Chuyện ở đảo "Nghiện' Quảng Ninh
Các Website khác - 24/03/2004

(VietNamNet) - Dân Quảng Ninh gọi Vạn Cảnh là đảo "Cai Nghiện". Hòn đảo rộng 1921 ha này là nơi cưu mang 100 con nghiện đến từ Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Tây... 38 cán bộ, bác sĩ của Trung tâm Vạn Cảnh đang cố gắng giúp họ dứt khỏi "nàng tiên nâu" mong một ngày trở về đất liền cùng gia đình và cộng đồng xã hội... 

Đảo Vạn Cảnh không muốn có tên là Đảo Nghiện.

"Bố Trạc" ở "Đảo nghiện"...

Các học viên ở trung tâm cai nghiện Vạn Cảnh đều gọi bác sỹ, Giám đốc trung tâm Phạm Văn Trạc là “Bố Trạc”. Chúng tôi gọi ông là “Chúa đảo”, bởi ông là GĐ đầu tiên khi Trung tâm chuyển ra đảo (11/1998). Nay đã 6 năm trôi qua, ông vẫn gắn bó với đảo. Ông là người cao tuổi nhất trong khoảng gần 140 con người ở đây, kể cả học viên và cán bộ trung tâm.

Phòng ở của các học viên khang trang, sạch đẹp chẳng khác gì những hộ gia đình thu nhỏ trên đất liền. Phòng nào cũng có ban thờ, bàn ghế uống nước, đài, tranh ảnh của những người mẫu. "Tất cả đều do anh em học viên tự làm đó”, "Chúa đảo" khoe. Học viên tiếp chúng tôi cởi mở, thân tình. "Chúa đảo" cũng xuề xoà gần gũi, hỏi han công việc trong ngày của học viên. Ai ốm, ai buồn, ai mới cắt cơn còn vật vã, ông an ủi động viên như người cha chăm lo, săn sóc các con. Ông bảo: “Mình phải hoà đồng gần gũi các cháu để chúng không tự ti, mặc cảm, và tạo cho các cháu không khí ấm áp thân thiện như ở gia đình”.

Nhiều học viên nói: “Ở Trung tâm chúng em được ăn ở rất tốt! Các anh, các chú ở đây, đặc biệt là bố Trạc luôn chăm lo cho bọn em, đứa nào cũng được bố Trạc an ủi ít nhiều...”.

Những mảnh đời bị “đánh cắp”

Chúa đảo cùng các học viên.

Tất cả 100 học viên ở Trung tâm cai nghiện Vạn Cảnh đều được sinh ra và lớn lên trong những gia đình khá giả. Nhiều người có bố mẹ là cán bộ cấp cao. Họ có đặc điểm chung: còn khá trẻ và nghiện. Người trẻ nhất năm nay mới 19 tuổi, nhiều tuổi nhất cũng chỉ 42.

Hàng năm con số học viên ra đây cai nghiện cứ tăng lên. Năm 1999 đón 127. Năm 2000 đón 141 người. Năm 2001 lên tới 150 người. Trung tâm có 20 phòng ở, 5 phòng cắt cơn nghiện. “Sao các năm trước tăng mà năm nay lại giảm?”, chúng tôi hỏi. "Chúa đảo" giải thích: “Chủ trương của lãnh đạo Tỉnh và Sở là tạm dừng nhận người cai nghiện tự nguyện. Sắp tới khi hai dãy nhà này xây dựng xong sẽ áp dụng hình thức cai nghiện cưỡng chế. Con số sẽ tăng lên hơn 300 người. Khi đó trung tâm sẽ đứng trước nhiều khó khắn, thử thách”.

“Ban đầu các cháu chưa quen sống ở đảo, mỗi khi lên cơn là đập phá, đe dọa cán bộ. Có cháu còn bỏ trốn, mỗi năm có đến 30, 40 lượt. Đặc biệt, năm 2000 có 17 cháu quậy phá, bắt trói 2 cán bộ bảo vệ rồi bỏ trốn, được vài ngày lẩn khuất trong rừng cuối cùng các cháu lại quay về. Đấy là mấy năm trước còn bây giờ thì hết rồi” "Chúa đảo" nói.. Tôi hỏi “Khi điều trị cắt cơn cho học viên mà trong đó nhiều học viên bị nhiễm HIV, có cán bộ trung tâm nào phải chịu rủi ro không?”. “Có 2 trường hợp nhưng chúng tôi xử lý khâu bội nhiễm tốt nên không đồng chí nào bị dính cả”.

