Hai đứa trẻ làng Châu Hiệp
Các Website khác - 06/12/2002
Hai đứa trẻ làng Châu Hiệp


Đó là hai đứa trẻ bị mắt căn bệnh thế kỷ, đã mất cả cha lẫn mẹ. Đau đớn hơn, vì sự kỳ thị của xã hội, chúng mất quyền đến trường, mất hết bạn bè, mất cả những lần theo bà đến quán bún đầu làng ăn sáng... Nhưng, chúng vẫn còn bà, còn cô giáo làng quan tâm săn sóc, dạy dỗ. Có điều, ở làng quê bình yên, êm đềm tiếng thoi đưa như làng Châu Hiệp (Duy Xuyên, Quảng Nam), sự quan tâm như thế vẫn còn quá ít ỏi...

Hoài Nam nghĩa là nhớ về phương Nam, đó là nỗi thương nhớ cháy lòng của người cô phụ chờ chồng được đặt vào tên con trẻ. Nhưng trớ trêu thay, ngày trở về của người cha lại là điểm bắt đầu của một chuỗi bi kịch, bi thương đến độ, có thể người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó lòng nghĩ ra được, trong không gian của một làng quê bình yên, êm đềm tiếng thoi đưa như làng Châu Hiệp, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).

Không một phút nào rời xa em.
Sóng sau luỹ tre làng
Sông Thu Bồn gặp Vu Gia ở Giao Thuỷ, trên đường xuôi về cửa Đại đã rẽ sang phía bắc một nhánh nhỏ như dải lụa đào ôm gọn làng Châu Hiệp. Phù sa từ con sông, ngàn đời bồi đắp nên những nương dâu xanh mướt của làng. Và có lẽ cuộc sống trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa của Châu Hiệp cứ phẳng lặng trôi như dòng sông nhỏ nếu không có một ngày, bỗng dưng trai gái làng cứ rùng rùng hành phương Nam tìm kiếm tương lai. Trong số này có cô gái trẻ Huỳnh Thị Hồng. Vào TP.Hồ Chí Minh không bao lâu, cùng cảnh đồng hương, Hồng gặp một thanh niên quê Hội An và một mâm trầu, hai chai rượu đã nối kết cuộc đời hai công nhân trẻ. Kết quả của cuộc tình ly hương là hai cháu Nguyễn Huỳnh Như Phương và Nguyễn Huỳnh Hoài Nam lần lượt chào đời được mẹ đưa về quê cùng sống với bà ngoại. Rồi một ngày đầu năm 1999, gia đình mừng tủi đón anh trở về. Cứ nghĩ một ngày vui sum họp mà lòng rộn ràng, nhưng chị không hề ngờ rằng, từ lâu trong anh đã mang căn bệnh thế kỷ. Mãi đến ngày anh im lặng về Hội An điều trị căn bệnh ho kéo dài rồi không trở lại, sau đó bệnh viện yêu cầu cả ba mẹ con cùng sang để xét nghiệm thì mới hay tin sét đánh, anh đã truyền cho cả mẹ lẫn con căn bệnh AIDS tự bao giờ. Vài tháng sau, anh ra đi trước, chị theo sau để lại Phương lúc này 5 tuổi và Nam 3 tuổi côi cút bên bà ngoại đã ngoài 60.

