Từ những mảnh đời bị xô dạt
Chị Nguyễn Thị Loan quê ở Hải Dương là một trong 4 người tá túc lâu nhất tại chùa Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội). Chị biết mình nhiễm HIV sau khi vừa lấy chồng được 7 tháng và lúc ấy chị đã có thai 3 tháng. Lúc chồng mất, chị bắt đầu hoảng loạn và mệt mỏi vì lo sợ đứa bé trong bụng cũng bị nhiễm HIV. Sau khi sinh, biết con có kết quả âm tính, chị để lại cho bố mẹ đẻ nuôi, lên Hải Dương làm thuê. Đến khi sức khỏe yếu, chị lên Hà Nội, xin vào chùa Pháp Vân tá túc. Đã hơn một năm nay chị được ở chùa và sinh hoạt trong Câu lạc bộ Hương Sen, hàng ngày chị nấu cơm và dọn dẹp sân vườn cho các thầy.
Đến nay, đứa con của chị đã 5 tuổi, đang học lớp mẫu giáo lớn. Nhiều khi nhớ con da diết nhưng chị không đủ can đảm về quê vì sợ tai tiếng cho con. Ở chùa, ngoài lúc khoẻ nấu cơm phục vụ các thầy, chị còn chăm sóc những người nhiễm HIV ở giai đoạn cuối, bị gia đình bỏ rơi. “Rất may ở chùa các thấy quý mến, không phân biệt đối xử nên cuộc sống thanh thản hơn. Đúng ra, cùng lứa với chị, những người khác đã có một mái ấm đầy đủ chứ không phải sống xa gia đình, xa con như thế này. Có những lúc nhớ con đến cồn cào chỉ biết khóc”. Chị Loan nói, không ngăn được những dòng nước mắt chảy dài trên má.
Đến chuyên gia tư vấn HIV cho cộng đồng
Ngoài chị Loan, anh Tiến Hải (Nam Định), anh Trần Anh (Hà Nội) cũng đã ở chùa khá lâu. Mỗi người một hoàn cảnh, sau khi bị nhiễm HIV, họ bị mất việc làm, người thân bỏ rơi, xa lánh nên xin vào chùa ở. Sinh hoạt trong câu lạc bộ Hương Sen, họ trở thành những nhân viên tư vấn qua điện thoại về kiến thức HIV cho những người đồng cảnh ngộ với mình. Họ coi đó là công việc từ thiện và ý nghĩa nhất lúc cuối đời mình có thể làm để giúp đỡ mọi người.
Anh Trần Anh (Hà Nội) biết mình bị HIV từ năm 2003. Trước kia, anh lái xe cho một xí nghiệp khảo sát thiết kế điện. Khi biết anh có HIV, xí nghiệp buộc anh phải thôi việc. Suốt 4 năm trời, anh đóng cửa ngồi trong ngôi nhà lạnh lẽo, không dám bước chân ra khỏi nhà vì sợ bạn bè, hàng xóm dị nghị, xa lánh. Thậm chí, ban đầu gia đình còn cho anh ăn uống riêng biệt, kiêng kị, tách biệt làm anh hết sức khổ tâm. Anh quyết tâm đứng dậy đối diện với sự thật vì không chấp nhận được sự kỳ thị của xã hội và muốn cho lòng mình thoải mái, thanh thản. Anh tâm sự, “Giúp xã hội đỡ kỳ thị và phân biệt với người có HIV sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV. Chỉ có cách đứng dậy và tham gia vào cộng đồng mới xoá bỏ được rào cản của sự phân biệt, đối xử”.
Đã có lúc tưởng như gục ngã, giờ đây anh Trần Anh đã là trưởng nhóm chăm sóc hỗ trợ người có HIV tại Câu lạc bộ Hương Sen, chùa Pháp Vân. Những việc như tắm giặt, chăm sóc cho người bị bệnh nặng anh đều tham gia không ngần ngại vì nghĩ “sau này mình cũng đến giai đoạn như các bạn ấy, mình không giúp bạn thì sau này ai giúp mình”. Cuối đời, anh càng thấy “cần phải làm nhiều việc hơn nữa để hướng về cái thiện, giúp đỡ mọi người. Chính sư thầy Thích Thanh Huân đã dạy mình cách nhẫn nhịn và hướng thiện”. Nhưng việc để lại ý nghĩa nhất với anh đó là được cùng với những người trong Câu lạc bộ Hương Sen tư vấn kiến thức HIV qua điện thoại cho những người thiếu kiến thức, đang băn khoăn về HIV. Từ công việc đó, anh “Thấy mình thanh thản và cuộc đời có ý nghĩa hơn dù đó là việc nhỏ”.
