Bệnh AIDS ở Phú Nhiêu
Các Website khác -
22/09/2003
Hoài Nhi
Trà Vinh có 550 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 307 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 260 người đã tử vong. Toàn tỉnh có 76/96 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV. 80% đối tượng nhiễm HIV qua con đường tình dục và đa phần là đối tượng nghèo đi xa làm thuê, làm mướn. Trong số người bị nhiễm HIV có 19 trẻ em dưới 6 tuổi và chỉ có 3 em còn sống. Riêng ở ấp Phú Nhiêu, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành có bốn trường hợp nhiễm HIV và chuyển sang giai đoạn AIDS và ba người đã tử vong. Người còn lại là một bé trai gần hai tuổi đã chuyển qua giai đoạn AIDS từ tháng 7.2002.
Đứa bé bất hạnh
Trước mắt tôi là cháu Nguyễn Phước N. sinh vào khoảng cuối tháng 10.2001. Cháu đã đi lẫm đẫm, nói bập bẹ. Màu tóc mật húi cao để lộ vầng trán rộng, đôi môi phơn phớt đỏ. AÁnh mắt cháu có lẽ do tiếp xúc người lạ nên ngân ngấn nước. Âậy vậy mà trong cơ thể mảnh mai ấy đang từng phút, từng ngày chống chọi lại căn bệnh AIDS quái ác.
Cháu Phước N. tượng hình từ dòng máu trong cơ thể người mẹ bị nhiễm HIV và sau đó chuyển sang giai đoạn AIDS. Cơn đau của chứng bệnh nan y đã quật người mẹ tơi tả trong lúc bụng mang dạ chửa. Chị H. lở môi, lở miệng, lở nhiều chỗ trên cơ thể. Nỗi đau thể xác thoát ra miệng thành những tiếng rên la xé lòng lối xóm. Và trong nỗi đau của người mẹ, cháu Phước N. chào đời để đón lấy bất hạnh. Anh Nguyễn Văn Tư, Trưởng ban nhân dân ấp Phú Nhiêu nói:
- Tôi đặt tên cho nó là Phước N. với hy vọng nó vượt qua nỗi bất hạnh để sống được trên đời.
Thằng bé không biết có cảm nhận được sự cảm thông sâu sắc của bao người dành cho nó không, nhưng vừa cất tiếng khóc chào đời là nó đã bị rứt khỏi vòng tay, không nếm được dòng sữa ngọt ngào, ấm áp từ bầu vú căng đầy của mẹ. Người cô bà con bồng cháu về nuôi. Một tháng bảy ngày sau nó vĩnh viễn mất mẹ. Hơn ba tháng sau, Phước N. về sống với vợ chồng anh Huỳnh Văn Hào. Một đôi vợ chồng tốt bụng, muộn mằn con nhận nuôi bé Phước N. giúp cha nó. Hôm thôi nôi, bà nội, rồi chị nó nghỉ làm thuê xa, về ở nhà trông nom cháu. Anh Hào nói với tôi:
- Thằng bé dễ nuôi lắm! Tối ngày không đòi ẳm, đòi bồng. Nó nằm trên giường chơi một mình. Hễ nó khóc là nó đói. Đưa nó bình sữa là nó vừa ôm bình, vừa bú sữa và ngủ liền, thấy tội nghiệp lắm!
Nếu như anh Huỳnh Ngọc Song, cán bộ phụ trách phòng chống HIV/AIDS của huyện Châu Thành không kể cặn kẻ thì tôi không bao giờ tin là Phước N. đang mang bệnh. Nó vẫn phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác cùng độ tuổi. Hơn hai tháng chào đời, phiếu xét nghiệm cháu Phước N. đã cho kết quả dương tính và đến ngày 12.7.2002 cháu đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Từ đó đến nay, cháu Phước N. thỉnh thoảng bị bệnh nhiễm trùng cơ hội tấn công. Anh Song bức xúc :
- Năm rồi, thực hiện dự án của Trung ương, mỗi tháng chúng tôi cấp cho cháu 50.000 đồng, thêm tiền thuốc bồi dưỡng và thuốc chống bệnh nhiễm trùng cơ hội. Còn năm nay, tỉnh cắt nguồn này, chỉ còn thuốc bồi dưỡng và chống bệnh nhiễm trùng cơ hội. Có lúc bệnh kéo dài, tôi phải móc tiền túi cho cháu mua thuốc uống!
