|
Khu vực "định cư" của Tủa và Lầu giữa hai ngôi mộ |
"Trích ngang" hai con nghiện điển hình
Cuối năm 1985, tại bản Hua Sa (xã Toả Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu), có một đám cưới được tổ chức theo đúng tập quán người Mông. Bà con trong bản ngoài mường cùng nhấp chung chén rượu hợp hôn, mừng cho chú rể "con con" Lầu A Tủa 17 tuổi, đẹp duyên với cô dâu cũng "con con" là Mùa Thị Sầu 16 tuổi. Hơn 10 năm sau, cái hạnh phúc "trẻ em lấy trẻ em" ấy đã liên tiếp cho ra đời vừa vặn một chục trẻ em. Nhưng rồi đói khát, bệnh tật, cùng những hủ tục lạc hậu đã lần lượt cướp đi mạng sống của 6 đứa nhỏ, chỉ còn 4 đứa là "hữu sinh hữu dưỡng". Dường như ngần ấy khổ đau chưa đủ làm vợ mình gục xuống, nên Tủa tìm đến bàn đèn thuốc phiện và rất nhanh chóng, hắn trở thành một con nghiện vào loại "còn cơn say đem bán nốt cho trời". Gia sản vốn dĩ đã chẳng có gì đáng giá 100 nghìn đồng, giờ chị Sầu càng sầu hơn bởi phải nuôi báo cô thêm một ông nghiện suốt ngày chỉ biết nốc rượu tì tì rồi hạch hỏi: "Tiền đâu?". Ăn đói mặc rách, chịu đựng sự đánh đập, làm lụng đầu tắt mặt tối... chị Sầu nghiến răng chấp nhận hết. Tuy nhiên, chấp nhận hết không có nghĩa là chấp nhận mãi, vì vậy đến một ngày kia "con giun xéo mãi cũng quằn"...
Bỏ lại 1 người vợ nghèo, 4 đứa con dại và 6 nấm đất hoang, tháng 5.2000, Lầu A Tủa ôm bộ bàn đèn xuôi Pha Đin về "định cư" tại nghĩa địa Tuần Giáo. Sau mấy vòng lượn quanh nghĩa địa, Tủa lấy làm hài lòng và quyết định chọn ngôi mộ đôi của ông Woòng Hao Ky và bà Lý Thị Ơn, làm "căn hộ" cho mình. Tủa kể: "Lúc đầu cũng rờn rợn, chỉ dám nằm ké ở mãi góc sân bên ngoài. Nhưng những hôm mưa gió rét mướt không chịu nổi, đành đánh bạo chui vào trong mái vòm nơi để bát hương và di ảnh người chết". Vậy là, giữa những người chết thật, kể từ đây nghĩa địa Tuần Giáo có thêm một kẻ "chết dở".
|
Lầu A Tủa (đang nằm hút) và Giàng A Lầu trong bộ quần nọ, áo kia tại ngôi mộ |
Cùng về tá túc qua ngày đoạn tháng ở nghĩa địa Tuần Giáo, còn có một "con ma người" nữa tên là Giàng A Lầu, 41 tuổi, dân tộc Mông, quê quán bản Huổi Anh, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo. Thời trai trẻ, Lầu là một thanh niên khoẻ mạnh và chăm chỉ, được cả bản yêu mến. Tiếng khèn của Lầu từng làm mềm yếu con tim của biết bao cô gái trong bản, và chính tiếng khèn ấy đã đưa một sơn nữ má hồng về làm dâu nhà họ Giàng sau này. Giữa lúc cuộc sống đang yên ả trôi đi, không biết ma xui quỷ khiến thế nào mà một tai hoạ bất ngờ giáng xuống cái gia đình "1+1=7". Giàng A Lầu trở thành một con nghiện, một con nghiện có thể nằm bẹp cả ngày bên bàn đèn và hút bao nhiêu cũng không đủ độ. Có điều, nếu vợ Tủa là người phụ nữ nhu nhược, trước sau chỉ âm thầm cam chịu; thì ngược lại, vợ Lầu là người phụ nữ cứng rắn, biết cách thay đổi hoàn cảnh sống. Một chiều nọ, Lầu bị tống ra khỏi nhà cùng với bộ bàn đèn hôi hám, kèm theo là một cơn nghiện kinh niên kéo dài đã 8 năm ròng. Thời gian đầu bị buộc phải "bán xới" khỏi chính cái tổ ấm của mình, Giàng A Lầu sống chui rúc nay đây mai đó, đâu cũng là nhà và đâu cũng là giường. Và rồi, Lầu được Tủa đón nhận vô điều kiện, để rồi từ đó chúng sống với nhau như một cặp đồng tính luyến... thuốc phiện(!).
