Một chiều cuối năm ở mái ấm Tam Bình cũng như mọi ngày bình thường khác. Vẫn tiếng bé sơ sinh khóc đòi sữa, tiếng trẻ em nghịch đùa vô tư, vẫn dáng đi lại lặng lẽ, ân cần của những cô, những chị, những mẹ phục vụ…
Ðó thực sự là khung cảnh bình thường của một mái ấm không bình thường…
Cũng một lần được sinh ra, song khác với những đứa trẻ bình thường, mỗi ngày sống của các em nhỏ ở đây là một phép cộng khó khăn trong khung tính hẹp mà số phận đã tằn tiện "lập trình". Các em bị nhiễm HIV ngay từ buổi mới chào đời.
Những tuổi thơ oan nghiệt
57 em nhỏ ở đây mang 57 bi kịch số phận, phần lớn bị bỏ rơi sau khi được sinh ra và xác định bị nhiễm HIV từ cha mẹ. Các em được bệnh viện phụ sản, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi từ các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà…những trung tâm tư vấn bệnh xã hội chuyển về mái ấm Tam Bình này sau khi gia đình bỏ trốn, không ai tiếp nhận.
Trong ký ức non nớt của em Nguyễn Thanh Nhi (6 tuổi) vẫn ám ảnh bởi cuộc tự tử của cha mẹ khi họ phát hiện mình đã để lây nhiễm HIV qua đứa con đầu lòng. Ba mẹ Nhi đã chết còn em được bà ngoại cứu sống.
Nhưng trong những ngày sống ở quê cùng ngoại, em không có bạn bè. Cả làng đều xa lánh vì biết em bị nhiễm bệnh. Bà ngoại cho em vào đây với ước mong trước khi nhắm mắt được thấy một loại "thuốc tiên" giúp cháu mình lành bệnh. Bé Hoàng Lan suýt đã không được chào đời vì người mẹ khi mang thai, phát hiện mình bị lây nhiễm HIV bởi chồng, đã toan tự tử và phá thai. Nhưng chị thương đứa trẻ vô tội, nên sinh con rồi gửi vào đây, thỉnh thoảng đến thăm. Ba tháng trước, mẹ ruột của bé Quân còn tới thăm con. Lần cuối, chị không tự đi được mà phải có người dìu vào vì mắt chị đã mờ do một thời lỡ sa chân vào ma tuý. Trong những ngày nằm bệnh giai đoạn cuối, người mẹ trẻ nhớ con, nhưng tình mẫu tử có bùng lên trong những ngày cuối đời cũng chỉ làm chị đau thêm, không cứu vãn được và đứa con, một cháu bé kháu khỉnh cũng đang mang mầm bệnh cùng lớn lên…
Nhiều cháu bé trong ngôi nhà này có ba, mẹ còn rất trẻ, mới tuổi đôi mươi nhưng sớm sa vào tệ nạn tiêm chích, mại dâm… Một chị phục vụ ở đây cho biết, cha mẹ của các cháu vào thăm con cũng thất thường lắm. Vì có thể họ bị bệnh nặng, cũng có trường hợp bị vào tù ra tội, phải nhờ bạn bè một tháng một lần, vào thăm nom giùm "xem thằng nhỏ ra sao". Cũng có nhiều người xin con về, nhưng “ở đây” không cho vì sợ họ chăm sóc không đảm bảo, các cháu dễ đau ốm và như thế ngày sống sẽ bị rút lại!