Chúng tôi về làng Châu Hiệp. Đường xa, ngoắt ngoéo nhưng đến nhà Phương, Nam không khó tìm chút nào. Từ thị trấn Nam Phước, cách đó đến vài cây số, nhưng hầu như không ai không biết "ngôi nhà sida". Dẫn đường cho chúng tôi là ba cán bộ trẻ của Huyện đoàn và Hội Chữ thập Đỏ huyện. Cả ba cán bộ đều đã đến đây nhiều lần. Đi trên đường, người làng biết ngay đưa khách vào thăm Phương và Nam. Ai cũng chia sẻ bằng một cái tặc lưỡi "tội nghiệp..." nhưng tuyệt nhiên không ai có ý định cùng chúng tôi vào nhà. Cũng dễ hiểu thôi, ở một làng quê trù phú và êm đềm như vậy thì chuyện cả một gia đình mắc phải căn bệnh lây nhiễm mà y học thế giới đang bó tay giống một làn sóng dữ truyền xa và đọng lại mãi trong tâm thức sợ hãi của họ. Ngay sau hôm chôn cất mẹ xong, lớp học của Phương cứ ngày vắng hẳn, cả làng nói thẳng, không ai muốn cho con mình đến trường học cùng em. Ngay cả khi em nhớ bạn đến nhà chơi cũng bị đuổi về. Chịu đựng được mấy hôm, các thầy cô giáo nhà trường đành "cắn răng" bảo bà ngoại cháu "đừng đưa Phương đến trường nữa". Dường như em cũng hiểu ra điều gì đó nên im lặng không đòi bà ngoại dẫn đi học như mọi hôm. Bà kể: "Đến như quán bún đầu làng tôi thường dẫn các cháu ra ăn, gần như không ai còn muốn lui tới. Cô bán quán phải năn nỉ: "Bà ơi, đừng dẫn cháu đến đây nữa, mua về nhà mà ăn". Trong căn nhà nhỏ, trống trải vừa được Chương trình AIDS trên quốc lộ 1 A giúp đỡ xây dựng hôm tháng 8.2002, ba bà cháu ngồi tỉ mẩn sắp những mẫu ghép hình. Không biết có phải nhớ trường, nhớ bạn không mà Phương tháo ra, lắp vào, bày cho em trai sắp mãi những ngôi nhà dài, từng ô dọc theo chân tường. Trên bàn thờ, di ảnh chị Hồng buồn bã im lìm nhìn xuống hai con trẻ. Trước khi chị mất, đã có lần chị mua thuốc chuột về để ba mẹ con "cùng đi" không thì sợ hai cháu rồi sẽ côi cút, bơ vơ.

Cô giáo Châu và Phương, Nam trong giờ học.
Bàn tay đưa về phía các em
Có lẽ hạnh phúc duy nhất và cuối cùng mà cuộc đời ban tặng cho Phương, Nam đó là cô giáo Phan Thị Quỳnh Châu. Sau ngày Phương không đến trường nữa, cô Châu tự nguyện đến với các em không chỉ trong vai trò của người thầy mà còn thay thế cả vai trò người mẹ hai cháụ. Bà ngoại Phương kể: "Cô Châu tốt lắm. Hàng ngày cô vẫn nấu nước muối tắm rửa cho chúng, rồi mỗi tháng cô xuống Hội An để nhận tiền trợ cấp cho hai cháu... ". Bà kể xong câu chuyện thì đồng hồ cũng vừa điểm 12 giờ trưa. Đó là giờ từ Trường cấp II Nguyễn Thành Hãn cách đó non cây số, cô về thẳng nhà Phương và Nam. Thấy bóng cô ngoài ngõ cả Phương và Nam đều mừng rỡ, ngây thơ khoe với cô "chị Châu ơi, có mấy chú tới quay phim bọn con". Gặp cô, có lẽ đó là ngạc nhiên lớn nhất mà trong đời làm báo chúng tôi gặp. Chỉ mới 23 tuổi, chưa lập gia đình, cô giáo còn quá trẻ để dám bước qua sự sợ hãi và rào cản dư luận trong làng mà đến với các cháu. Châu nói thiệt lòng: " Ban đầu cũng sợ nhưng rồi thương hoàn cảnh Phương với Nam quá nên bây giờ em cũng không nghĩ đến chuyện đó nhiều lắm. Kể cả chồng sắp cưới của em cũng vậy, anh cũng chở cháu đi chơi khắp nơi". Rồi cô kể, tuy mới ít tuổi nhưng trong tâm thức, dường như cháu Phương đã nhận biết điều gì đó khủng khiếp về tương lai của hai chị em. Sau ngày mẹ mất, từ lúc ăn đến khi ngủ, Phương không hề rời cu Nam một bước. Đi đâu cũng nắm chặt tay và đưa em đi cùng. Có hôm đang dạy tập đọc, đột ngột nó bỏ sách bảo, cô Châu dạy chữ mà không dạy hát, dạy múa cho con. Bởi vậy cứ nhiều hôm hai chị em dắt nhau đến trường đầu làng đứng ngoài ngó vô các bạn học. Có hôm trong đó giờ học hát, ngoài này cháu cũng hát theo, múa cháu cũng múa theo, nhưng không bao giờ bước qua khỏi cổng trường. Nam cũng vậy, không một giây nào rời xa chị. Có một thói quen từ hai năm qua là chiều chiều hai chị em hay sang nhà, trên tay cầm nắm hương, bảo cha tôi dẫn đi lùa bò. Đó là thời gian hai chị em vui vẻ lắm vì được chạy chơi trong không gian rộng rãi của cánh đồng làng và cũng để thắp hương cho mẹ. Có hôm Nam bảo, mẹ con đâu cô? Con nhớ mẹ lắm. Cho nên dù có bận bao nhiêu việc em cũng thu xếp mỗi ngày qua nhà dạy học và lo cho hai cháu.

