Hành trình AIDS: Bài 1: Những người sắp qua “ngưỡng cửa hẹp”
Các Website khác - 14/08/2005

Người dân ở gần cầu xe lửa số 6, đường Lê Văn Sĩ, Q. Phú Nhuận, TP.HCM chưa quên chuyện người đàn ông đâm đầu vào tàu hỏa đang chạy chỉ vì thèm được chết…

Vậy mà gã vẫn sống, sống như minh chứng với cả cộng đồng người nhiễm S (HIV/AIDS) vẫn khát khao cuộc sống, rằng: "Tôi bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, tôi đã tìm đến cái chết để giải thoát chính mình nhưng khi cận kề cái chết thì hơn lúc nào hết tôi thấy mình khát sống…"

 

 
Bây giờ, lại sợ đến ngày đi qua "ngưỡng cửa hẹp."

"Ngựa hoang" nhiễm S

 

Gã tên S., 46 tuổi. Ở tuổi này gã đã bước qua cái dốc bên kia kiếp người. "Trẻ trung gì nữa đâu để mà nhớ lại ngày hôm qua, thế nhưng không thể quên" - Buông thõng hai tay bên vành xe lăn, gã cười chua chát.

 

Bố gã là trung tá chế độ cũ. Gã bất mãn khi nhìn bố bị đưa đi cải tạo, tài sản bị tịch biên… Gã cho đó là không công bằng, quay ra chống đối bằng cách làm ngược lại những gì mọi người đang làm, tập hợp bạn bè cùng hoàn cảnh thành nhóm, sống, tiêu tiền và… đi cướp.

 

Giọng "con ngựa hoang" (gã tự gọi mình như vậy - PV) cứ đứt quãng khi kể về đời cướp. Lần đầu tiên, gã cầm dao ra chặn bạn bè học trường khác xin mồi thuốc rồi gí dao vào bụng khảo tiền. Kể lại, giọng gã vẫn cứ run run như chuyện vừa mới hôm qua: "Mày có bao nhiêu tiền đưa hết ra". Dần dà, gã trở thành "người bề trên" lúc nào không biết.

 

Ngày bố về, gã đứng sau lưng nhóm bạn để "chỉ tay năm ngón" chứ không còn dám ra mặt. Gia đình xuất cảnh diện HO nhưng gã chọn ở lại vì quen sống không thích kềm kẹp. Nhóm bạn gã ngày xưa bây giờ đã tan rã, người đi cải tạo, người vào tù 15, 20 năm, gã đi tù chuyến chót với mức án 5 năm. Ra tù, với kiến thức học từ trường Kỹ thuật Cao Thắng, rồi 2 năm ở Bách Khoa, gã thầu điện công trình cũng kiếm được khá tiền. Cuộc sống ổn định gã lại phóng túng, lại lao vào gái, vào rượu, đi nhảy, phòng trà và cho vay lãi cao, tất cả gã đều làm trừ… ăn cướp.

 

Vỗ nhẹ vào vai gã, tôi hỏi chuyện vợ con, gã im lặng lâu lắm, gỡ đôi kiếng cận xuống, đưa tay quệt nhanh giọt nước mắt chực trào. Kể: "Năm 2001 tôi quen dần với lối sống lương thiện, tôi có bạn gái và định lập gia đình. Nhưng đấy cũng là thời điểm tôi đi xét nghiệm và biết mình nhiễm HIV ở giai đoạn cuối. Bác sĩ tư vấn cho tôi 3 lần nhưng suốt năm ấy tôi bị ám ảnh, suy sụp hoàn toàn…".

 

Nhiều lần gã nghĩ đến cái chết nhưng không đủ can đảm. Một lần uống rượu say về gần cầu xe lửa số 6 trên đường Lê Văn Sĩ, Q. Phú Nhuận, TP.HCM, muốn giải thoát chính mình, gã nằm trên đường ray chờ tàu đến nhưng khi nghe còi tàu hú bên tai, gã lại đứng dậy đi vào… Những toa tàu ào qua, óc gã lại loé lên cơ hội kết thúc một cuộc sống che đậy. Gã lao vào gầm tàu… "Một tuần sau tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong bệnh viện, hai chân giờ đây không còn nữa…". Gã nhìn xuống thân hình không trọn vẹn, rùng mình khi nhắc lại cảm giác đã qua.

