Đám cưới công khai đầu tiên của người nhiễm HIV/AIDS
Các Website khác - 25/03/2004

HÀ NỘI 02-12.- Ở Việt Nam dù vì bất cứ lý do gì khi một người lỡ nhiễm căn bệnh liệt kháng HIV/AIDS thường thì họ đều bị phân biệt đối xử, ngay cả đối với những người thân trong gia đình. Thế nhưng vừa qua tại Hà Nội, một chàng trai bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này đã công khai làm đám cưới với một cô gái khỏe mạnh bình thường. Họ yêu nhau và đã cùng nhau gắn bó vượt qua căn bệnh chết chóc này.


Báo Lao Động kể: "Một ngày cuối tháng 11, sau 5 năm yêu nhau, Tuấn và Lan (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã quyết định chính thức làm đám cưới. Lễ thành hôn của họ cũng như bất cứ ngày vui của đôi uyên ương nào mặc dù cô dâu đã biết rõ chú rể nhiễm HIV." Ngày vui trong gia đình, cả nhà hân hoan, cô dâu - chú rể tràn đầy hạnh phúc. Nhưng người vui mừng nhiều nhất là mẹ anh Tuấn, bà nóng lòng mong mỏi được đón con dâu út ngoan hiền và có thể là "có một không hai", còn hơn cả con trai mình. Minh, một thanh niên 25 tuổi, đã nhiễm HIV do tiêm chích từ 5 năm nay nhìn chú rể trao nhẫn cưới cho cô dâu với ánh mắt ngưỡng mộ và cả sự "thèm thuồng": "Nhiều người cùng cảnh ngộ nhưng mấy ai may mắn tìm được bạn đời trăm năm như anh Tuấn. Như em, với án tử hình trước mặt, thương thầm, nhớ trộm một người con gái cũng chỉ để trong lòng và biết thế thôi".

Tám năm trước, một lần thử máu, anh Tuấn biết đã nhiễm HIV. Tờ giấy xét nghiệm vô hồn mà như một tiếng sét ngang tai, làm suy sụp chàng thanh niên mới 24 tuổi, đang hoài bão tuổi trẻ. Không nghiện hút, anh lục lại trong trí nhớ của mình, có lẽ mầm bệnh đã tìm được đường vào cơ thể anh từ lúc Tuấn hào hứng với hình xăm trổ, hay trong một lần quan hệ tình dục. Kể từ lúc đó, hình ảnh những "đầu lâu xương trắng" gắn với căn bệnh HIV/AIDS trên những panô, áp-phích tuyên truyền cứ ám anh như con ma đói. Tuấn cảm thấy cái chết dường như đã cận kề (!!!)."Đã thế thì còn gì mà phấn đấu nữa" - nghĩ vậy và bất cần, Tuấn bỏ làm, đi lang thang.

Nhưng càng cố quên, sự trống vắng, đơn độc và tuyệt vọng càng bám riết anh. Tuấn tìm đọc những tài liệu, để ý hơn đến những chương trình truyền hình về HIV, xem cái ngày tận thế của mình bao giờ thì đến. Cuộc sống của người nhiễm HIV kéo dài hay không còn tùy thuộc vào chế độ sinh hoạt, ăn uống, chứ không phải chấm dứt ngay như anh tưởng. Trong lúc tuyệt vọng, bản năng vẫn giúp anh tự chủ: Nếu buông thả, những ai đó sẽ nhiễm bệnh như anh, và sẽ rơi vào cái trạng thái "không trọng lượng", không biết mình ở đâu, đang làm gì, khó chịu như thế nào.

Nỗi nhớ nhà kéo anh về với gia đình. Bên những người thân, anh thấy dễ chịu hơn, nhưng mỗi lần nhìn thấy ánh mắt tuyệt vọng của người mẹ già, Tuấn càng rối trí. Rồi dần dà, anh cũng quen được với nỗi buồn, như quen với một người bạn mới. Quay trở lại làm công việc cắt kính đã theo từ dăm năm nay, anh phát hoảng mỗi lần đứt tay: "Nhỡ lây cho ai đó thì sao?"

Vốn là một cô gái năng nổ, yêu thích những hoạt động xã hội, khi biết Tuấn nhiễm bệnh, Lan vẫn đến chơi thăm hỏi bình thường. Rồi em "mê" lúc nào chẳng hay. Đến lúc này, thì chính anh Tuấn lại trở thành thầy giáo, bổ túc cho em những kiến thức phòng tránh HIV/AIDS. Thầy giáo tuy "đỏ mặt" mỗi khi học trò hỏi quá "kỹ", nhưng vẫn phải trả lời rõ, "nếu không sẽ lây bệnh cho người khác thì sao?", anh nói.


Đến một ngày, Tuấn không tin ở tai mình: Lan đề nghị cưới. Nếu Lan không chủ động, chắc chắn Tuấn không bao giờ hé răng nói chuyện cưới xin. Lan đã nhìn thấy biết bao gia đình, bề ngoài có vẻ đầm ấm nhưng bên trong ngấm ngầm bất hòa, ly thân. Vậy thì, có ý nghĩa gì khi mình bỏ người mình thực sự yêu để lấy một ai đó khác, chắc gì đã hạnh phúc nếu người ta không hiểu Lan như Tuấn. Cuộc sống đối với Tuấn không còn trải rộng nữa, chỉ còn một năm, cũng có thể là 10 năm bay nhảy như những người bình thường. Tuấn và Lan phải chạy đua với thời gian mà sống.