Nếu tính cả thời gian trong bào thai thì cả Phương và Nam mang virus HIV bằng số tuổi của mình (8 và 5 tuổi). Anh Công, Hội Chữ thập Đỏ cùng đi cho biết, hai cháu đang có biểu hiện xuống cân. Phương thì nặng hơn. Có hôm em ngồi chơi mà máu cam, máu hậu môn ra lênh láng, đôi lúc trái gió trở trời, trong họng mọc mụn đau lắm nhưng em vẫn cố ăn, cố nhịn tiếng rên để dỗ dành em. Có tối đau nhiều em khóc, nhưng ở đây, với khả năng một địa phương cấp huyện chúng tôi chưa thể làm được gì nhiều cho các cháu. Biết sự ghẻ lạnh của cộng đồng, nhưng cũng đành chịu, bởi chuyện đó ngoài tầm tay của những chương trình tuyên truyền lâu nay. Ngoài các loại thuốc chữa các bệnh cơ hội, các loại thuốc ngăn ngừa sự phát triển của HIV, chúng tôi chỉ mới nghe trên truyền hình. Hiện chính quyền và các tổ chức xã hội chỉ mới chu cấp cho gia đình Phương, Nam mỗi tháng 600.000 đồng. Số tiền trên không thấm vào đâu và có vẻ ngược đời một chút vì hiện hai cháu sống với bà ngoại đã 60, trong khi bà ngoại phải lo cho ông bà cố tuổi đã 90.

***
Vẫn biết căn bệnh thế kỷ không chừa một ai và gây không ít cảnh thương tâm trong cuộc sống, nhưng với hai cháu Phương, Nam ra về mà lòng chúng tôi cứ như muối xát. Chợt nhớ cách đây vài ngày, một phóng sự truyền hình có ghi lại câu chuyện ở đất nước Nam Phi xa xôi về một phụ nữ, cưu mang cháu bé cũng mắc bệnh AIDS và nhiều tổ chức xã hội đã sử dụng các loại thuốc tốt nhất để kéo dài cuộc sống của em trong khi chờ khoa học tìm ra thuốc chữa; rồi báo chí mới đưa tin về một trung tâm nuôi dạy, chữa bệnh cho đối tượng trẻ em mồ côi mắc bệnh AIDS mới khai trương tại TP.Hồ Chí Minh. Còn Phương và Nam đang cô độc, chống chọi với căn bệnh thế kỷ trong ngôi làng nhỏ bên bờ Thu Bồn này thì sao? Bàn tay nào đưa về phía các em?