Mất chồng vì dọa ly hôn
Các Website khác - 19/09/2008

“Em không thể chịu đựng hơn được nữa, mình chia tay thôi”, Phượng, 28 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nói. Chị choáng váng khi anh bảo ngay: “Được, cô hay tôi viết đơn?”.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi kết hôn, Nam, chồng Phượng, đã bộc lộ tính ham nhậu nhẹt. Những cuộc vui thường khiến anh về muộn, trái lời hẹn với vợ. Những lần như vậy, Phượng giận lắm. Chị khóc lóc, trách cứ anh và đã không ít lần đòi ly dị. Nam xin lỗi vợ và hứa sẽ không còn tái diễn cảnh này. Tuy nhiên, anh cũng đề nghị: “Có gì không phải, em cứ góp ý, mắng anh cũng được, nhưng đừng hơi một tí là đòi ly dị như thế, trừ khi em thực sự muốn bỏ anh”. 

Các ông chồng khi đồng ý với đề nghị ly hôn của vợ thường vì quá mệt mỏi, chán ngán, hoặc với thói quen giải quyết mọi việc bằng lý tính

Nhưng Nam chỉ tiến bộ được ít hôm rồi lại mải vui với bạn bè trong những cuộc nhậu khuya, để vợ chờ mãi bên mâm cơm lạnh ngắt. Khi về, anh cố gắng nịnh vợ và thanh minh cho mình, nhưng Phượng không nói năng gì, bỏ đi ngủ, sáng hôm sau đặt trước mặt chồng lá đơn ly hôn. Nam tái mặt, cầm tờ giấy cho vào túi rồi đi làm. Tối đó anh về sớm, mặc dù vợ không thèm nói, anh vẫn tỏ ra ân cần chăm sóc. 

Sang ngày thứ ba, Nam đặt lá đơn trước mặt vợ: “Em đã nghĩ kỹ chưa? Nếu vẫn yêu anh thì xé nó đi, còn giữ nguyên quyết định thì anh sẽ tôn trọng, dù không hề muốn”. Thấy vợ xé tờ đơn, Nam lại dặn đừng bao giờ nói chuyện ly dị nữa vì anh cảm thấy rất bị tổn thương.

Và lần này, khi Phượng đề cập đến chuyện chia tay, Nam gật đầu ngay lập tức. Trước thái độ đó, Phượng òa khóc, giận dữ viết đơn rồi cả hai cùng ký vào. Hiện đơn đã nộp lên tòa, chị bắt đầu ân hận, nhưng chưa làm điều gì vì ấm ức rằng mình không sai. Còn Nam buồn bã tâm sự với bạn: “Chuyện vợ chồng đâu phải trò đùa, cô ấy không thực sự coi trọng cuộc hôn nhân này nên mới luôn miệng đòi bỏ. Nếu cứ thế này mãi thì mình đau tim lắm”.  

Chị Mai, 31 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội, cũng suýt mất chồng vì hay nói chuyện ly hôn. Vốn xinh đẹp, quen được chiều chuộng, Mai hay làm mình làm mẩy. Ngay từ thời còn yêu nhau, anh Quý, chồng chị, đã luôn phải lao tâm khổ tứ để làm vừa lòng Mai. Hễ có mâu thuẫn hay giận dỗi điều gì, chị lại đòi chia tay, khiến anh phải vất vả tìm mọi cách làm lành. Lấy nhau rồi, chị vẫn thế. Biết chồng rất yêu mình nên Mai thường lấy chuyện ly dị để làm sức ép, bắt Quý làm theo ý chị. 

Gần đây, Mai và mẹ chồng cãi nhau. Quý cho là vợ sai nên thuyết phục Mai xin lỗi mẹ, nhưng giải thích thế nào chị cũng không đồng ý. “Tôi hiểu anh chỉ biết có mẹ, vì mẹ chỉ có một, còn vợ có thể thay đổi, phải vậy không? Nếu đã như thế thì nên giải phóng cho nhau thôi”. Mai không ngờ Quý gật đầu: “Vậy em viết đơn đi, anh ký”. 

Rất may là cuộc ly dị không thành vì khi cán bộ hòa giải của tòa án chưa kịp can thiệp, Mai đã phát hiện mình có thai. Trở lại với nhau, Quý cho vợ biết từ nhiều năm nay anh quá mệt mỏi vì việc bị dọa cho ra rìa, đến mức nghe đến câu đó là phát chán, muốn mặc kệ. Mai biết vậy nên cũng cố gắng kiềm chế hơn. 

Theo bà Trần Thị Hồng Hà, chuyên gia tâm lý Trung tâm tư vấn tình yêu, hôn nhân và gia đình, dọa chia tay là một chiêu được rất nhiều chị em áp dụng, thậm chí lạm dụng. Phụ nữ thường có xu hướng giải quyết các mâu thuẫn theo cảm tính nên nhiều khi có mâu thuẫn không kiềm chế được là sồn sồn đòi bỏ nhau.

Trong nhiều trường hợp, đó cũng chỉ là cách gây sức ép với chồng, “nói vậy mà không phải vậy”. Những trường hợp này thường hay nuối tiếc khi chồng chấp nhận ly hôn. Và nếu họ vẫn giữ sự kiêu hãnh, không rút lại ý kiến, gia đình có thể tan vỡ. Trong công việc của mình, bà Hà đã gặp rất nhiều đôi vợ chồng đứng trên bờ vực chia cắt vì lý do này. 

Các ông chồng khi đồng ý với đề nghị ly hôn của vợ thường vì quá mệt mỏi, chán ngán, hoặc với thói quen giải quyết mọi việc bằng lý tính, họ cho rằng quả thật vợ mình không coi trọng cuộc hôn nhân này (trừ trường hợp họ có sẵn ý định chia tay, mà lời vợ chỉ là cái cớ).  

Bà Hà khuyên rằng, nếu thực sự vẫn muốn tiếp tục chung sống cùng nhau, người vợ không nên lạm dụng chiêu dọa dẫm trên mà nên học cách cư xử một cách lý trí hơn. Khi có mâu thuẫn, cố gắng bình tĩnh tìm cách giải quyết để vợ chồng trở lại đầm ầm, cùng lắm là cãi nhau chứ không nên nói đến chia tay, vì đó là cách cư xử không mang tính xây dựng.

Về phía nam giới, nên hiểu tâm lý phụ nữ để không lập tức coi đề nghị ly hôn của vợ là thật. Nếu cố gắng thông cảm với nhau, hai người sẽ vượt qua được những sóng gió không thể tránh khỏi trong hôn nhân.

 Theo Lam Giang
DatViet