, chi phí hết 700 đồng. Bù lại, nó tặng chủ 1 quả trứng, giá bán 1.000 đồng. "Trừ chi phí cám bã, tính ra mỗi ngày tôi thu được 210.000 đồng. Nuôi nhiều, lấy công làm lãi thì cũng đủ cho 4 miệng ăn và có chút tích luỹ để 2 cháu sau này ăn học", anh Chiến tính toán. Nhưng giờ thì ước mơ giản dị của người nông dân này đã tan thành mây khói. Gia sản gần 30 triệu đồng từ đàn vịt đẻ và đàn gà 100 con sắp mất trắng. "Hằng ngày nghe đài xã thông báo đến 15/11 thành phố sẽ cấm tiệt chăn nuôi gà vịt. Tôi cũng muốn bán lắm, hy vọng gỡ gạc chút đỉnh, nhưng chẳng ai mua vì sợ cúm", anh Chiến nói.

Nhìn đàn vịt đẻ sắp bị xoá sổ, anh Chiến tiếc đứt ruột. Ảnh: N.T.

Không bị mất nhiều như gia đình anh Chiến, nhưng gia đình bà Trần Thị Nhật cũng đang khóc dở mếu dở. Gần chục năm nay, tuổi già sức yếu, không thể lặn lội nuôi vịt thả đồng như trước, ông bà quay ra rào khoảnh vườn rộng chừng 100 m2, chia đôi một bên nuôi gà và một bên thả vịt. Hiện bà Nhật có chừng 100 gà và ngan, trong đó có trên 20 ngan đã nuôi tới 4 tháng, nặng trên 4 kg mỗi con, còn lại con nào cũng nặng trên 1,5 kg. "Chỗ gà ngan ấy đầu tư hết chừng 3 triệu đồng, nuôi 4-5 tháng nếu không dịch bán cũng được 6-7 triệu. Khoản tiền ấy cũng đủ vợ chồng già rau cháo, đi đám giỗ, đám hỏi. Nhưng bây giờ dịch thế này, đành phải sống nhờ con cái thôi", bà Nhật lo lắng.

Hưng Yên có thể là tỉnh thứ 8 bùng phát dịch

Theo báo cáo của Cục Thú y, ngày 4/11, tại một hộ chăn nuôi gà chọi ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, có 20 con chết nghi do cúm. Ngày kế tiếp (5/11), tại một hộ nuôi gà ở xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, có 30 con chết nghi do cúm. Đàn gia cầm nghi cúm đã được tiêu huỷ. Ngành thú y Hưng Yên đang chờ kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán Thú y trung ương.

Tại tỉnh Thanh Hoá, ngày 3/11, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại một hộ nuôi gà của xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc. Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương xác định do virus H5. Đây là ổ dịch thứ 2 của tỉnh. Trước đó, ngày 31/10, dịch đã tái phát ở một hộ nuôi gà tại xã Lập Sơn, huyện Hậu Lộc.

Như vậy, ngoài 6 tỉnh tái phát dịch gồm Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bắc Giang, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hà Nội, đến ngày 10/11 có 2 tỉnh là Hải Dương, Hưng Yên nhiều khả năng sẽ nằm trong bản đồ dịch cúm.

Nghe tin phải huỷ đàn gia cầm, mấy hôm nay bà buồn chẳng muốn cho gà ăn. "Gà, ngan nhà tôi đâu có bệnh gì. Tôi cứ đi lấy rau muống rồi bèo Nhật Bản về nấu với cám cho chúng ăn. Ông nhà tôi cẩn thận luộc cả thóc cho ngan. Việc tiêm phòng chúng tôi chấp hành rất nghiêm túc, có giấy chứng nhận của thú y hẳn hoi. Bây giờ bán không được, ăn thì làm sao hết, phải tiêu hủy thì thật là uổng quá", người đàn bà 74 tuổi với thâm niên gần 60 nuôi vịt, ngan, chép miệng tiếc nuối. Tuy nhiên, bà cam đoan sẽ chấp hành nghiêm túc lệnh tiêu huỷ.

