Cô đơn giữa... cộng đồng
Bằng giọng chất phác của dân Nam Bộ, chị Nguyễn Thị M (35 tuổi) kể lại cuộc đời mình trong dòng nước mắt: "Căn bệnh AIDS đã lấy đi của em người chồng cùng hai đứa con trai khi đứa lớn mới 8 tháng tuổi và đứa bé chỉ được hơn 1 tháng tuổi. Đã 5 năm qua, em và con gái 7 tuổi sống trong tuyệt vọng bởi kết quả xét nghiệm đã chắc chắn rằng cả hai mẹ con em đều nhiễm HIV.
Lần đầu tiên khi biết mình mắc căn bệnh quái ác này do chồng lây, em đã toan tự tử bởi không thể sống nổi với sự nhục nhã khi mọi người xung quanh biết mình bị AIDS. Song, mong ước được sống để lo cho đứa con gái bé bỏng của mình đã giúp em đứng vững.
Hiện nay, với vai trò là một tham vấn viên trong nhóm giáo dục đồng đẳng, em đang cố hết sức mình để tuyên truyền cho cả người đã nhiễm lẫn người chưa nhiễm giúp nhau sống an toàn với căn bệnh này. Mọi cố gắng của em chỉ để mong rằng mình có thể lo cho con đến thời điểm khoa học có thể phát minh ra loại thuốc điều trị".
Một hoàn cảnh khác của nạn nhân AIDS mà tôi được Hội Phụ nữ quận 6 cho biết, đó là Ng.Th - con gái cưng của một gia đình trung lưu, vừa chết ở tuổi 25 do nhiễm AIDS, để lại một đứa con vừa tròn 3 tuổi. Do bố mẹ mải mê với nỗi lo "cơm-áo-gạo-tiền" mà quên đứa con gái của mình, Th theo bạn bè, nghiện ma túy từ năm 14 tuổi.
Tuy tuổi đời còn trẻ, song "thành tích" của Th thật đáng "nể" với 4 lần ra vào trại cai nghiện vẫn không thành công. Bố mẹ chán chường đuổi Th ra khỏi nhà. Và cũng từ đó, Th đã lún sâu hơn nữa vào vòng luẩn quẩn nghiện ngập để trở thành nạn nhân của AIDS. Khi Th mất, chỉ có những tình nguyện viên đến với em, gia đình bố mẹ không hay biết...
Ngôi nhà chung
Có mặt tại nhà nuôi trẻ nhiễm HIV mồ côi, bị bỏ rơi Tam Bình - Thủ Đức, tôi mới thấy hết sức tàn phá vô hình của hiểm họa HIV. Tại đây đang nuôi dưỡng khoảng 50 trẻ từ sơ sinh đến 7 tuổi bị nhiễm HIV. Hầu hết những trẻ đang được nuôi dưỡng tại đây bố mẹ đều đã chết vì căn bệnh HIV.
Vừa xức thuốc cho hàng trăm vết nhiễm trùng trên thân thể các em, cô giáo Nguyễn Thị Liễu - GV mầm non Trường Trung học Sư phạm, tình nguyện phục vụ tại trung tâm này vừa cho biết: "Biểu hiện chính của căn bệnh này ở các em là sự nhiễm trùng, những vết nhiễm trùng ngày càng lan rộng, từ chân tay, ngoài da cho đến vùng họng, miệng... khiến các em không chỉ đau đớn mà ảnh hưởng ngay đến việc hấp thụ thức ăn của các em. Các em phải chết dần chết mòn vì sự mất đề kháng của cơ thể, và các em đã chết khi tuổi đời còn quá nhỏ...".
Vượt qua kỳ thị
HIV/AIDS là căn bệnh chỉ đến với những người sống thiếu trách nhiệm, buông thả... quan điểm này đã trở thành ấu trĩ, bởi thực tế cho thấy, HIV/AIDS đã có mặt ở mọi tầng lớp, mọi độ tuổi và đang thật sự trở thành hiểm họa, đe dọa cả cộng đồng.
UB phòng chống AIDS TPHCM dự đoán, chỉ tính riêng địa bàn TP, mỗi năm sẽ có khoảng 300 trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS được sinh ra (do bố mẹ đã bị nhiễm HIV/AIDS). Thậm chí con số này đang có chiều hướng gia tăng. Với nguồn lực hiện có, chúng ta không thể xây nổi những nhà nuôi dưỡng trẻ là nạn nhân của AIDS. TS Lê Trường Giang - Phó Chủ tịch UB Phòng chống AIDS nhận định.
Chính vì vậy, nếu không nhận biết đầy đủ và chính xác, thì AIDS không chỉ gây tổn hại cho người nhiễm mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Và thông điệp được UB Phòng chống AIDS gửi đến cộng đồng trong Ngày thế giới phòng chống AIDS (1.12) năm nay sẽ là: "Hãy giúp nhau sống, vượt qua sự kỳ thị, rào cản của HIV/AIDS".
▪ Đường về của những người đàn bà bị bán qua biên giới (05/01/2003)
▪ Lá vàng còn lại (19/03/2004)
▪ Campuchia "nhọc nhằn" chống mại dâm và AIDS (29/11/2003)
▪ Hậu quả của ma tuý với phụ nữ (01/12/2003)
▪ Bệnh AIDS ở Phú Nhiêu (22/09/2003)
▪ Tuần Giáo "ma sống" và hiểm hoạ AIDS (27/02/2003)
▪ Tuần Giáo "ma sống" và hiểm hoạ AIDS (26/02/2003)
▪ David Menadue, 18 năm chung sống với HIV (08/12/2002)
▪ Bản di chúc của bé Vân Anh (07/12/2002)
▪ Hai đứa trẻ làng Châu Hiệp (06/12/2002)