Sức khoẻ của anh đã suy giảm rất nhiều sau gần 10 năm chống chọi với HIV nhưng anh vẫn ham việc và tâm nguyện “đã vào Câu lạc bộ là làm hết mình, bất kể ốm đau cũng gắng giúp mọi người thoát khỏi khủng hoảng tinh thần. Những người khi biết mình có HIV, khủng hoảng tinh thần lớn lắm, đã thế còn bị mọi người xa lánh”.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, anh đăm chiêu “nhiều lắm nhưng chỉ trông chờ ở cộng đồng xã hội một dự án cho người có HIV đi làm và hưởng lương để tự nuôi sống mình. Muốn lập nhiều nhóm người có HIV hơn theo mô hình Câu lạc bộ Hương Sen để họ có thể nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau nhưng chưa thực hiện được vì sức khỏe càng ngày càng yếu”. Những trăn trở, suy tư, day dứt của anh hiện rõ trên khuôn mặt sạm đen đầy nắng gió.
Và ước mơ làm lại cuộc đời
Chị Phạm Thu Trang, quê ở Hải Phòng, biết mình nhiễm HIV từ năm 2004. “Cuộc đời mình là một chuỗi dài bi thương và đau đớn”. Chị đã bắt đầu câu chuyện của mình với những giọt nước mắt lăn dài trên má.
Trải qua ba đời chồng, có 5 mặt con, người phụ nữ này dường như già hơn với tuổi thật của chị. Những nhớ thương đứa bé có HIV đang sống ở Trung tâm nuôi dạy trẻ Ba Vì đã hơn một năm nay không gặp cùng sự lo lắng cho những đứa con nghèo thất học ở quê hiện rõ trên gương mặt chị.
Sau sự ghẻ lạnh của gia đình và người chồng thứ ba khi biết chị có HIV, cuộc sống của chị là những tháng ngày đen tối và mệt mỏi. Chị lang thang phiêu bạt từ Hải Phòng lên Hà Nội đi chăm sóc người có HIV trong bệnh viện để có tiền trang trải cuộc sống. Công việc cũng không ổn định, tìm việc lại khó khăn vì sức khoẻ giảm sút, chị nằm vật vờ hàng tháng ở hồ Thiền Quang không ai chăm sóc. Được sự giúp đỡ của Câu lạc bộ Hải Đăng và nhóm Vì ngày mai tươi sáng, chị được chăm sóc, tư vấn về cách bảo vệ bản thân để có sức khoẻ tốt, phòng lây nhiễm cho người khác. Rồi chị được đi học may thêu, sau hơn một tháng, giờ chị đã may được những sản phẩm đầu tiên.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn
Trải qua những tháng ngày tủi nhục vì bị đối xử phân biệt, đã có lúc tưởng không vượt lên được, giờ đây nghị lực sống đã trở về với chị. Chị định sẽ đưa đứa con lớn 12 tuổi của mình lên Hà Nội để dạy cho nó những kiến thức về HIV, cách chăm sóc và bảo vệ người có HIV và cũng để mẹ con gần nhau. Ước mơ của chị là mở được một cửa hàng thêu thu hút người có HIV vào làm việc kiếm thêm thu nhập gửi về cho con, dù nhỏ cũng được. Thầm chúc cho ước nguyện của chị sẽ thành hiện thực, dù phải vất vả mưu sinh nhưng chị đang được sống những tháng ngày ý nghĩa khi nhận được sự chia sẻ của mọi người ở xưởng may và chùa Pháp Vân.
Còn trăn trở khi nhiều mong đợi đời thường của người có HIV còn chưa được thực hiện. Nhưng, nếu biết mở lòng mình và có nghị lực vươn lên thì hẳn còn nhiều hướng đi trên con đường cuộc sống của người có HIV như những mảnh đời có thật trên đây.
Theo Tamsubantre