Chuyện về người mẹ bệnh AIDS
- Tôi không thể tin được là cô H. bị nhiễm HIV! Anh Nguyễn Văn Tư phân trần. Đành rằng hai vợ chồng nghèo túng, tha phương làm thuê cầu thực. Nhưng đi đâu cũng có hai người và ở địa phương không có tai tiếng. Thế mà cô H. bị nhiễm HIV thiệt là tức !
Họ là đôi vợ chồng trẻ nghèo khó. Chồng bán bánh mì, vợ đẩy xe bán bánh bao. Hai đứa con gái lần lượt ra đời. Cô chị sinh năm 1985 và cô em sinh năm 1987. Hai vợ chồng mượn vốn quay qua nuôi vịt. Nuôi vịt lỗ vay mượn tiếp nuôi heo. Nuôi heo lỗ phải bồng bế nhau đi làm thuê xứ lạ quê người. Chuyến cuối cùng là hai vợ chồng đi Bình Dương làm thuê cho lò gốm. Khi về quê một thời gian chị H. đổ bệnh. Thật không ngờ lúc nằm bệnh viện xét nghiệm máu chị H. bị nhiễm HIV vào ngày 19.4.2001 và đến ngày 4.12.2001 chị H. lìa đời.
Dì Lê Thị Thiền ở ngang cửa nhà chị H. vẫn còn tức tưởi:
- Con H. nó bệnh mà bụng mang dạ chửa. Ngày nào tôi cũng qua thăm nó. Nó thèm thứ gì tôi cũng mua cho nó ăn. Tội nghiệp, buổi sáng bệnh nó trở nặng. Tôi nói với nó: "Mầy có muốn thăm con mầy hôn?". Nó ứa nước mắt, lắc đầu: "Thôi! Con thôi thương nó rồi! Để cha nó nuôi nó!". Đến xế chiều nó nhắm mắt, xuôi tay!
Đám tang chị H. thật ảm đạm! Anh Nguyễn Văn Tư phải đi trong đêm ra chùa Liên Quang Thiền Viện xin cái quan tài. Trong đêm mưa tầm tã, mọi người xúm nhau tẩm liệm, trưa hôm sau cùng đưa chị H. đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Nguyên nhân nhiễm HIV của chị H. chưa xác định rõ ràng. Nhưng theo những người trong cuộc và lối xóm thì chị là người cạo gió, cắt giác có tay nghề. Hễ ai bệnh là chị lấy dụng cụ cắt giác, cạo gió dùm. Khi chị bệnh chị hay nhờ người khác cạo gió, cắt giác lại cho mình. Chị bị lây bệnh và đã truyền sang con .
Dân ấp Phú Nhiêu đã thấy tác hại kinh người của căn bệnh AIDS. Từng người chăm chút, cảm thông và theo dõi từng bước đi của cháu Phước N. Mọi người mong muốn cháu chiến thắng bệnh tật, từng ngày khôn lớn dù rằng mong muốn ấy chắc chắn khó thành hiện thực. Căn bệnh AIDS đã lần lượt cướp đi sinh mạng của ba người tại ấp này, và đang rình rập, gieo tai họa cho từng gia đình. Bây giờ thì mọi người mới hiểu thêm, chẳng những lây qua đường tiêm chích ma túy, mại dâm, sinh hoạt tình dục không lành mạnh mà AIDS còn nhiễm qua đường máu. Vợ chồng chị H. là một điển hình khiến cho mọi người ở ấp Phú Nhiêu giật mình kinh sợ: Cái khoảng 20% còn lại ngoài con đường tiêm chích và quan hệ tình dục, AIDS có thể ập đến bất cứ lúc nào, nhất là đối với những ai còn mù mờ về căn bệnh thế kỷ tai ác này. Trà Vinh ngày 12/8/2003