Campuchia "nhọc nhằn" chống mại dâm và AIDS
Các Website khác - 29/11/2003

Campuchia "nhọc nhằn" chống mại dâm và AIDS
Đào Thanh Huyền (từ Phom Penh, Campuchia)

Anh lính giải ngũ này bị nhiễm HIV
do chơi bời và truyền sang vợ mình.
Anh đang ở giai đoạn cuối của bệnh
AIDS.

Campuchia hiện là nước Châu Á bị HIV ảnh hưởng nhiều nhất. Nếu ca dương tính đầu tiên được phát hiện năm 1991 thì đến cuối năm 2002, đã có 160.000 người nhiễm. Đường lây truyền chính của đại dịch thế kỷ ở Campuchia là mại dâm.


"Chồng ơi", "Mình đấy à", "Anh ơi" - ông Keth Tharith, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ "Y tế Hy vọng Campuchia", vẫy mỏi tay mà chẳng kịp gạt hết những lời trêu chọc vọng ra từ hàng chục nhà tranh vách đất lúp xúp bên một con đường bụi mù cách trung tâm Phnom Penh chưa đầy 5km. Các cô gái phải bán mình ở đây ngày càng trẻ và càng đông hơn. Tất cả đều chung một lý lịch: Mù chữ, nhà nghèo, đông anh em, xa quê mong kiếm việc trong những nhà máy may mặc hay sản xuất bia ở ngoại ô thủ đô. Tất cả đều kết thúc giấc mơ đổi đời trong khu phố tồi tàn này. "Chính quyền sở tại đã dẹp nhiều lần, tạm yên được vài ngày, vài tuần, rồi đâu lại vào đấy". Keth Tharith thở dài: "Chúng tôi mong xây được trung tâm dạy nghề, giúp các em có chút vốn làm ăn và về quê. Nhưng lực bất tòng tâm".

Mại dâm là nguyên nhân hàng đầu
M phủi vội bụi trên tấm ván gỗ sơ sài đặt trước nhà thay cho phòng khách. Gương mặt thoắt già thoắt trẻ biểu lộ nỗi chán chường. 28 tuổi, con gái thứ ba trong gia đình sáu anh chị em, cô đã sống tại khu phố "những bông hoa nhỏ" này ba năm. Hàng tháng cô gửi tiền về cho cha mẹ ở Kampong Cham. Họ vẫn tưởng M là công nhân một nhà máy ven đô của Phnom Penh chứ không thể ngờ con mình ngày ngày phải tiếp từ 2 đến 8 khách trong căn nhà tối tăm thuê chung với hai "bạn nghề" nữa. "5.000 riên (khoảng 20.000 đồng) một lượt. Khách đủ loại: Cảnh sát, công nhân, lính, cả vài cậu sinh viên ở mấy trường đại học gần đây nữa", giọng M vô cảm. Keth Tharith vỗ vỗ lên vai cô, tiếng đục hẳn: "Chúng tôi cứ ra rả suốt về các bệnh lây qua đường tình dục, về HIV và AIDS, mong các em không nhiễm".

Mại dâm là nguyên nhân hàng đầu của đại dịch HIV/AIDS ở Campuchia. Đầu những năm 1990, cùng với sự có mặt của trên 25.000 lính quốc tế trong "đội quân hoà bình" của Liên Hợp Quốc, cơn lũ mại dâm ngập tràn các thành phố. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đất nước chùa Tháp 12 triệu dân này hiện là quốc gia ngoài Châu Phi bị AIDS tàn phá nặng nề nhất trên thế giới. Năm 2003, Campuchia có 200.000 dân chung sống với HIV/AIDS trong đó chỉ riêng ở Phnom Penh đã có 40.000 người.

Từ năm 1997 đến nay, Chính phủ Campuchia và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước liên tiếp nhân rộng các chiến dịch tuyên truyền cảnh báo về đại dịch, trong đó "100% condom (bao caosu)" đã đạt nhiều thành công. Năm ngoái, cũng vào dịp Ngày quốc tế chống AIDS 1.12, Campuchia đã được UNAIDS, tổ chức của LHQ đặc trách về AIDS dẫn ra như một điển hình trong việc phòng chống bệnh dịch.

Nỗ lực như... muối bỏ bể
Keth Tharith vẫn chẳng lạc quan hơn: "Nó" nhanh kinh khủng, những gì tất cả chúng tôi làm được đến giờ mới chỉ như lấy tay tát nước cho đỡ bị chìm. Tay có nắm chặt đến đâu cũng không ngăn nổi nước trôi qua kẽ". Mỗi ngày, hàng ngàn tình nguyện viên như những người trong tổ chức của ông toả đi khắp Phnom Penh và ngoại vi phát tờ rơi và bao caosu, nói chuyện và chỉ dẫn cho người dân biết cách phòng chống.

Tầng một của trụ sở "Y tế Hy vọng Campuchia" ở trung tâm thủ đô được biến thành nơi khám bệnh, phát thuốc cho tất cả những ai có nhu cầu. Khoảng chục cô gái còn rất trẻ đang ngồi chờ trên hai băng ghế. Họ tránh nhìn những bức ảnh minh hoạ về các bệnh lây qua đường tình dục dán trên tường. Cùng trong đồng phục áo trắng ngà và quần xanh nhạt, cô nào cũng khư khư trong tay một túi nilông đen. Một phụ nữ cỡ 45 tuổi đeo đầy vàng đon đả: "Các cô này đang chờ giấy chứng nhận sức khoẻ để qua Malaysia làm việc. Công ty của tôi có quan hệ với nhiều đối tác lắm, cả ở TPHCM nữa." (!!??). K vụng về mở túi nilông sau khi bà kia hất hàm đồng ý. "Có thuốc kháng sinh, thuốc đau đầu và bao caosu". "Em có biết về cách phòng chống bệnh AIDS không?". K liệt kê như cái máy: "Không quan hệ với nhiều người, phải dùng bao caosu, bệnh có thể lây qua máu, từ mẹ qua con...". "Em sẽ làm gì ở Malaysia?", bà nạ dòng tranh lời: "Home maid" (người giúp việc). Bao nhiêu trong số họ có nguy cơ sẽ dạt đến một khu "bông hoa nhỏ" đâu đó ở Kuala Lumpur ? Keth Tharith lại thở dài. Không có câu trả lời.