Ngập vẫn hoàn ngập
Những trận mưa đầu mùa như sự thử nghiệm về hiệu quả hoạt động của cả hệ thống thoát nước thành phố sau thời gian xây dựng, cải tạo. Hàng chục tuyến đường phố, khu dân cư bị ngập úng và ùn tắc giao thông kéo dài, làm đảo lộn việc đi lại và sinh hoạt của nhân dân. Điển hình là trận mưa sáng ngày 22-8 vừa qua, với lượng mưa lớn đã gây úng ngập và tắc đường nghiêm trọng ở khu vực nội thành.
Tại những điểm úng ngập quen thuộc từ nhiều năm nay trên các tuyến phố Nguyễn Khuyến, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Khâm Thiên, Trường Chinh, Huỳnh Thúc Kháng, Láng Hạ, Thái Hà, Thái Thịnh, ngã năm phố Bà Triệu, Quang Trung, Nguyễn Gia Thiều, Trần Quốc Toản, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, Cao Bá Quát... nước ngập đến 30-40cm, người và các loại phương tiện bì bõm lội trong nước. Mưa ngập làm giao thông trở nên hỗn loạn. Các tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố như Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Tây Sơn, Chùa Bộc,Tôn Đức Thắng tắc nghẽn giao thông trong nhiều giờ. Xa trung tâm hơn, tại địa bàn các quận mới Hoàng Mai và Thanh Xuân, các tuyến đường Giải Phóng, Trương Định, Nguyễn Trãi, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng... biến thành những khúc sông nhỏ. Nhiều cán bộ, viên chức, học sinh đã phải nghỉ học hoặc đến muộn giờ vì những nguyên nhân này.
Còn nhớ cách đây bốn năm, người dân Hà Nội phải chiụ đựng những nỗi khổ do bụi, bẩn, tắc đường khi 56 tuyến phố, chủ yếu nằm trong khu vực trung tâm thành phố bị đào xới để thi công hệ thống cống thoát nước. Sau đó lại nạo vét các sông, hồ nội thành... Cả thành phố như một công trường xây dựng lớn, nhếch nhác và bụi bặm. Thời điểm đó, người dân Hà Nội cố gắng chịu đựng, hy vọng sau đó sẽ không phải chịu cảnh ngập úng mỗi khi trời mưa. Đến nay, cùng với những hạng mục trên, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều hạng mục quan trọng khác như công trình đầu mối Yên Sở với trạm bơm công suất 45m3/giây, đào hồ điều hoà dung tích 3,8 triệu m3...
Cùng với việc thực hiện dự án này, hàng năm, thành phố trích ngân sách hàng tỷ đồng để Công ty Thoát nước Hà Nội tiến hành sửa chữa, cải tạo hệ thống thoát nước một số khu vực. Thế nhưng tình hình cũng không khả quan hơn. Hàng trăm triệu USD đã được đầu tư nhưng nước vẫn ngập, kể cả ở những khu vực đã được lắp đặt hệ thống cống mới. Vậy nguyên nhân do đâu?
"Mưa to trong thời gian ngắn là bất khả kháng"
Giải thích tình trạng úng ngập cục bộ tại khu vực nội thành Hà Nội mỗi khi có mưa to, Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Nguyễn Sĩ Bảo thường cho rằng đó là do lượng mưa lớn, dồn dập trong một thời gian ngắn nên hệ thống thoát nước bị quá tải, nước không tiêu thoát kịp, gây ứ nước. Trận mưa ngày 3-5 có lượng mưa 98mm trong vòng một giờ, ngày 22-5 là 91mm trong vòng 40 phút, trận mưa ngày 22-8 là 114mm trong hai giờ... Theo thiết kế, dự án Thoát nước Hà Nội khi hoàn thành bảo đảm thoát nước với cường độ 60mm nước trong vòng một giờ, và lượng mưa 172mm trong vòng hai ngày. Vì vậy, với những trận mưa lớn, vượt quá thiết kế của dự án thì úng ngập là bất khả kháng.
