Nếu phải so sánh, có thế thấy rằng: Sự khuyến mãi giảm giá chỉ lợi cho người tiêu dùng được một - hai thì chất lượng dịch vụ kém đang lấy đi của họ gấp hàng chục lần như thế.
Cho đến thời điểm này, các ISP trong cả nước đã cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao ADSL cho hơn 150.000 thuê bao. Con số này chưa thật nhiều. Song điều đáng nói là dù số thuê bao ADSL chưa phát triển vượt bậc, nhưng chất lượng của dịch vụ này đã rơi xuống mức không còn có thể chấp nhận được.
Tuột dốc... tốc độ cao
Các ISP càng tung ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá thì y như rằng, tốc độ dịch vụ Internet ADSL càng chậm lại.
Anh T.A.Tuấn, ngụ ở phường 14, quận 6, TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Tôi dùng gói cước MegaStyle của Cty cổ phần viễn thông FPT đã hơn một tháng nay, nhưng chưa bao giờ đạt tốc độ gửi/nhận (download/ upload) tối đa 1,536Mbps như họ quảng cáo.
Tốc độ nhận bình thường chỉ dao động từ 10-25Kbps. Rõ nhất là mỗi lần tôi tải phần mềm game khoảng 3MB về chơi thì thường mất đến 5 phút".
Đối với nhiều khách hàng thuê gói cước MegaStyle của FPT, đạt được tốc độ như trên đã là may mắn. Anh T.L, một thuê bao của FPT ở phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh, nói: "Bình thường tôi tải ảnh trên email xuống chỉ đạt tốc độ từ 6-8Kbps, so với cam kết "tốc độ tối đa" kém khoảng 200 lần!".
Chất lượng ADSL của VNN cũng không hơn gì. Đối với những khách hàng thuê bao gói cước 1 (download/upload: 384Kbps/ 128Kbps), tốc độ đạt được thường xuyên cũng chỉ đạt đến 20-30Kbps. Song có những khách hàng dùng gói cước đắt tiền như gói cước 4 (2Mbps/640Kbps) thì càng "kêu" nhiều hơn về chất lượng, bởi sự chênh lệch giữa tốc độ tối đa cam kết với tốc độ sử dụng trên thực tế quá lớn, kém tới 20-30 lần. Anh H.V, nhà ở quận 3, nói: "Cơ quan tôi ở quận 1 dùng đường truyền ADSL tốc độ nhận 2Mbps, nhưng thực ra nhiều khi tải ảnh hoặc các tệp văn bản, tốc độ cũng chỉ nhanh hơn dịch vụ truy cập qua VNN1269 mà tôi hay dùng ở nhà chút xíu thôi".
Phải nói rằng, chất lượng Internet tốc độ cao ADSL của các ISP tại Việt Nam hiện nay đều đang xuống cấp. Đầu bảng bị than phiền nhiều nhất là FPT, tiếp đến là VNN, Viettel sinh sau đẻ muộn cũng không thoát được tình trạng trên.
Sáng 22-11, anh T.V.Quang-một khách hàng của Viettel Internet-điện thoại cho chúng tôi biết: "Tôi đang sử dụng gói cước Home C tốc độ cam kết tối đa là 1.024Kbps/512Kbps, nhưng hiện giờ tôi đang tải tài liệu về tốc độ chỉ đạt trên dưới 27,1Kbps, kém tới gần 38 lần".
Người tiêu dùng đã từng vui mừng vì thoát được thời kỳ truy cập dial-up chậm như rùa bò, nhưng giờ lại càng thất vọng về chất lượng dịch vụ ADSL. Hình ảnh và uy tín của những nhà cung cấp dịch vụ ADSL đã ngày càng tệ hại hơn trong mắt người tiêu dùng Việt Nam.
Đổ cho nhau và đổ cho... các nước
Ngày 27-10, Báo Lao Động đã đăng bài "Dịch vụ Internet tốc độ cao ADSL: Dùng tiểu xảo dẫn dụ người tiêu dùng", đặt vấn đề: Vì sao các ISP rất thịnh hành kiểu cam kết tốc độ tối đa mà không dám cam kết tốc độ tối thiểu? Trên thực tế các ISP đang rất e ngại người tiêu dùng tạo áp lực về vấn đề nhạy cảm này.
Đến ngày 17-11, mạng VietnamNet một lần nữa đặt lại vấn đề này, liền bị hai lãnh đạo của VDC và FPT từ chối không chút e dè. Ông Trương Đình Anh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần viễn thông FPT: "Không ai đưa ra các thông số tối thiểu hoặc các thông số tốc độ ổn định trong hợp đồng cả". Ông Nguyễn Tiến Anh Tuấn-Phó Phòng kinh doanh của VDC: "Thực tế, với dịch vụ Internet, không ai cam kết tốc độ tối thiểu... Ở nhiều nước đâu thực hiện điều này".
