Papua: Lính tráng vẫn mù mờ về HIV/AIDS
Các Website khác - 13/12/2005

Ngoài yếu tố này ra, nhà hoạt động Robert Sihombing còn cho rằng, binh lính là lực lượng thường xuyên phải di chuyển, họ thường được điều từ thành phố tới các vùng xa xôi hoặc ngược lại. Hoàn cảnh đó là cái cớ khiến họ có nhiều bạn tình hơn.

Robert Sihombing đã từng điều trị 6 quân nhân TNI nhiễm HIV/AIDS, mỗi người từ 4 đến 6 tháng cho tới khi họ lần lượt tử vong trong khoảng từ năm 2002 đến đầu năm 2004. Ông nói: "Một số lượng lớn quân nhân được biết làm nhiệm vụ bảo vệ cho việc gái bán dâm, điều này đã đẩy họ vào môi trường có nguy cơ lây nhiễm virus HIV rất cao".

Theo ông Robert thì số binh lính này còn rất trẻ, tuổi đời chỉ từ 24 đến 28 và đều chưa lập gia đình.

Ông nói: "Vì đặc tính lưu động khá lớn giữa thành phố và các vùng xa xôi của nhóm đối tượng này mà họ có thể nhiễm phải virus tại những vùng hẻo lánh khi họ còn rất trẻ và có nhiều nhu cầu sinh lý. Hơn nữa, họ lại chẳng hề biết về nguy cơ lây nhiễm virus HIV".

Theo ông Robert, tại thời điểm bấy giờ chưa có sẵn thuốc kháng virus trong điều trị. Những quân nhân ấy chỉ được dùng các loại thuốc chữa trị bệnh có liên quan tới AIDS mà thôi.

Ông nói thêm: "Sáu người lính đó đã phải chịu đựng sự suy sụp trầm trọng vì họ bị đồng đội gạt ra ngoài lề. Nhưng ai đến thăm họ, nếu có ai đó đến thì cũng chỉ là một người đại diện từ đơn vị tới để thông báo việc kéo dài thời gian nghỉ ốm của họ".

Theo Robert, những người lính hiểu biết rất ít về HIV/AIDS và không hề nghĩ tới những hiểm nguy tiềm ẩn khi quan hệ tình dục.

Trong khi đó bất cứ ai cũng có thể lây nhiễm HIV/AIDS, cả những người lính và người dân thường nói chung nếu họ dính vào các hoạt động tình dục có nguy cơ cao như thường xuyên thay đổi bạn tình và không dùng bao cao su.

Cho tới nay quân đội TNI mới chỉ làm việc với các tổ chức phi chính phủ ở mức tư vấn mà chưa có triển khai điều trị cho quan nhân nhiễm bệnh.

Sáu người lính xấu số nói trên chỉ được phát hiện nhiễm HIV/AIDS sau khi có kết quả xét nghiệm máu lúc họ bị ốm. Một trong sáu người đã chết tại bệnh viện thành phố Dok II ở Jayapura trong khi 5 người kia chết tại nhà.

Ông Robert khuyến nghị việc nên giáo dục quân nhân các kiến thức về HIV/AIDS trước khi điều họ tới Papua để phòng ngừa khả năng lây nhiễm. Ông nói: "Họ cần được cấp bao cao su, đó không phải để khuyến khích họ dính vào chuyện lăng nhăng mà cái chính là vì khía cạnh an toàn của bao cao su".

Tuy nhiên, ông Viktor Tobing, chỉ huy lực lượng quân sự ở Jayapura lại phủ nhận việc quân lính TNI ở Papua không được thông tin đầy đủ về HIV/AIDS. Ông nói: "Binh lính và gia đình họ cho tới nay luôn được tuyên truyền về HIV/AIDS thông qua các khóa học đào tạo và tư vấn".

Theo ông Viktor, quan điểm, thái độ với đại dịch HIV/AIDS phụ thuộc vào mỗi cá nhân. Ông nói: "Ngay cả khi họ được thông tin đầy đủ về tính nguy hiểm của đại dịch mà họ không biết cách tự kiềm chế bản thân thì họ vẫn có thể nhiễm bệnh. Tất cả ở đây đều phụ thuộc vào con người".

Cả ông Robert và ông Viktor đều đưa ra thông tin về việc từ năm 2000 đến nay đã có 48 quân nhân thuộc lực lượng quân đội Papua nhiễm HIV/AIDS, 12 người trong số này đã chết.

Jefriando, một quân nhân tại ngũ cho biết, bất cứ khi nào phải xa gia đình tới các vùng hẻo lánh xa xôi và không được gần gũi vợ trong một thời gian dài anh thường xuyên phải kiềm chế nhu cầu tình dục của mình. Anh thú nhận: "Khi không chịu đựng được tôi sẽ dùng bao cao su. Nhưng nếu không có bao cao su, tôi sẽ chỉ thủ dâm mà thôi".

Đỗ Dương theo http://www.thejakartapost.com