Việt Nam học gì từ kinh nghiệm phát triển của Thuỵ Điển?
Các Website khác - 09/11/2005

(VietNamNet) - Năng lực vượt trội trong tiếp thu kiến thức, vốn con người và các thể chế là phần quan trọng lý giải cho sự thành công của Thuỵ Điển trong tiến trình công nghiệp hoá một cách nhanh chóng và duy trì sức cạnh tranh hơn 100 năm qua của các ngành công nghiệp vốn chủ yếu sử dụng nguyên liệu thô.

Đó là phát biểu của giáo sư Ari Kokko đến từ Thuỵ Điển trong cuộc hội thảo hôm 9/11, tại Hà Nội. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác về "Hỗ trợ tổng kết 20 năm Đổi mới."

Soạn: AM 613941 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Giáo sư Ari Kokko (phải) và bà Anna Lindstedt, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam, trong hội thảo hôm nay

Hội thảo do Viện khoa học xã hội VN, Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Thuỵ Điển (SIDA) và Chương trình phát triển LHQ (UNDP) phối hợp tổ chức.

Chia sẻ kinh nghiệm với các học giả và cán bộ Việt Nam cũng như đại diện các cơ quan ngoại giao tại Hà Nội, giáo sư Ari Kokko, kinh tế gia đến từ trường đại học Kinh tế Stockholm nói:

"Chúng tôi hy vọng rút ra những nét tương đồng giữa Thuỵ Điển và Việt Nam. Trước đây, Thuỵ Điển đã sẵn sàng bước vào thời kỳ công nghiệp hoá với tốc độ cao nhờ các khoản đầu tư lớn cho những lĩnh vực như giáo dục và luật pháp ngay khi chúng tôi còn ở trong thời kỳ kinh tế nông nghiệp.

Cuộc thảo luận về vấn đề làm thế nào để thiết lập một nhà nước phúc lợi đã bắt đầu từ rất lâu trước khi Thuỵ Điển trở thành một đất nước thịnh vượng. Các nước cần đi trước một bước trong việc phát triển công nghiệp."

Giáo sư Kokko đã phân tích sự tăng trưởng sức cạnh tranh công nghiệp ở Thuỵ Điển từ góc độ dài hạn với lập luận rằng, sự phát triển tốc độ sau những đột phá trong công nghiệp ban đầu vào giữa thế kỷ 19 phần lớn là do có một hệ thống cải cách với những thể chế vững chắc và các điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu kiến thức và phát triển vốn con người.

Giáo sư nhấn mạnh rằng, năng lực vượt trội về thể chế và vốn con người rất thiết yếu đối với khả năng khai thác các cơ hội phát sinh từ các cú sốc có lợi bên ngoài của nền kinh tế. Trong trường hợp của Thuỵ Điển thì đó là các ví dụ về nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng từ các khu vực khác của châu Âu và tiến bộ công nghệ trong sản xuất giấy, bột giấy và thép.

Bên cạnh đó, ông Kokko nói đến là tính bền vững của các ngành công nghiệp dựa vào nguyên liệu thô như giấy cũng liên quan đến sự tồn tại của một hệ thống vững chắc về cải cách khu vực. Các chính sách công và các chiến lược công ty đã cùng nhau góp phần tạo ra một môi trường để có thể phát triển tri thức và các kỹ năng cần thiết cho việc duy trì sức cạnh tranh trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Cũng trong, cuộc hội thảo này, bà Anna Lindstedt, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam, nói: "Khía cạnh quan trọng nhất trong mô hình phát triển của Thuỵ Điển là việc kiểm soát một cách sâu rộng theo nguyên tắc dân chủ đối với khu vực công.

Chúng tôi không cho rằng, khu vực công có thể liên tục thực hiện vai trò đại diện cho các công dân trong một thời gian dài nếu như không có sự kiểm soát của họ. Để thực hiện sự kiểm soát mang tính dân chủ như vậy, cần phải kết hợp một số yếu tố như: mức độ công khai, minh bạch cao trong khu vực công, phân cấp quản lý, các tổ chức xã hội dân sự độc lập với chính phủ và dựa trên nguyên tắc tham gia tự nguyện, và các cơ quan thông tin đại chúng mang tính độc lập."

Phát biểu trong hội thảo còn có sự góp mặt của giáo sư Peter Hagstrom, từ Viện Kinh doanh Quốc tế thuộc trường Kinh tế Stockholm. Ông nêu thêm một yếu tố thú vị dẫn đến sự thành công của Thuỵ Điển: "Giống như người Hà Lan, người dân Thuỵ Điển là những nhà lữ hành toàn cầu, chính vì thế họ có cái nhìn bao quát về thế giới cũng như học hỏi được kinh nghiệm của các dân tộc khác và luôn tìm ra nhiều cơ hội mới".

  • Bùi Quang