Phục thiện
Các Website khác - 20/09/2004
Phục thiện

Nguyễn Hằng
Cách xa đô hội ồn ã của Hà Nội hơn 40km về phía tây, trong Trung tâm Giáo dục lao động số 02, có những người phụ nữ một thời lầm lỡ đã tìm được cho mình một lối hoàn lương. Họ tình nguyện làm "mẹ" các cháu bé mồ côi nhiễm HIV/AIDS. Niềm hạnh phúc đảm nhận thiên chức tạo hoá ban cho đã vực dậy được những con người từ dưới đáy xã hội này, giúp họ làm lại cuộc đời.

Các con là niềm vui của mẹ.
Con có nhiều mẹ lắm!
Bây giờ, mỗi đứa trẻ nhiễm HIV trong Trung tâm Giáo dục lao động số 02 (xã Kiến Bài, Ba Vì, Hà Tây) có những 8 bà mẹ. Nhưng có nhiều "mẹ" nghĩa là không có ai là mẹ sinh thành cả. Bởi khi được sinh ra, chúng đã bị bỏ rơi. Và có thể đến hết cuộc đời này vĩnh viễn không biết được mặt người thân ruột thịt. Cha mẹ nhiễm HIV đã bỏ lại con ở bệnh viện, phó thác trách nhiệm nuôi dưỡng những sinh linh bé bỏng này cho xã hội.

Phạm Ngọc Hiền đã gần 5 tuổi, có thể đến trường mẫu giáo. Một năm nay, sức con bé cứ đuối dần. Đã mấy tháng trời, nó đi ngoài ra máu, hay sốt, ăn ít nên chỉ nặng có 15kg, trông tội nghiệp như con nhái con. Đầu óc non nớt của nó vẫn biết rằng, bố Thành, mẹ Khánh của nó đã mất, ông bà nội ngoại không thể nuôi được nên nó được đưa đến đây. Và nếu như nó cứ không chịu ăn nhiều - thì như các mẹ bảo - sẽ giống bạn "Bếp". Hai tháng trước, Bếp - tức là bạn Hoài Anh - đã mất ở bệnh viện. Trong gần hai chục đứa bé ở nhà trẻ, nó là đứa lớn nhất, sáng dạ và rất tình cảm. Năm ngoái, ai cũng muốn cho đưa nó đến trường mẫu giáo ở gần. Nhưng vì bệnh này, nhỡ đâu bọn trẻ chơi đùa, mà xước sát, lây thì khổ, nên lại thôi.

Con bé hát cho tôi nghe bài "Con cò bé bé", "Cháu lên ba" một cách rụt rè, thẽ thọt. Nó chia tay tôi cũng với nụ cười thật buồn. Khuôn mặt xanh, sàm sạm vì thiếu sức sống - có lẽ chẳng bao giờ nó có được nụ cười với ánh mắt hồn nhiên và trong sáng như những đứa trẻ khác. Đến thời kỳ chuyển sang AIDS ở giai đoạn cuối, khả năng đề kháng của con bé cứ theo chiều giảm dần. Nhưng trung tâm cũng chẳng có "thuốc" cứu nó ngoài việc ép ăn để vực sức khoẻ lên, và cho nó uống một vài loại thuốc bổ. Còn thuốc ngăn chặn bệnh nặng hơn hoặc kéo dài thời gian sống thì, chẳng riêng nó, mà cả trung tâm đều chẳng có lấy vài liều. Nó chưa hề biết mặt mẹ đẻ, chẳng được mẹ ôm ấp ngày nào. Thế nên nó ngoan ngoãn và vâng lời để lúc đi ngủ có thể được nằm cạnh mẹ Hoa, mẹ Vân...

