Các nhà máy điện lớn đồng loạt tách khỏi hệ thống:Hai "đại gia" nói gì?
Các Website khác - 05/07/2008

Một góc Nhà máy khí - điện - đạm Cà Mau (của Tập đoàn Dầu khí VN).
Bước sang tháng 7, mặc dù đã có những cơn mưa đầu mùa khiến lượng nước về các hồ thuỷ điện nhích lên, song tình trạng thiếu điện vẫn không vì thế mà giảm bớt. Ngày 2.7, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã phát đi thông cáo báo chí tiếp tục "kêu cứu" về tình trạng căng thẳng về nguồn điện.

Việc hàng loạt các nhà máy điện có công suất lớn do Tập đoàn Dầu khí VN (PetroVietnam) làm chủ đầu tư tách khỏi hệ thống và ngừng vận hành đã khiến tình trạng thiếu điện càng trầm kha.

Bệnh kinh niên

Thiếu điện dường như đã trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế. Trong tháng 7, EVN dự báo phụ tải hệ thống điện tăng hơn tháng 6, đạt tới trên 7,1 tỉ kWh. Mặc dù EVN đã huy động tất cả các nguồn điện hiện có nhưng tổng công suất khả dụng toàn hệ thống trong tháng 7 vẫn rất thấp.

So với nhu cầu sử dụng điện hàng ngày khoảng 230 triệu kWh/ngày, công suất đỉnh đạt khoảng 12.500MW - 12.800MW, hệ thống sẽ thiếu từ 1.500MW - 2.500MW từ 7h sáng đến 21h tối, không chỉ vào một số giờ cao điểm trong ngày. Trong khi đó, do nhiều lý do khác nhau, cùng thời gian này, các nhà máy điện (NMĐ) được xem là cứu cánh cho mùa khô 2008 lại đang đồng loạt xuất lưới.

NMĐ Cà Mau 1 (công suất 750MW) đã ngừng vận hành từ ngày 15.6 đến nay; NMĐ Cà Mau 2 công suất tương tự (750MW) đang chạy thử nghiệm, công suất phát không đáng kể; NĐ Nhơn Trạch 1 (450MW), hiện mới phát 1 tổ máy với công suất 150 MW.

Theo EVN, chỉ tính riêng 3NM này, lượng công suất không phát điện được lên tới 1.800MW. Trong khi đó, các NM do EVN làm chủ đầu tư là Uông Bí mở rộng (300MW) cũng bị sự cố cháy máy phát đầu cực đã dừng phát điện từ ngày 18.5 đến nay, chưa rõ ngày đưa vào vận hành; tổ máy TBK Phú Mỹ 2.2 (công suất 360MW) cũng đang xuất lưới vì sự cố từ 30.6...

Ngày 3.7, TGĐ EVN Phạm Lê Thanh đã gửi công văn khẩn cho TGĐ PetroVietnam đề nghị TĐ này có giải pháp với nhà thầu để nhanh chóng xử lý sự cố Cà Mau 1 và bố trí lịch thí nghiệm tối ưu tổ máy để đưa trở lại hoạt động trong thời gian sớm nhất. Đề nghị PetroVietnam chỉ đạo khi Cà Mau 1 chạy khả dụng trở lại, phát công suất cao vào các giờ cao điểm, hạn chế tối đa thử nghiệm vào ban đêm.

PetroVietnam nói gì?

Việc đồng loạt các nhà máy điện do PetroVietnam làm chủ đầu tư xuất ra khỏi hệ thống điện đang khiến tình trạng thiếu điện càng trầm trọng. 
Tại cuộc họp báo do PetroVietnam tổ chức chiều ngày 4.7, trước những khó khăn về tình hình cung ứng điện của EVN, ông Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐQT PetroVietnam đã thẳng thắn nêu quan điểm của TĐ là hoàn toàn chia sẻ. Mặc dù giá điện chạy khí cao hơn giá các nguồn nguyên liệu khác do giá khí tính theo giá dầu.

Tại thời điểm này, giá dầu đang tăng cao nên càng chạy nhiều những nguồn điện giá cao, ngành điện sẽ càng lỗ. Nhưng quan điểm là nếu cung - cầu điện đảm bảo thì EVN hoàn toàn có quyền huy động các nguồn điện có giá từ thấp đến cao, nhưng vì nền kinh tế luôn trong tình trạng thiếu điện thì việc EVN từ chối mua nguồn đắt tiền để giảm lỗ là việc làm khó chấp nhận.

Đối với việc ngừng cấp điện nhiều tổ máy công suất lớn, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động, Phó TGĐ PetroVietnam Phùng Đình Thực cho biết: Theo đề nghị của EVN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, thì việc huy động các tổ máy NĐ Cà Mau 1 từ cuối tháng 12.2007, sẽ thực hiện theo phương án 3. Nghĩa là trong thời gian cao điểm mùa khô (từ 20.3 đến 15.6.2008), Cà Mau 1 sẽ vận hành thương mại chu trình hỗn hợp.

Các bước thí nghiệm, thử nghiệm theo hợp đồng nhưng chưa thật sự cần thiết sẽ để lại để nhà thầu Siemens tiếp tục thực hiện sau ngày 15.6. Như vậy, là việc ngừng hoạt động các tổ máy Cà Mau 1 đã được lên kế hoạch từ trước. Bên cạnh đó, theo ông Thực, các tổ máy Cà Mau 2 cũng đã hoà đồng bộ thành công và cũng đang tiến hành các bước thử nghiệm. NĐ Nhơn Trạch 1 cũng đang phát liên tục trên lưới từ cuối tháng 5.2008 đến nay với công suất tối đa có ngày lên tới 160MW.

Vì vậy, không có chuyện PetroVietnam không đưa vào khai thác lượng công suất lên tới 1.800MW như thông báo của EVN. Câu chuyện "lời qua tiếng lại" giữa 2 TĐ kinh tế hàng đầu đất nước đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Trên thực tế, nếu nhiệm vụ cung ứng điện không đảm bảo, nguy cơ thiếu điện càng trầm trọng thì thiệt hại đối với nền kinh tế sẽ không thể lường hết, trong đó 2 TĐ này nhất định phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Bởi vậy, trong một nỗ lực có thể, ông Phùng Đình Thực khẳng định: Chúng tôi sẽ đàm phán với nhà thầu để có thể chạy công suất các tổ máy Cà Mau1 vào cao điểm tối. Những giờ khác trong ngày, nhà thầu vẫn tiếp tục hiệu chỉnh.

Chiều ngày 4.7, ông Lê Anh Thông- Phó TGĐ TCty Điện lực Dầu khí, kiêm TGĐ Cty Điện lực Dầu khí Cà Mau thông tin cho Lao Động: Bắt đầu từ hôm 3.7, NĐ Cà Mau 1 đã phát điện trở lại lên lưới với cấu hình 1.1.1 (1 turbin khí, 1 lò hơi và 1 đuôi hơi) và đã đạt lên đến công suất 360MW vào ngày 4.7. Trong khi đó, từ 13h ngày 30.6 đến nay, tổ máy GT1 chu trình hở (đơn) của NMĐ Nhơn Trạch 1 đã phát điện liên tục đạt công suất 158MW (vượt công suất thiết kế 150MW). Đây là nỗ lực của TĐ Dầu khí và các nhà thầu để giải quyết tình trạng thiếu điện nghiêm trọng hiện nay.

Quỳnh Trang