 

Buổi trưa, trung tâm Mai Hòa của dòng tu Công giáo Nữ Tử Bác Ái (Củ Chi, TP.HCM) vắng lặng. Gã thèm được về nhà, muốn được sống một cuộc sống như bao người khác thế nhưng tất cả đã muộn. Hai giọt nước trong mắt trào ra, gã khóc thật sự.

 

Ở đây, gã được các Soeur hòa giải với gia đình, người thân gã đã tha thứ. Bây giờ, gã lại sợ đến cái ngày phải bước qua "ngưỡng cửa hẹp."

 

Làm ma ở giữa cõi người
Trung tâm Mai Hòa huyện Củ Chi - TP.HCM.

 

 

Những người nhiễm HIV giai đoạn cuối hầu như đều có chung suy nghĩ cho mình là con ma sống. Anh Đ. lắc đầu thì thào trong tiếng gió: "Người ta đến Mai Hòa là để chết, vậy thì ở đây làm sao vui được anh, buồn buồn tĩnh tĩnh như thế này mới đúng...".

 

Anh Đ. là người Q.6. TP.HCM. Đang bị AIDS giai đoạn cuối, Bệnh xơ gan đã làm anh gầy nhanh hơn. Trong bệnh viện, mọi người né tránh anh, về nhà cũng thế. "Cái ghế nào mình ngồi là không ai dám ngồi hết. Thậm chí hồi Tết rồi, mình muốn đi xem thành phố thế nào sau 4 năm trong tù ra, nhờ thằng em chở đi vòng vòng, vậy mà về đến nhà nó đi thay cái yên xe khác ngay trong đêm ấy…"

 

Khó khăn lắm anh mới nói được như thế. Anh bảo, bao nhiêu năm sống kiếp giang hồ không hề biết khóc là gì, vậy mà khi nhận ra mình bị bệnh S không thể nào đứng vững được. Ngày còn đi học bổ túc, theo bạn làm đủ trò để có tiền mua bồ đà hút, rồi hít, rồi chích. Thế mà giờ "đối diện với cõi chết lại thấy mình đang làm ma ở giữa cõi người". Thời gian anh ở trung tâm này, tuần nào cô dượng vào thăm, anh cũng mừng mừng tủi tủi như con nít. "Có khóc vì hối hận thì tất cả cũng đã muộn, muộn lắm rồi. Bây giờ mấy anh chị em ruột thịt không ai vào thăm, muốn nhìn mặt nhau lần cuối rồi ra đi cho thanh thản nhưng khó quá…".

 

Đêm Sài Gòn mưa lớn, cô bé H Tr. thu mình một góc trong nhà dưỡng ở Q. Bình Thạnh. Em nhận ra mình nhiễm HIV dương tính sau lần xét nghiệm tại trung tâm Bình Triệu, đấy là cái giá em phải trả quá đắt cho những việc mình làm.

 

"Mấy lần em cố nén lòng mà sao nước mắt cứ chảy, tuổi em còn ít, tiếc lắm. Nhìn người khác ở đây có gia đình, người thân còn em thì thế này...". Tr. không chịu nổi sự ruồng rẫy hắt hủi của những người chạm mặt quen biết, Tr. lắc đầu, hai mắt nhìn vào bóng tối như đờ đi, thở dài. Giọng em chợt đanh lại: "Cố làm người lương thiện mà sao khó quá!"…

Một chiều tháng 7, tôi ngồi một phụ nữ trong phòng khám ngoại trú Q. Bình Thạnh. Nước da chị trắng tái, gương mặt mệt mỏi với đôi mắt lúc nào cũng có thể khóc. Người đàn bà này có chồng, ba lần vượt cạn là ba núm ruột đứt lìa, "ba đứa nhỏ ngơ ngác ra đời, hai đứa con trai nhiễm S như em, bé gái giữa thì không, ba nó đi xét nghiệm cũng không…". Chị chép lưỡi, lắc đầu. Con người nhiễm S khác gì một trò sổ xố, cũng rủi cũng may.