Trước khi được đưa về đây, bọn trẻ được nuôi trong BV. Khi chăm sóc, nhân viên y tế đều phải đeo găng tay để tránh lây nhiễm. Thiếu hơi ấm mẹ từ nhỏ, dường như ý thức được thân phận hẩm hiu của mình, đứa nào đứa nấy mắt cũng buồn rười rười. Thậm chí có đứa bé còn không có được tên cho mình. Cháu Nguyễn Thị Lúa, được đưa đến đây khi 15 ngày tuổi, được đặt tên theo họ của bà Nguyễn Thị Phương - GĐ trung tâm. Ba năm qua, Trung tâm 02 đã tiếp nhận hơn 20 trường hợp, đã có 3 cháu Hoài Anh (sinh năm 1998 ), cháu Lúa và cháu Hà (sinh năm 2002) tử vong. Những đứa trẻ đoản mệnh này được chôn cất ở một vạt rừng gần đó.

Nhưng... 8 mẹ đều như một
Chị Hoa là một trong những người làm đơn đầu tiên, tình nguyện ở lại trung tâm chăm sóc trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi. Cứ nhìn thấy những đứa mạnh khoẻ, chịu ăn, chịu chơi, hiếu động... như con bé Trang, con bé Hương bây giờ, chị lại nuôi hy vọng xét nghiệm lại sau 18 tháng, điều kỳ diệu sẽ lặp lại. Đã có 4 cháu sau 18 tháng - giai đoạn cửa sổ - khi xét nghiệm lại đã cho kết quả âm tính với HIV. Cháu Nguyễn Hy Vọng (3 tuổi) được sinh ra ở Đài Loan, khi xét nghiệm ở đó cho kết quả dương tính, năm ngoái được khẳng định lại. Cháu Hải (5 tuổi), cháu Nguyễn Văn Cò, Lê Bích Ngọc (3 tuổi) cũng vậy, đều đã đưa trở lại hoà nhập cuộc sống ở cộng đồng.

Mọi người đều hy vọng cô bé
Trang chịu ăn, chịu chơi và
nghịch ngợm này sẽ thật sự
không mắc HIV.

Con đường dẫn chị Hoa đến trung tâm giáo dục này bắt đầu từ 10 năm trước, khi hai bên gia đình cấm quan hệ yêu đương với bạn trai. Chị bỏ nhà đi và dần trượt dài... Từ lúc bị doạ đuổi khỏi quán vì không biết rót bia mời khách, đến khi làm gái nhà hàng chuyên nghiệp, kiếm được nhiều tiền, rồi lại ném tiền vào ma tuý cũng chẳng lâu. Rồi cái gì đến cũng phải đến. Hoa bị bắt và đưa lên trại từ năm 1999 vì sử dụng ma tuý và hành nghề mại dâm. Đây cũng là lúc chị biết mình đã nhiễm HIV. Mãn hạn 2 năm, chị làm đơn tình nguyện xin ở lại trại. Cả tuổi trẻ nông nổi đã lầm lỡ trong ma tuý, Hoa sợ khi về nhà, không giữ được nếu phải đối mặt với sức cám dỗ của nàng tiên nâu.

Cứ 3 tháng một lần, chị Hoa được về thăm nhà 5 ngày. Đứa con trai chị, thằng Bi giờ đã 9 tuổi. Nhưng khổ nỗi, từ lúc sinh chị không chăm bẵm con nên giờ đây nó nhìn thấy mẹ mà cũng như không... Có lần, chị về nhà lúc nó đang nằm trên giường, gọi mà nó giả vờ đang ngủ, nhất định không quay lại. "Cũng là kết quả cho những lỗi lầm mà em đã mắc phải, ân hận cũng không thể lấy lại. Nhưng nếu em về nhà, tái nghiện lại, thì có lẽ sẽ chết đường, chết chợ chứ đâu sống thêm được mà nhìn con khôn lớn. Cứ 100 người nghiện, cai xong, về cộng đồng thì may lắm được 2- 3 người dứt hẳn. Lần nào cũng vậy, thằng Bi không hề vồ vập mẹ.

