Tập trung cho Kế hoạch hành động hậu WTO
Các Website khác - 04/07/2008

 

Thu hoạch cá tra sạch tại Cần Thơ - Ảnh: Đ. Vịnh
Trong hai ngày 3 và 4-7, hội thảo bàn về một số vấn đề của VN trong bối cảnh Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) do Bộ Công thương, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AusAID) và Cơ quan Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID) tổ chức tại Hà Nội.

Ý nghĩa của việc theo đuổi qui chế kinh tế thị trường đối với VN là một trong những mảng của bức tranh kinh tế VN trong thời kỳ hội nhập được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra phân tích tại hội thảo.

"Nền kinh tế đang chuyển đổi"

Bài trình bày về mối quan hệ giữa qui chế kinh tế thị trường và bán phá giá do tiến sĩ Adam McCarty - chuyên gia kinh tế trưởng của Mekong Economics Ltd. - trình bày đã thu hút khá nhiều ý kiến bình luận. Theo tiến sĩ McCarty, vấn đề kinh tế thị trường là một khía cạnh đặc biệt của việc chống phá giá ở một số nước, khi nước bị điều tra được cho là có nền kinh tế thị trường.

Tiến sĩ McCarty cho rằng vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp được trang bị quá ít về mặt kỹ thuật và năng lực để phòng và xử lý các vụ kiện bán phá giá. "Doanh nghiệp còn bận rộn kinh doanh. Chính phủ phải cung cấp thông tin cho họ” - ông nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc dẫn dắt và kiểm soát vấn đề bán phá giá.

Với trường hợp VN, các vụ điều tra bán phá giá chủ yếu do Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU) khởi kiện. Trong khi đó, hai nền kinh tế này đều chưa công nhận VN có kinh tế thị trường, việc khởi kiện các vụ việc bán phá giá thường là không công bằng vì giá hàng hóa tham chiếu để so sánh là có bán phá giá hay không lại của một nước thứ ba, và thuế bán phá giá khi áp dụng thường cao hơn nhiều so với khi VN được công nhận là nền kinh tế thị trường.

Về điểm này, nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự (trưởng đoàn đàm phán WTO của VN) có cùng ý kiến với tiến sĩ McCarty. Đó là chống bán phá giá đôi khi là sự bảo hộ nhằm biện minh cho bảo hộ công nghiệp lỗi thời và là một phần của xu hướng sử dụng các biện pháp phi thuế quan thay thế các biện pháp trực tiếp để giao dịch mua bán. "Có thể nhiều nước lợi dụng chống phá giá để bảo vệ công nghiệp trong nước và làm méo mó thương mại quốc tế" - ông Tự nói.

Ông dẫn chứng rằng trong vụ Mỹ kiện doanh nghiệp VN bán phá giá cá tra, cá ba sa, nếu VN được công nhận có nền kinh tế thị trường thì Mỹ không thể so sánh giá xuất khẩu của VN với giá của Ấn Độ mà phải so sánh với chính giá bán mặt hàng này ở trong thị trường nội địa VN, mà khi đó là đang thấp hơn giá xuất khẩu. Trong trường hợp đó, việc VN không được công nhận có nền kinh tế thị trường dẫn tới kết quả không công bằng cho các doanh nghiệp VN.

Điều quan trọng nhất, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, là thúc đẩy quá trình thị trường ở VN diễn ra đồng bộ để tiến tới nền kinh tế thị trường. Theo ông Thiên, bản thân hệ thống thị trường hoạt động khập khễnh mới là gốc rễ của hoạt động kinh tế kém hiệu quả. Ông chỉ trích việc sử dụng thuật ngữ "nền kinh tế phi thị trường" là không hợp lý, mà thay vào đó là "nền kinh tế đang chuyển đổi".

Không còn cơ hội vàng thời kỳ bảo hộ

Tham vấn cho Kế hoạch hành động hậu WTO của Chính phủ VN, chuyên gia kinh tế Ray Mallon của AusAid khuyên không nên đi quá sâu vào chi tiết, mà nên tập trung hướng vào cải thiện việc lập kế hoạch phát triển công nghiệp nói chung, phân tích và kiểm soát chính sách, giảm thiểu tác động xấu về kinh tế - xã hội của hội nhập, cải cách thể chế... "Hãy tập trung vào bức tranh lớn" là thông điệp của ông Mallon cho Kế hoạch hành động.

Liên quan việc phát triển ngành công nghiệp, PGS.TS Phan Đăng Tuất - viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Bộ Công thương - cho rằng rất khó để VN sớm có những mặt hàng công nghiệp mũi nhọn như kỳ vọng của nhiều người. Đặc thù của các sản phẩm công nghiệp, theo ông, là sự tập hợp rất nhiều yếu tố như công nghệ, con người, truyền thống, nguyên liệu... Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay, để tìm và tạo ra một sản phẩm mang tính cú đấm và lại chiếm lượng đủ lớn cho thị trường thế giới để có thể coi là mặt hàng mũi nhọn là điều rất khó.

PGS.TS Tuất nhận định VN hiện nay không còn ở giai đoạn của xu hướng bảo hộ trước thời kỳ hội nhập như cách nay mấy thập niên. "Mọi nước chuyển đổi trong điều kiện hội nhập như bây giờ rất khó tìm sắc thái riêng", ông tiếp tục giải thích về khó khăn tạo mặt hàng công nghiệp mũi nhọn của VN. Không giống các nước châu Á khác như Hàn Quốc, Singapore..., VN không còn cơ hội vàng của thời kỳ bảo hộ nữa. "Nếu Hàn Quốc không có sự tham gia mạnh mẽ của chính phủ thì đã không phát triển được ngành thép như hôm nay" - ông Tuất nói.

HƯƠNG GIANG