Thấy Lan "hỏi" cưới - còn quá hơn là "trâu đi tìm cọc" - Tuấn cười, cứ nghĩ rằng Lan đùa. Rồi thấy Lan nói thật, Tuấn cũng nghiêm giọng: "Anh không thể cùng em đi hết cuộc đời, chỉ có con là niềm an ủi, động viên. Nếu sinh con thì chắc chắn em sẽ lây bệnh. Con sinh ra cũng chắc gì có được hy vọng mong manh là không nhiễm bệnh. Cả 3 người đều trở thành gánh nặng cho họ hàng". "Vẽ" ra nhiều thứ để ngăn cản Lan, Tuấn lại còn trêu là sẽ giới thiệu cho Lan những người còn tốt hơn, và điều quan trọng là hoàn toàn khỏe mạnh chứ không phải lo đếm thời gian ngược như Tuấn.

Tuấn nghĩ cho Lan nhiều thế, làm sao Lan bỏ cho đừng. Nói thì buồn cười, Lan đi hỏi chồng, chờ một năm mới được gật đầu. Báo cáo hai bên nội ngoại, gia đình Tuấn cũng vài tháng đắn đo, thuyết phục ngược, nhất là mẹ: "Biết con mình sống chẳng bao lâu mà vẫn nhận con dâu, làm thế thất đức lắm". Thêm một tua "vấn an", cuối cùng vợ chồng Tuấn Lan mới được toại nguyện.

Vừa hết bận rộn đám cưới, vợ chồng Tuấn Lan cùng những thành viên trong nhóm tuyên truyền phòng chống AIDS của dự án Policy lại tích cực chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm ngày phòng chống HIV 01/12. Nhóm vẫn tranh thủ đến học tiếng Anh tại cơ sở tư vấn chăm sóc người nhiễm HIV đặt tại chùa Pháp Vân (huyện Thanh Trì, Hà Nội). "Em học để giao tiếp rộng hơn, và để chứng minh người nhiễm HIV vẫn có khả năng làm việc bình thường". Dư âm niềm hạnh phúc của Tuấn và Lan vẫn lưu trong suy nghĩ của nhóm. Mọi người hồ hởi cười đùa: "Ba tỷ mua con". Lan nhanh miệng giải thích: "Đấy là các bạn trêu hai vợ chồng em. Một người bạn nước ngoài của cả nhóm bị nhiễm HIV cũng dùng phương pháp tách virus rồi mới thụ tinh nhân tạo. Con trai của anh ấy đã được 5 tuổi, khỏe mạnh. Nhưng chi phí phải đến vài tỷ... Do vậy, trước mắt, chúng em vẫn là vợ chồng son đã (!!!)" Cũng như bao nhiêu người đàn ông từ độc thân chuyển sang "tôi lấy vợ", anh Tuấn đang lo ổn định kinh tế gia đình. Anh dự tính sẽ mở cửa hàng làm tóc cho vợ, bản thân anh cũng chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng. Họ hào hứng dự tính sang sửa nhà cửa, mua sắm đồ dùng gia đình: "Anh ấy không còn đủ sức khỏe để xông xáo làm kinh tế. Hai vợ chồng em bảo nhau làm ăn, rồi sẽ có tích lũy để lo thuốc thang cho anh ấy".

Câu chuyện về đám cưới này sẽ không trọn vẹn nếu như chỉ nói về những điều lạc quan mà họ bộc bạch. Lan mạnh mẽ, sôi nổi bỗng trầm lại khi đề cập đến điều mà sớm muộn gì hai vợ chồng cũng sẽ đối mặt: "Đến bây giờ, vợ chồng em vẫn không đủ can đảm để nói thật với bên ngoại. Thậm chí, có người còn băn khoăn em có bị dở hơi không khi khăng khăng cột đời mình vào một người không có tương lai. Nhưng tương lai của em là những ngày được chăm sóc cho người đàn ông đã thương em hơn cả bản thân anh ấy. Còn nếu ông bà bên ngoại hỏi về chuyện sinh con, em sẽ nói tại em" - Lan quả quyết.

Phải ở trong cuộc, mới thấy sợ ánh mắt thương hại và kỳ thị của không ít người trong xã hội với bệnh nhân nhiễm HIV, đặc biệt là những người đang ở giai đoạn cuối với thân hình lở loét, tàn tạ. Người nhiễm HIV đang làm việc trong các cơ quan nhà nước thì lại càng sợ "miệng lưỡi thiên hạ", họ không bao giờ dám công khai tham gia một hoạt động xã hội nào liên quan đến HIV/AIDS. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu và bao bọc cho nhau, được một vài tổ chức xã hội phòng chống HIV giúp đỡ. Nếu bị đẩy ra ngoài xã hội, người nhiễm coi rằng đã mất tất cả. Khi đó, những người "tiêu cực", bất cần có thể chủ ý mang mầm bệnh đi gieo thêm ở bất cứ đâu không có ý thức và thiếu phương tiện phòng chống AIDS".