Một lần, nghĩ buồn quá, em uống đến say. Em phải quát lên, nó mới chịu ngồi lại. Em vừa khóc vừa van vỉ nó: "Mẹ cũng chẳng biết làm thế nào. Mẹ bị bệnh, con phải thương bà, thương mẹ, thương dì Hồng mà chịu khó học hành". Con cái xa lánh, em còn thế, huống hồ gặp "bạn bè" cũ, biết có giữ được mình (?!). Chích trở lại khi đã mắc HIV thì dễ bị "quật" như chơi, chắc chẳng mấy chốc là thăm các cụ tổ tiên mất.

Nhưng chăm các cháu ở trại, lại chạnh lòng nghĩ đến con mình. Tự tay cho ăn, tắm táp hàng ngày, tối ôm con người khác, còn con mình thì gửi cho người khác. Bà ngoại chăm chút lắm, nhưng có đứa trẻ nào lại không cần mẹ. Bọn trẻ ở đây cần mẹ thế nào, con em cũng thế. Nhưng trong hoàn cảnh này, ai có cơ hội cũng sẽ làm như chúng em ở đây. Nơi này tách biệt những ồn ã, bụi bặm đô hội, cũng là nơi để chúng em có thể phục thiện, yên tâm chăm sóc cho các cháu - cùng cảnh ngộ với mình. Giờ đây, niềm vui chúng em ở đây chỉ quanh quẩn với mấy đứa trẻ, từ phòng chơi đến phòng ngủ rồi lại nhà ăn của chúng. Từ khu nhà ở của chị em đến nhà trẻ vài trăm mét, nhưng việc đến nhà trẻ được gọi rất chỉn chu: "Đi lên cơ quan". Và đương nhiên là theo nội quy: Có mặt đúng giờ, nhận giao ban, vận đồng phục...

Chỉ mắc một thứ, nghiện hoặc HIV, thì cũng đủ để "đổi" đời nhanh chóng từ giàu thành nghèo, từ hạnh phúc thành bất hạnh. Các chị: Hiển, Vân, Hoa, Hường... đang làm việc trong nhà trẻ của trung tâm đều đã "nợ" cả hai. Trước khi nhập trại, hầu như họ chẳng biết gì về HIV/AIDS. Nhưng phải đấu tranh với bệnh tật để tìm lại cuộc sống, họ hiểu chỉ có cuộc sống lành mạnh mới là người bạn tốt nhất. Trong số 600 trại viên nữ của Trung tâm 02 thì có 117 chị nhiễm HIV. Từ đó đến nay, gần năm chục chị đã làm đơn tình nguyện ở lại trung tâm. Và chỉ những ứng viên cải tạo tốt, yêu trẻ và thực sự mong muốn phục thiện mới có thể gắn bó được với những đứa trẻ bệnh tật này. Từ 20.9.2001, Trung tâm 02 đảm nhận thêm việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi nhiễm HIV, ngoài chức năng tiếp nhận và giáo dưỡng những người nghiện ma tuý và mại dâm.

Trước lúc chia tay, anh Lê Tiến Thắng - PGĐ trung tâm cho tôi biết: "Từ khi thành lập, số trẻ nhập viện năm sau đều tăng hơn năm trước theo cấp số cộng. Nhiều cháu hơn thì cũng phải nghĩ dần đến chuyện tránh lây chéo giữa chúng, hay chuyện dạy học cho bọn trẻ... Trung tâm vừa nhận được điện báo của Viện Bảo vệ bà mẹ trẻ em T.Ư, có 2 cháu bé (1 tuổi và 9 tháng) sắp được đưa lên trại. Chỉ vì mấy ngày mưa quá, đường lầy lội, xe không vào được nên phải chậm lại...".

Nơi này xa Hà Nội, con đường đất đi vào chưa được trải nhựa bằng phẳng. Nhưng cánh cửa ở đây luôn mở rộng đón nhận, và là chỗ dựa cho những số phận bất hạnh và những kẻ lầm lạc khát khao được phục thiện!