Cả hai lời giải thích trên đều cho thấy sự đuối lý và nói lấy được. Ở các nước, dù các ISP không cam kết tốc độ tối thiểu trong hợp đồng nhưng trên thực tế chất lượng dịch vụ của họ luôn bảo đảm, chứ không bị rớt tốc độ từ hàng chục đến hàng trăm lần như dịch vụ của các ISP ở Việt Nam. Thêm nữa, khi đụng đến vấn đề nhạy cảm và sợ phải giải quyết hậu quả đối với hàng trăm ngàn người tiêu dùng, thì y như rằng, các ISP đã thừa khôn lanh cùng cam kết một kiểu để đối phó với người tiêu dùng.
Giá Internet ở Việt Nam quá đắt
Mới đây, trong hội thảo "Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp phần mềm (DNPM) TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2006-2010" nhiều DN tiếp tục phàn nàn giá Internet tại Việt Nam quá đắt.
Ông Trương Minh-Việt kiều Mỹ, GĐ một DNPM tại TP Hồ Chí Minh-cho rằng: "Ở Mỹ, chúng tôi trả phí thuê bao trọn gói dịch vụ ADSL 20USD/ tháng nhưng tốc độ cao hơn ở Việt Nam rất nhiều. Phí thuê bao Internet ở Nhật Bản còn rẻ hơn nhiều, chỉ 4-5USD/tháng nhưng tốc độ 100Mbps".
Ông Phạm Văn Bảy-nguyên Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh-bức xúc: "Tôi công tác trong lĩnh vực CNTT và bưu điện nhiều năm. Vừa rồi tôi thấy các mạng viễn thông đua nhau khuyến mãi, giảm giá tôi mới giật mình. Vì họ còn khuyến mãi, giảm giá nhiều như vậy có nghĩa là họ còn lời nhiều lắm, nghĩa là họ còn giảm giá được nữa chứ không chỉ dừng lại ở mức như hiện nay".
Theo BBC, giá Internet tại Anh đang ngày càng rẻ. Đơn cử, hai hãng Toucan và Tiscali đều đưa ra mức thuê bao trọn gói 14,99 bảng Anh/tháng (khoảng 420.000 đồng) cho đường ADSL tốc độ 1Mbps, bao gồm cả gọi điện thoại miễn phí vào cuối tuần.
Như vậy, giá Internet nếu so với thu nhập bình quân/đầu người thì các nước trên rẻ hơn Việt Nam rất nhiều. Ở Anh phí thuê bao trọn gói 15 bảng (tương đương 27USD/tháng) so với thu nhập bình quân/đầu người dân 28.000USD/năm, xấp xỉ 0,08% thu nhập; trong khi đó thuê bao trọn gói MegaStyle của FPT khoảng 15,5USD/tháng so với thu nhập bình quân/đầu người Việt Nam chưa đầy 600USD/năm (chiếm hơn 2,5% thu nhập).
Trong trường hợp chất lượng ADSL Việt Nam hiện quá chậm, không ổn định, chi phí người tiêu dùng bỏ ra nhiều hơn, tốn thời gian hơn, hiệu quả công việc thấp hơn, thì tính ra giá ADSL tại Việt Nam còn cao ngất.
Ý kiến người tiêu dùng
Hoàng Oanh (SV Trường ĐH Văn Lang, TP Hồ Chí Minh): Tôi thường đến các đại lý Internet trên đường Cô Bắc. Thời kỳ đầu ADSL mới ra tốc độ rất nhanh. Tuy nhiên những tháng gần đây, khi vào Internet tại các đại lý này (thường dùng đường truyền của VDC hoặc FPT) tốc độ rất chậm. Chủ đại lý giải thích rằng họ thuê đường truyền tốc độ đến 2Mbps nhưng vì trên thực tế chỉ đạt 1/10 là cao nên các đại lý phải "chịu tình trạng chung".
Anh Công Bằng (phường 13, quận Bình Thạnh): Tôi đang sử dụng dịch vụ Internet dial-up của FPT. Trước đây dịch vụ này có khi đạt đến 50Kbps, nhưng từ khi Cty quảng cáo rầm rộ ADSL thì bỗng nhiên dịch vụ truy cập dial-up bị giảm tốc. Tôi nghe đồn rằng FPT giảm tốc để người tiêu dùng chán và chuyển sang ADSL. Tuy nhiên, trước tình trạng ADSL của FPT cũng đang tuột dốc nên tôi chần chừ chưa muốn sử dụng. Bởi như nhiều người quen tôi cho biết, tốc độ nhận của gói cước theo cam kết tối đa 1,5Mbps nhưng khi sử dụng chỉ đạt trên dưới 10Kbps thì tôi thà dùng truy cập dial-up cho xong, lại còn rẻ hơn.
Anh Dư Nhã (phường Tân Kiểng, quận 7): Mỗi ngày tôi thường dùng Internet ở cơ quan (đường Hàm Nghi, quận 1) với đường ADSL tốc độ 2Mbps/640Kbps, tuy nhiên không phải lúc nào cũng ổn định. Mỗi khi mưa, gió là y như rằng bị rớt mạch. Còn mỗi khi tải hoặc gửi ảnh, tài liệu đi, tốc độ chỉ thấy bình thường chứ thực sự không được quá nhanh. Còn vào những lúc cao điểm, tình trạng nghẽn đường truyền thường xuyên xảy ra.
|