Chuyển đổi chăn nuôi khó, bồi thường tiêu hủy thấp

Ở phường Yên Sở có hàng trăm gia đình chăn nuôi gia cầm, trong đó chăn nuôi quy mô như gia đình anh Chiến khoảng 10 hộ. Tất cả họ đã gắn bó với nghề ít là 10 năm, nhiều 50-60 năm. Bây giờ bảo chuyển sang chăn nuôi con khác, nhiều hộ tỏ ra e ngại. Anh Chiến nói: "Nuôi vịt chỉ 3 tháng là có tiền, nuôi bò đẻ ít nhất phải 3 năm, bò thịt 2 năm sau mới bán được. Nuôi lợn phải đầu tư lớn về chuồng trại, giống má, tới trăm triệu mới hy vọng có lãi. Chúng tôi sao kham nổi".

Về giải pháp được một số người đề xuất là đưa gia cầm, thuỷ cầm sang huyện kế bên Thanh Trì, nơi được phép nuôi gia cầm, anh Chiến không mấy hào hứng. Bởi còn bao nhiêu vấn đề đặt ra như giá thuê đất, mặt nước, rồi còn trông nom nữa, lạ nước lạ cái, rất không yên tâm. Vì thế anh Chiến, bà Nhật cũng như nhiều hộ gia đình chỉ mong Nhà nước xem xét lại mức hỗ trợ tiêu huỷ. "Nếu đổ đầu 15.000 đồng một con thì quá thiệt thòi, bởi có con ngan nặng tới 4 kg, nuôi tới 4 tháng. Nếu không bị dịch cũng bán được 100.000 đồng", bà Nhật nói.

Mong mỏi này của người dân cũng được nhiều tỉnh thành phản ánh với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại cuộc họp hôm qua. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Bắc Giang Lê Đắc Tá, nói: "Cả xã Vân Trung, huyện Việt Yên, với hàng nghìn hộ dân sống bằng nghề nuôi vịt kết hợp với thả cá. Bây giờ thôn nằm trong vùng dịch, thủy cầm của xã phải tiêu huỷ, mức hỗ trợ chỉ 15.000 đồng một con thì quá thấp. Đề nghị Nhà nước nâng thêm một chút, để bà con đỡ thiệt thòi. Khi ấy họ sẽ tình nguyện đem gia cầm tiêu huỷ, không có chuyện giấu giếm, để dịch lây lan".

Ông Hoàng Kim Giao, Cục phó Cục Nông nghiệp cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa trình Chính phủ một số chính sách khuyến khích chuyển đổi chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia cầm. Theo đó, hộ chăn nuôi, ấp trứng gia cầm nhỏ, phân tán (dưới 200 con) sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong 3 năm để chuyển đổi sang chăn nuôi tập trung, hoặc chuyển nuôi vật khác. Tuy nhiên mức vay được hỗ trợ lãi suất không quá 10 triệu đồng một hộ.

Đối với hộ giết mổ quy mô nhỏ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, sẽ được hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay trong 3 năm. Mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa 20 triệu đồng một hộ. Người chăn nuôi có đàn gia cầm bị tiêu huỷ do dịch cúm thì được xử lý tín dụng rủi ro. Trường hợp đầu tư xây dựng mới các sơ sở chăn nuôi, ấp trứng, giết mổ tập trung gia cầm sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế. Riêng thiết bị giết mổ, đông lạnh, bảo quản sản phẩm gia cầm phải nhập khẩu do trong nước không sản xuất được sẽ được hưởng mức thuế nhập 0%.

Như Trang

Theo dòng sự kiện:
Sống trong ổ dịch cúm (10/11)
Các khách sạn ngừng sử dụng sản phẩm từ gia cầm (10/11)
Sau 15/11 TP HCM chỉ có 3 điểm giết mổ gia cầm (10/11)
Cơ quan kiểm dịch thất nghiệp giữa dịch cúm (10/11)
Dịch cúm gia cầm đang phát triển rất mạnh (09/11)
Xem tiếp»