Ba đứa nhỏ vẫn cười, vẫn còm cõi gắng gượng nhỉnh dần lên từng ngày. Còn chị, chị lại khóc, chị khóc suốt tám năm rồi. Thân hình ngày thêm tàn tạ. Đó là cảnh đời chị H. nhà ở Q.4, TP.HCM. Từ ngày biết bệnh tới giờ, chị sống như cái xác vô hồn. Chi đang sống chung với gia đình nhà chồng nên cứ lo ngóng sợ lộ ra mọi người biết, người ta né tránh, ghẻ lạnh thì tội nghiệp hai đứa con và chị cũng khó ở.

Biết mình không còn sống lâu được nữa để lo cho con, chị cứ trăn trở với mong muốn có hộ khẩu để sau này con chị mất mẹ cũng được đến trường. Nhìn thằng con trai đang ngồi cạnh, chị xoa đầu nó, nói lạc giọng: "Em đi trước thì hai đứa nó đi sau thôi. Nghĩ mà xót cho con bé giữa, rồi đây nó dần dần mất mẹ, mất anh, mất em nó sống làm sao đây...?

 

28 tuổi, đời chị giờ như đã vào ngõ cụt. Tấm lòng người mẹ vẫn không nguôi ngoi ngóp giữa giông bão cuộc đời cố sống để thương con.

 

Mang nặng kiếp người

"Chú ơi! chụp hình cho con đi chú!"

 

Trong những đứa bé nhiễm HIV tôi gặp, chỉ có con trai chị H. năm nay 9 tuổi là đang theo học lớp 3 còn lại hầu như rất yếu. Mỗi khi trung tâm phát thuốc, cháu lại ký nhận cho mình và cho cả mẹ vì chị H. một chữ cắn đôi không biết.

 

Ngày còn nhỏ xíu, ở đâu đó tôi đã từng nghe, con người khi mới sinh ra đã mang trong mình một cái tội – tội làm người. Những đứa trẻ sơ sinh đã không khóc tiếng nào khi lọt lòng mẹ, chưa được nhìn rõ cuộc đời mà đã vội khép mắt vậy có tội hay không?!

 

Nhìn 9 đứa trẻ (một đứa nhiễm lao và đã nằm cách ly) ngồi ăn bữa trưa ở trung tâm Mai Hòa mà tôi không thể cầm lòng. Bé Liệu 4 tuổi, mặt nhỏ thó như bát cơm, đôi mắt ướt rượt vì nó mới vừa đi ngang qua phòng hai mẹ con nó ở trước đây. Từ ngày mẹ mất, mỗi lần ngang qua căn phòng ấy xuống nhà ăn, nó đều ghé đầu nhìn vào, mếu máo. "Mẹ con đâu?" - Tôi hỏi. Nó im lặng nhìn chằm chằm vào phần cơm rồi từ từ chỉ một ngón tay lên trời.

 

Thằng Dũng ngồi đối diện với bé Liệu, nó cố đưa tay chạm vào chiếc máy ảnh nói lí nhí: "Chú ơi! chụp hình cho con đi chú!". Nó là đứa lớn tuổi nhất nhóm:

-  Con tên gì?

-  Dũng.

- Con mấy tuổi?

Tám

- Mẹ con đâu?

- Hổng biết, chết rồi!

- Nhà con ở đâu?

- Dạ con ở trong chùa với mấy thầy dưới Vũng Tàu, mới về đây ở với mấy dì…

 

Mấy đứa trẻ nhao nhao như bầy chim vỡ tổ. Những con chim nhỏ ở đây đang sa vào cảnh mất mẹ, cũng sắp lẻ bầy.

 

Chết là kết thúc, là sự chấm hết của một cuộc đời đã ra đi. Buồn thay, nó lại là dấu ba chấm cho những cuộc đời còn lại. Những đứa trẻ này được sinh ra, tồn tại như thế cho đến bây giờ liệu nó đã có mang trong mình một cái tội hay không?! 

  • Bài, ảnh: Công Khanh