Sống trong ổ dịch cúm
Các Website khác - 10/11/2005

Từ khi nhà ông Lương Văn Na (tổ 25, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có đàn gà nuôi bị nhiễm virus H5N1, bà con láng giềng đã dần xa lánh, nhìn người nhà ông với ánh mắt khác. Bởi nhiều người cho rằng đàn gia cầm của ông gieo rắc mầm bệnh trong dân cư.

Cuối tháng 10, sau khi ăn rau như thường lệ, 2 con gà trong đàn 25 con của ông Na lăn ra chết, rồi 12 con chết dần sau đó 2 ngày. Nghi gà chết do dịch, ông Na vội mua vôi bột rắc quanh sân rồi báo cho UBND phường Lĩnh Nam. Lực lượng thú y của phường đã lấy mẫu xét nghiệm và yêu cầu ông Na diệt toàn bộ gà. Gia đình đã nghiêm chỉnh chấp hành trước khi được biết đàn gà bị nhiễm virus H5N1.

Ông Na trước hố chôn gà trong vườn nhà. Ảnh: ĐL

Gà chết, người ốm theo

Sau khi đàn gà chết vài ngày, đứa cháu ngoại của ông Na là bé Bùi Phương Anh (hơn 3 tuổi) bị sốt cao. Bố cháu là anh Bùi Chí Sơn vội đưa con đến trạm y tế phường. Cháu được chuyển ngay lên Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, rồi sang Viện nhi Thuỵ Điển điều trị. Sau 3 ngày nằm viện và với xét nghiệm không bị nhiễm H5N1, cháu Phương Anh được trở về nhà.

Theo anh Sơn, 3 ngày nằm viện của cháu bé là cực hình với gia đình. Tiếng đồn thổi về gia đình có người bị cúm gà lan nhanh mấy tổ dân phố khu ven đô, cộng thêm lời đồn đại sai sự thật như nhà ông Na ném gà chết ra ngoài đê, bị phạt tiền... khiến mọi người nhìn con cháu nhà ông Na với ánh mắt khác. Họ coi như gia đình này là nguồn gây dịch cho cộng đồng. Ở đâu, người ta cũng cho rằng cháu nhỏ đã mắc cúm và né tránh người trong nhà. "Bà ngoại của cháu cũng đổ bệnh vì lo lắng và bị mọi người ác cảm", anh Sơn bức xúc.

Cho đến nay, khi cháu bé đã khoẻ mạnh, nhà ông Na vẫn vắng người qua lại. Thi thoảng mới có người đến hỏi tình hình sức khoẻ của cháu bé. "Chúng tôi chấp hành yêu cầu của chính quyền, có gà chết là báo cáo và diệt ngay. Song lại bị nhiều người đối xử oan nghiệt quá. Kiểu này thì ai có gà chết sẽ không dám báo", ông Na phàn nàn.

Gia đình ông Na còn lo lắng bởi đàn gà được tiêu huỷ và chôn ngay trong vườn nhà, sát bể nước ăn. "Cán bộ thú y yêu cầu phải chôn trong vườn, không mang ra ngoài đồng vì dễ lây dịch cho các hộ khác. Tôi đã chôn gà dưới đất sâu 1,5 m, rắc vôi bột lên song vẫn sợ bị ô nhiễm. Giá mà được đưa ra ngoài đồng thì yên tâm hơn", ông Na nói.

"Dịch sẽ không lan rộng"

Đó là ý kiến của nhiều hộ dân tổ 25, phường Lĩnh Nam mặc dù họ sống gần gia đình có gia cầm bị nhiễm H5N1. Theo người dân, vì gà vịt được nuôi nhốt, hoặc có tường bao kín quanh nhà... nên dịch không thể bén đến đàn gia cầm của họ. Việc chăn nuôi hoặc mổ thịt ăn vẫn diễn ra như trước đây. Chỉ một số hộ tiêm phòng cho đàn gà, vịt.

Vịt vẫn được nuôi thả bình thường tại nhà bà Loan

Cách gia đình có gà nhiễm H5N1 chỉ một bức tường, hộ ông Nguyễn Văn Hồng vẫn nuôi nhốt 14 con gà. Theo chủ hộ, từ khi thấy nhà bên cạnh có gia cầm chết, nhà ông phòng ngừa bằng cách... giết ăn dần. "Tôi đã thịt 6 con gà, 10 con ngan, đàn gà hiện nay vẫn khoẻ mạnh nên chúng tôi sẽ giết ăn tiếp. Gà được nuôi nhốt nên chắc chắn không thể nhiễm bệnh", ông Hồng nói.

Cách đó 200m, gia đình bà Nguyễn Thị Loan nuôi 10 con gà con và 5 con ngan. "Tôi và đàn gà nhà tôi không tiếp xúc với người nhà có dịch nên không thể bị nhiễm. Gà không ốm, không đau thì không phải mắc bệnh, vẫn mổ ăn được", bà Loan nói. Theo bà Loan, đàn gia cầm vừa được tiêm phòng nên không thể giết thịt. Nếu không mắc tiêm thì gia đình bà vẫn ăn, không e ngại gì.

Theo ghi nhận của VnExpress, các chợ trên địa bàn phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đã vắng bóng gia cầm, song trứng vẫn bán phổ biến. Theo ông Nguyễn Viết Ân, Phó chủ tịch phường Lĩnh Nam, thý y của phường đã phun khử trùng cho nhiều hộ dân sống trong điểm dịch. Toàn phường đã triển khai "nội bất xuất, ngoại bất nhập" với gia cầm sống và cấm bán tại các chợ.

Trên địa bàn hiện có gần 5.000 con gà sẽ được tiêu huỷ dần theo chỉ đạo của thành phố. "Chúng tôi khuyến khích người dân tự tiêu huỷ và ghi chép số lượng gia cầm chết. Hiện quận Hoàng Mai chưa đưa ra mức hỗ trợ của nên chúng tôi chưa thể đưa tiền cho dân", ông Ân nói.

Đoàn Loan