Vật vã cuộc sinh tồn
Thấm thoắt đã gần 3 mùa cây anh túc ra hoa rồi cây anh túc lặng lẽ làm nhựa, Tủa và Lầu cùng nhau sống dặt dẹo ở nơi âm khí lạnh lẽo này. Tài sản của mỗi con nghiện là một vật bất ly thân theo nghĩa đen, đó là bộ quần áo duy nhất mặc ở trên người; và một vật bất ly thân theo nghĩa bóng, đó là bộ bàn đèn dơ dáy. Tuy mỗi con nghiện chỉ có độc một bộ quần áo nhưng chúng lại có "sáng kiến" mặc đổi nhau, lúc bộ xanh, lúc bộ nâu, lúc quần nâu áo xanh, lúc quần xanh áo nâu, thành ra mỗi người có tới... 4 bộ cánh diện đều. Ngày này qua tháng khác, chúng lên rừng chặt củi mang xuống thị trấn Tuần Giáo bán, được 5-10 nghìn đồng/công. Hôm nào kiếm được ít thì mua cái bánh mì 1 nghìn đồng, hôm kiếm được nhiều thì "chơi" sang hơn, mua hẳn gói mì tôm 1 nghìn rưỡi, đó là khẩu phần lương thực tối đa một ngày cho cái dạ dày quanh năm lép kẹp. Phải hôm mưa gió không lấy được củi hoặc củi ướt bán không ai mua, cầm bằng như nhịn đói nằm suông, ăn rau má và uống nước lã trừ bữa là chuyện thường tình. Mỗi lần thị trấn có đám ma, ấy là lúc Tủa và Lầu múa tay trong bị. Sau khi mồ yên mả đẹp, theo tập quán, người ta để lại bát cơm và quả trứng trên mộ phần. Những người đưa đám ra về, lúc tiếng khóc thương ai oán vẫn còn văng vẳng dưới chân đồi, thì bát cơm quả trứng đã nằm gọn trong 2 cái bao tử còm của 2 "con ma sống". Tủa khoe: "Dịp Tết vừa rồi, chúng em suốt ngày rượu thịt, chỉ khổ nỗi đói thuốc thôi. Giá như tiền âm phủ cũng tiêu được thì tốt quá". "Ở đâu ra mà suốt ngày rượu thịt?". Dừng tay tiêm thuốc, Tủa cười hỉ hả: "Bác tính, gia đình nào chả tảo mộ ngày xuân. Hàng trăm cái mả thế này mà chỉ có 2 thằng em đánh chén. Riêng khoản rượu, chúng em đủ xả láng đôi ba tuần nữa. Mà này, bác có tợp một ly cho ấm bụng không?". Tôi nhìn kỹ, quả thực Tủa cũng như Lầu, cả hai cái mặt đều đầy đặn hơn nhiều so với lần "tương diện" vài tháng trước đây. Những lúc ốm đau, tính mạng các con nghiện như nghìn cân treo trên... tà khí. Nếu váng sốt qua loa thì thôi, "khắc ốm khắc khỏi" - Lầu bảo vậy. Trường hợp lâm trọng bệnh, nhờ bạn nghiện thổi cho mỗi ngày vài chục hơi khói thuốc phiện vào mồm, vào mũi rồi đắp mảnh bao tải nằm co ro chờ cho... "thần chết" buông tha.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến thời điểm đầu năm 2003, trên địa bàn huyện Tuần Giáo có tất cả 1.230 con nghiện nằm trong diện quản lý được, thuộc nhiều thành phần xã hội, từ lứa tuổi "vắt mũi chưa sạch" đến cả bậc "thất thập cổ lai hy". Chỉ cần con số tượng trưng kiểu "be bé xinh xinh" thế thôi, thì Tuần Giáo cũng đã tự ghi tên mình vào chức "á quân" so với 12 huyện, thị trong tỉnh, về tình trạng sử dụng ma tuý. Để làm nên vị trí "á quân" này, lẽ đương nhiên nghĩa địa Tuần Giáo đã đóng góp một phần đáng kể, đưa nạn hút chích trở thành "một phần của cuộc sống đương đại" huyện nhà(!).
Không có vốn để buôn ma tuý, nhưng bù lại, Tủa và Lầu đã nghĩ ra một cách kiếm tiền thật đơn giản, đó là việc cho hút thuê bàn đèn. Điều cần cảnh báo là cho tới nay, con nghiện nơi đây không chỉ hút mà còn chích, không chỉ chích thuốc mà còn... chích nhau. Bà B.T.P - một người dân nhà ở gần nghĩa địa và thường xuyên chăn trâu trong nghĩa địa - kể: Tôi không biết tên nhưng mặt thì tôi nhớ rõ mồn một. Có khoảng 4-5 con "ma cô" mắt xanh mỏ đỏ rất hay lên đây, sáng tiêm chích, tối mại dâm. Tôi hỏi: "Thế không ai làm gì chúng nó à?". "Có chứ, công an họ săn như săn giặc. Nhưng bao la rậm rạp thế nên công an đuổi chỗ này chúng nó rúc chỗ kia, sức đâu mà đuổi mãi. Mấy lại, có thân thì giữ, cho lũ chúng nó "ết" hết đi!". Câu nói có phần nhẫn tâm của người đàn bà quê kệch, bất giác làm tôi rùng mình nghĩ đến đại dịch HIV/AIDS đang lên "như diều gặp gió" ở Lai Châu nói chung và Tuần Giáo nói riêng.
Kỳ sau: AIDS không phải là... "ết"