Trong những chiếc nôi dành cho trẻ sơ sinh, nhiều đứa bé mới chỉ một tháng tuổi vừa được đưa đến. Chúng nằm còng queo và nhỏ bé đến nỗi, tiếng khóc cũng không cất lên nổi. Người mẹ sinh con xong, sợ hãi, bỏ trốn. Và em lại được chuyển về đây. Người phục vụ khoe: “Bé đã tăng lên 2 lạng mà mừng đến ứa nước mắt! Phần lớn bị suy dinh dưỡng nặng. Và cũng vì mới sinh ra đã thiếu hơi mẹ nên chậm lớn"
Và những mơ ước
Bước vào phòng dễ thấy trên mỗi chiếc giường đều có những con gấu, ông già Noel nhồi bông còn rất mới. Bé Hạnh Dung khoe: "Hồi Noel tụi con được phát quà vui lắm. Mấy cô còn hứa tết này cho đi Ðầm Sen, Sở Thú chơi nữa!”. Tôi chợt hiểu rằng, được giao lưu, chạy nhảy, ca hát với bạn bè bên ngoài là niềm vui, mơ ước của các em nhỏ ở đây, khi mà các em còn vô tư và hồn nhiên trước bệnh tật
Hiện tại, có sáu em đã bảy tuổi được vào lớp một (một dạng lớp "mở” của trường tiểu học Xuân Hiệp). Hàng tuần, có cô giáo bên ngoài vào dạy các em học, chương trình giáo khoa không khác gì bên ngoài, có học bạ, sổ liên lạc hẳn hoi. Cuối năm, các em học giỏi còn được thưởng. Bé Hạnh Dung, "chị Hai" của mái ấm này cách đây bảy năm là đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi trước cổng của trung tâm trong một miếng vải bọc tạm bợ. Bây giờ Dung học giỏi, hát hay. Ngoài giờ học, "chị Hai" cứ đi hết phòng này sang phòng khác để thăm, bế các em nhỏ.
Thể trạng của những em nhiễm HIV rất yếu. Các em, dù mập mạnh nhưng vẫn bị ghẻ lở khắp người. Bên cạnh đó, các bệnh cảm cúm, ho, sốt, thương hàn, tiêu chảy… cũng thường xảy ra. Hàng tháng có trên năm ca vào viện trong thời gian rất dài vì sức đề kháng của trẻ nhiễm HIV rất yếu! Phần lớn các em về đây trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng và thiếu tình thương của gia đình. Nên ngoài trách nhiệm chăm lo bú mớm, cái ăn, cái mặc, còn cần đến những tấm lòng người mẹ. Trong 25 chị phục vụ, phần lớn là những người từng trưởng thành từ trung tâm nên các chị coi việc phục vụ các em nhỏ bất hạnh như là một bổn phận và tình cảm của mình. Chị Minh Sen, một nhân viên ở đây tâm sự: "Nhiều lúc nghĩ lại mình cũng thấy sợ. Vì hằng ngày mình sống gần gũi và tiếp xúc với tụi nhỏ, cũng sợ lây. Nhưng khi đến đây thì quên hết!".
Chia tay mái ấm Tam Bình trong một buổi chiều cuối năm, khi ngoài đường mọi người đang rục rịch mua sắm tết và những đứa trẻ ngoài kia đang chờ ba mẹ sắm cho những bộ quần áo mới mừng tuổi, thì lúc này những đứa trẻ trong mái ấm Tam Bình cứ quấn quýt trước ống kính máy ảnh của tôi. Chúng muốn tôi chụp hình và bế chúng tung tăng đùa nghịch vô tư. Tôi tự hỏi, trong giấc mơ của bé Dung, cu Sơn, cu Phong, bé Nhi… đêm nay sẽ có gì? Có hay không một cái tết bình yên và ấm áp với quần áo mới, với bàn tay cha và hơi ấm mẹ, với những phong bao xanh đỏ và những chuyến tham quan thú vị… như bao trẻ thơ bình thường khác được sinh ra trên đời này? Chỉ mong sao, những giấc mơ được bình yên, dù giấc mơ ấy cũng chỉ nằm trong phép tính cộng rất kỳ kèo chi chút mà số phận ứng xử với các em!
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN - Sàigòn tiếp thị
Mái ấm Tam Bình: 30/3 đường Bà Giang, P. Linh Xuân, Q.Thủ Ðức, TP.HCM, ÐT: (08) 7241445
|