Xu hướng gia công phần mềm toàn cầu
Hiện nay, gia công quốc tế trong lĩnh vực phần mềm đang là xu hướng toàn cầu. Ngành CNTT gồm hai phần: CNTT và các dịch vụ gia công dựa trên nền CNTT. Dịch vụ này chỉ đòi hỏi CNTT ở một mức độ nhất định, cộng thêm một số kỹ năng chuyên ngành thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thị trường cho dịch vụ gia công rất lớn: năm 2004 là 300 tỷ USD. Trong đó, Mỹ là thị trường gia công lớn nhất (chiếm 40%) và dự báo sẽ còn tăng trưởng nhanh trong những năm tới (sẽ đạt 65%). Do tình trạng thiếu nhân lực phần mềm, trước năm 2001, Chính phủ Mỹ tạo nhiều cơ hội cho nhân lực phần mềm nhập cư vào nước này. Nhưng do tình trạng gia tăng nguy cơ khủng bố, để bảo đảm an ninh, Mỹ đã hạn chế lượng người nhập cư. Điều này tạo xu hướng mới là các công ty Mỹ tăng cường thuê gia công phần mềm ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Bốn phần năm các doanh nghiệp lớn của Mỹ đã thuê gia công ở nước ngoài và số còn lại dự kiến cũng sẽ gia nhập trào lưu này.
Thị trường Tây Âu có giá trị tiêu thụ phần mềm chiếm khoảng một phần tư tổng tiêu thụ toàn cầu. Các nước Tây Âu chủ yếu đặt gia công từ Ấn Độ và nhập khẩu phần mềm từ Ireland, Mỹ và Israel.
Thị trường phần mềm Nhật Bản cũng rất lớn và các công ty Nhật đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Ngày càng nhiều các công ty Nhật áp dụng chiến lược thuê gia công để cắt giảm chi phí. Đối tác gia công phần mềm chủ yếu của Nhật Bản cho đến nay là Trung Quốc vầ Ấn Độ. Ngôn ngữ và văn hóa là rào cản lớn nhất để Ấn Độ thâm nhập thị trường Nhật Bản. Các công ty Nhật đang tìm cách chuyển hướng sang các nước khác trong khu vực như Việt Nam, Thái-lan, Philippines, Myanmar vì các công ty của Ấn Độ, Trung Quốc ngày một lớn mạnh và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Nhật Bản.
Năm 2004, Việt Nam đạt 40 triệu USD trong lĩnh vực gia công, xuất khẩu phần mềm trong 169 triệu USD tổng giá trị sản phẩm, dịch vụ phần mềm của cả nước.
Ông Jay Gullish cho biết, hiện nay Việt Nam xếp thứ 19 trong số 25 nước nhận gia công hàng đầu thế giới. Chỉ số này được tất cả các công ty trên toàn thế giới tham khảo khi tìm đối tác nhận gia công.
Tuy nhiên, ông cho biết, khi đi sâu vào các tiêu chí xếp hạng mới thấy Việt Nam còn có nhiều việc phải làm. Ba tiêu chí xếp hạng đó là: con người (Việt Nam đứng thứ 25), môi trường kinh doanh (24) và tài chính (thứ 2, chỉ sau Ấn Độ). Việt Nam không chỉ cần nâng vị trí xếp hạng mà còn phải hoàn thiện các tiêu chí, nhất là nhân lực và môi trường kinh doanh để các công ty quốc tế đặt gia công nhiều hơn.
Dịch vụ gia công là của con người và do con người cung cấp, nếu con người chưa được đào tạo đầy đủ thì không thể gia công tốt. So sánh với Ấn Độ, nước có số dân gấp 20 lần Việt Nam và khá thành công trong việc gia công phần mềm, tính ra Việt Nam sẽ phải đào tạo 12.000 kỹ sư CNTT mỗi năm. Hiện nay, chúng ta đã đào tạo được gần 10.000 người, nhưng đó mới chỉ là số lượng, vấn đề mấu chốt là chất lượng, kỹ năng của những người được đào tạo. Ngoài ra, Ấn Độ có 350.000 người chuyên làm gia công cho nước ngoài, Việt Nam thì chưa có thống kê cụ thể.