Trong khi đó, hạ tầng thoát nước còn thiếu nghiêm trọng. 24 km cống mới lắp đặt trong dự án thoát nước giai đoạn 1 chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số 546km cống các loại trên địa bàn. Hệ thống cống mới phủ được 70% chiều dài các đường phố ở Hà Nội có cống thoát nước, trong đó nhiều tuyến cống xây dựng cách đây 50 năm, đã quá tải và xuống cấp từ lâu. Thiếu cống dẫn nước về các mương, hồ, sông là nguyên nhân gây nên úng ngập. Điểm úng ngập trên đường Trường Chinh chỉ cách nút giao thông Ngã Tư Sở và sông Tô Lịch vài trăm mét, nhưng do khu vực này chưa có cống nên không thể dẫn nước ra sông được. Công ty Thoát nước cũng đã lập thiết kế lắp đặt hệ thống cống ở khu vực này nhưng do có dự án xây dựng cải tạo nút giao thông Ngã Tư Sở nên việc thi công công lại trì hoãn lại. Đường Nguyễn Lương Bằng đoạn trước cửa bệnh viện Đống đa nhiều năm nay cũng bị ngập úng do không có đường dẫn nước từ khu vực này vào hồ Xã Đàn.
tại các quận mới, đặc biệt là quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, hệ thống cấp nước chưa được quy hoạch trong khi tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, các ao hồ có nhiệm vụ điều hoà nước mưa bị san lấp để làm nhà, nước không có đường thoát, nên úng ngập cũng là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, đặc điểm địa hình một số tuyến đường của Hà Nội cũng là nguyên nhân gây nên úng ngập cục bộ. Thí dụ như phố Liên Trì thấp hơn hẳn 1m so với các tuyến phố chung quanh. Phố Nguyễn Khuyến có đoạn trước cổng trường THCS Lý Thường Kiệt là trũng nhất nên hay ngập. Gầm cầu Chui, gầm cầu Long Biên do bảo đảm chiều cao tĩnh không dưới gầm cầu nên phải hạ thấp độ cao mặt đường trở thành lòng chảo, gây ứ nước...
Tổ chức thoát nước chưa đồng bộ
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu trên, còn phải nhắc đến những nguyên nhân chủ quan trong công tác tổ chức thoát nước, gây nên sự bất cập của hệ thống thoát nước. Gói thầu 7A của dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 thực hiện cải tạo ba con sông thoát nước chính của thành phố là sông Tô Lịch, sông Lừ và sông Sét. Riêng sông Sét mới chỉ làm xong phần hạ lưu, đoạn từ phố Đại La đến địa bàn quận Hoàng Mai, còn đoạn thượng lưu từ cống Nam Khang chảy qua ba trường đại học Bách Khoa, Xây dựng và Kinh tế quốc dân chưa cải tạo. Việc này đã gây ra tình trạng ứ nước khu vực ngã năm Bà Triệu, các phố Quang Trung, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du... mỗi khi xảy ra mưa to.
Trong dự án giai đoạn I, hệ thống mương thoát nước chưa cải tạo. Hiện nay, chỉ có mương hào Nam-Yên Lãng nằm trong một dự án khác, đang được triển khai. Mương này dài 3,1km có vai trò thoát nước cho cả khu vực quận Ba Đình và một phần quận Đống Đa. Tuy nhiên, tiến độ thi công mương này bị kéo dài từ nhiều năm nay do vướng hàng hộ dân chưa di dời được, gây tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khu vực ngã ba đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Tôn Đức Thắng, Quốc Tử Giám, khu vực Hoàng Cầu, Hào Nam...
Ngay cả các hồ điều hoà Thiền Quang, Thành Công, Giảng Võ... đã được cải tạo, chỉnh trang rất đẹp, song hiệu quả điều hoà chưa cao do hệ thống dẫn nước vào hồ chưa tương thích. Những sự chưa đồng bộ trên đã không thể tăng cường khả năng tiêu thoát nước của hệ thống thoát nước vốn đã thiếu và yếu.
Bao giờ Hà Nội hết ngập?
Sau khi hoàn thành dự án thoát nước giai đoạn 1, thành phố Hà Nội chuẩn bị dự án giai đoạn II (2006-2010). Trong giai đoạn hai sẽ tập trung cải tạo các mương thoát nước và các hồ còn lại, nâng công suất trạm bơm Yên Sở từ 45 m3/giây đến 90 m3/giây, đào thêm hồ điều hoà Định Công, Linh Đàm công suất 3 triệu m3, cải tạo hệt hống mương thoát nước, hoàn chỉnh hệ thống thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, chú trọng khu vực từ đường vành đai hai đến đường vành đai ba, bảo đảm thoát nước đối với những trận mưa có lượng mưa 310mm trong hai ngày...
Dự án thoát nước giai đoạn 1 đã hoàn thành nhưng hệ thống thoát nước Hà Nội vẫn còn khá nhiều bất cập. Vì vậy không ai dám chắc đến thời điểm năm 2010, khi dự án giai đoạn 2 kết thúc thì Hà Nội sẽ giải quyết triệt để tình trạng úng ngập hay không? Bên cạnh sự hạn chế về tầm nhìn trong công tác quy hoạch, công tác quản lý đô thị bị buông lỏng trong thời gian dài. Nếu không khắc phục ngay những yếu kém này trước thời điểm Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
|