Trong số người tôi gặp, trẻ nhất là L.T.K nhà ở Móng Cái, năm nay em mới 19 tuổi nhưng tính thâm niên nghiện thì bất cứ ai cũng phải kính nể. K kể: “Em bắt đầu hút năm 15 tuổi đến giờ”. Tôi hỏi: “Em đã cai nghiện ở đâu chưa?”. “Em có đi cai ở một số nơi rồi. Nhưng cứ cai về là lại tái nghiện. Mấy tháng trước em mới quyết định ra đây”. “Liệu lần này về có bỏ được không?”. K cười “em cũng không biết được nhưng lần này em sẽ cố gắng hết sức. Em sẽ đi học một nghề nào đó, chứ em đã có nghề gì đâu”.

Người già nhất trong số học viên ở đây là anh L.H.L nhà ở Cẩm Phả, năm nay anh đã 42 tuổi, có vợ và một con. Anh mắc nghiện đã mười năm. L đen, cao gầy, đôi mắt thâm quầng. Hỏi chuyện, cũng xởi lởi: “Anh cứ hỏi "tẹt tèn ten", tôi biết đến đâu sẽ trả lời đến đó”. Rồi anh kể cho tôi nghe về những năm tháng nghiện ngập của mình, ở thị xã Cẩm Phả chỗ nhà anh nhiều người nghiện lắm. Trước đây anh làm than có nhiều tiền, bạn bè rủ rê thế là đi hút rồi nghiện lúc nào không hay. Mỗi lần làm than xong, nghỉ ngơi anh em lấy thuốc ra hút chích ngay tại rừng chẳng có ai biết cả. Anh tâm sự “Bây giờ mình không còn trẻ trung gì nữa muốn cai dứt điểm để về với vợ con, còn làm ăn xây dựng lại cuộc đời chứ anh”. Tôi hỏi: “Về gặp lại bạn bè thì tránh sao được?”. Anh trả lời “Cũng phải cố thôi. Nghiện thế này khổ lắm rồi, không những mình khổ mà còn kéo bao người khổ theo”.

Còn V.V.H nhà cũng ở Móng Cái. Năm nay 23 tuổi, có thâm niên nghiện đã 5, 6 năm nay. H tâm sự: “Mỗi ngày, bình quân 2 anh em đốt hết triệu bạc”. Tôi giật mình nhẩm tính vậy một tháng 2 anh em H đi đứt 30 triệu, một năm... Ôi! Đồ đạc nhà H chắc phải "đội nón ra đi" khá nhiều.

Trung tâm chia làm nhiều lớp nhỏ, mỗi lớp làm một công việc khác nhau, lớp làm chuồng bò, lớp trồng cây, lớp lái xe chở hàng như một xã hội thu nhỏ. Giá như những học viên này sau khi cai nghiện trở về đất liền lại tiếp tục hăng say lao động rồi từ bỏ hẳn con đường nghiện hút thì tốt biết bao nhiêu! Ôi giá như..!

“Chúa đảo” Phạm Văn Trạc vẫn băn khoăn khi chia tay chúng tôi: “Muốn làm tốt khâu tái hoà nhập cộng đồng cho những người cai nghiện không chỉ là nỗ lực của riêng bản thân họ, càng không chỉ một ngành lao động thương binh xã hội, mà muốn làm được, cả xã hội phải sát cánh cùng nhau mới được, đất liền là hậu phương mà. Chứ không 'thuốc thầy trả lại thầy' và rồi chúng ta lại phải làm công tác tái nghiện cho họ mà thôi! Như vậy cái vòng quay khứ hồi đó đến bao giờ mới kết thúc?”.

  • Việt Cường - Vũ Uý