Về cơ sở hạ tầng của CNTT - VT, trong thời gian qua, Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể, nhưng mới chỉ dừng ở thị trường cấp thấp, quy mô nhỏ, còn thị trường CNTT cao cấp, chuyên dụng thì chúng ta còn rất yếu, chưa tạo cơ sở cho việc gia công toàn cầu.
Gia công có là lựa chọn phù hợp cho Việt Nam?
Tại hội thảo, nhiều ý kiến không đồng tình với khuyến nghị của VNCI. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Liệu ngoài gia công, Việt Nam có nên theo đuổi chiến lược nào khác cho công nghiệp phần mềm? Bao giờ Việt Nam mới có sản phẩm phần mềm riêng nếu đi theo hướng này? Nếu đổ xô vào gia công phần mềm, nguồn nhân lực cho các lĩnh vực CNTT khác liệu có thiếu hụt?
Theo giải thích của ông Jay, Việt Nam không thể cạnh tranh được với các nước khác về mặt quy mô thị trường, nguồn nhân lực. Việt Nam cũng chưa có các công ty lớn trong lĩnh vực này để dẫn dắt thị trường, vì thế sẽ rất khó sản xuất những sản phẩm riêng đáp ứng được yêu cầu của thế giới. Hơn nữa, như đã nói ở trên, mô hình gia công toàn cầu đang phát triển nhanh, Việt Nam không thể đứng ngoài mà phải trở thành một mắt xích của mô hình đó. Trong tương lai, để tiết kiệm chi phí, các công ty lớn trên thế giới tất yếu vẫn phải đặt gia công ở các nước. Vấn đề là họ đặt gia công sản phẩm gì và ở đâu, Việt Nam nên nắm bắt cơ hội đó.
Ngoài ra, cũng không nên hiểu đơn giản rằng cứ làm phần mềm là phải có sản phẩm riêng, miễn là chúng ta có đóng góp trong một công đoạn làm nên phần mềm đó. Ông lấy ví dụ Việt Nam gia công phần mềm cho Motorola khi hãng này phát triển một thế hệ điện thoại di động mới và cần có phần mềm điều khiển cho loại điện thoại này. Lúc đó, không có nghĩa là phần mềm của Việt Nam trong máy của Motorola, nhưng khi phần mềm đó được Motorola sử dụng thì Việt Nam đã có sản phẩm rồi.
Những khuyến nghị của VNCI cũng rất phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp phần mềm của Việt Nam mà các cơ quan chủ quản đưa ra. Trong Chiến lược đột phá phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam từ nay đến năm 2010 do Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam VINASA soạn thảo, thị trường Nhật Bản là hướng đột phá chiến lược đầu tiên trong bốn chiến lược.
VINASA nhận định rằng: Trong ba thị trường phần mềm trọng yếu của thế giới là Mỹ, EU và Nhật Bản, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt nhất tại thị trường Nhật, có cơ hội chiếm vị trí quan trọng trong thị trường gia công, xuất khẩu phần mềm của Nhật Bản. Đồng thời, Nhật Bản có điều kiện thuận lợi để trở thành thị trường gia công xuất khẩu phần mềm lớn nhất của Việt Nam trong 5 năm tới. Doanh số gia công xuất khẩu phần mềm của Việt Nam sang Nhật có thể đạt 400 triệu USD vào năm 2010 và có khả năng vượt 1 tỷ USD vào năm 2013.
Theo đó, mục tiêu mà VINASA đưa ra là đến năm 2010, có 25.000 kỹ sư và lập trình viên đủ trình độ, hiểu văn hóa và biết tiếng Nhật để chuyên làm việc cho thị trường này; có 10 doanh nghiệp quy mô trên 500 lập trình viên và khoảng 800 doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung làm cho thị trường Nhật; có 1.000 chuyên gia, kỹ sư làm cầu nối hợp tác phần mềm Việt - Nhật; có 10 công ty phần mềm đạt mức CMM-5 (mức độ thuần thục cao nhất về sản xuất phần mềm được quốc tế công nhận), 50 công ty đạt mức CMM-4, 200 công ty có chứng chỉ ISO 9000.
Ba hướng đột phá chiến lược khác của VINASA đến năm 2010: - Phát triển Game Online : mục tiêu năm 2010 đạt doanh số 150 triệu USD, có hơn 10.000 chuyên gia phát triển các loại game; có 5 DN quy mô trên 200 lập trình viên và khoảng 150 DN vừa và nhỏ chuyên phát triển các loại trò chơi; Game online trong nước dần chiếm lĩnh thị trường trong nước. - Sản xuất phần mềm nhúng : đạt doanh số 150 triệu USD, xuất khẩu chiếm 90% doanh thu; có 10.000 chuyên gia về phần mềm nhúng; có 5 DN quy mô trên 500 lập trình viên và khoảng 100 DN vừa và nhỏ chuyên làm phần mềm nhúng. - Phát triển thị trường và các giải pháp quản lý doanh nghiệp ERP (Enterprise Resource Planning): đạt doanh số 60 triệu USD/năm, trong đó 50 triệu USD cho thị trường nội địa và 10 triệu USD cho xuất khẩu; đưa hệ thống ERP vào áp dụng cho 35% các DN lớn của Nhà nước và cho khoảng 15% DN cả nước; có 50 DN phần mềm làm tư vấn và cung cấp giải pháp ERP với 4.000 lập trình viên.
| Trong dự thảo lần thứ 2 Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam giai đoạn 2006-2010, Bộ Bưu chính - Viễn thông cũng đưa ra hai giải pháp chiến lược là: Phát triển nguồn nhân lực phần mềm đông đảo, chuyên nghiệp và Đẩy mạnh gia công xuất khẩu phần mềm cho thị trường nước ngoài . Từ hai giải pháp này, Bộ BC-VT đã chi tiết hóa bằng các biện pháp thực thi, để từ đó xây dựng các dự án cụ thể do một cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì với sự phối hợp của các cơ quan khác. Như vậy, gia công phần mềm cũng là một xu hướng quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam chú ý tới.
Việt Nam phải làm gì để xâm nhập thị trường gia công toàn cầu?
Về chiến lược để phát triển, ông Jay cho rằng, trước tiên, các công ty phần mềm Việt Nam nên phục vụ tốt thị trường và khách hàng hiện tại nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng cần thiết trong gia công phần mềm, tạo hành trang tối thiểu để tham gia gia công quốc tế. Trong quá trình này, cũng nên dự đoán xem thị trường sẽ đi đến đâu, theo hướng nào.
Tiếp theo, Việt Nam nên tham gia vào mô hình gia công toàn cầu mở rộng. Bên cạnh việc trực tiếp gia công cho các công ty ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản..., Việt Nam có thể nhận gia công lại hoặc gia công phụ cho các công ty của Ấn Độ, Trung Quốc. Thay vì tự làm, những công ty này thiết kế và đặt gia công những công đoạn đơn giản cho những nước khác. Sau đó, họ tích hợp lại để cho ra sản phẩm cuối cùng cung cấp cho khách hàng. Việt Nam nên phấn đấu trở thành địa điểm gia công cấp II tốt nhất cho những nước này để học tập kinh nghiệm từ họ.
Xa hơn nữa, bên cạnh các dịch vụ gia công phổ biến sẽ xuất hiện những dịch vụ gia công mới trong các ngành khác nhau. Nếu đi trước đón đầu, Việt Nam có thể là nước đầu tiên tiếp nhận được dịch vụ mới và nắm bắt được cơ hội nhanh hơn những nước khác, tạo cho mình lợi thế riêng để phát triển.
Thêm nữa, lợi thế về địa lý cũng rất quan trọng trong gia công phần mềm. Những nước gần Việt Nam như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản... sẽ có nhu cầu đặt gia công ở các nước khác. Thuận lợi của Việt Nam là gần về mặt địa lý, tương đồng về văn hóa, giúp các nước đó giảm chi phí trong quá trình gia công.
Ông Jay hy vọng, bằng những kinh nghiệm cần thiết trong khi gia công lại, đi tắt đón đầu trong việc gia công mới, các yếu tố thuận lợi về tự nhiên, văn hóa, nguồn nhân lực đáp ứng những kỹ năng cần thiết về chuyên ngành, CNTT và ngôn ngữ..., Việt Nam có thể trở thành một địa điểm gia công hấp dẫn trong khu vực và trên toàn cầu.
|