Chuẩn bị tăng học phí: Tăng mức vay, trò nghèo vẫn... khó
Các Website khác - 31/12/2008
 Theo dự kiến, đầu năm 2009, đề án học phí mới sẽ được áp dụng. Trong số các nhóm ngành, dự kiến khối y dược và nghệ thuật sẽ có mức học phí cao nhất. Nhiều người lo ngại, người nghèo thi đỗ ngành cao liệu có đủ điều kiện theo học?

Học phí “mở”

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, đề án học phí mới đã được xây dựng một cách thận trọng, dựa trên kết quả khảo sát kỹ lưỡng ở nhiều vùng, nhiều khu vực trên nhiều đối tượng khác nhau và có một lộ trình thực hiện cụ thể. Trong đó, chi phí giáo dục phổ thông chủ yếu do ngân sách nhà nước đảm bảo, học phí phổ thông nằm trong khả năng chi trả của người dân. Học phí ở khối đào tạo sẽ tiến tới đảm bảo chi phí đào tạo, trước hết là chi thường xuyên.

Cụ thể, học phí được thu theo bảy nhóm ngành như: kinh tế, khoa học xã hội - nhân văn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, y dược, nghệ thuật... Do không đòi hỏi nhiều trang thiết bị thực hành, nhóm ngành kinh tế, khoa học xã hội - nhân văn có chi phí đào tạo tương đối thấp so với các nhóm ngành khác. Quy mô lớp của nhóm ngành này cũng lớn nên học phí sẽ thấp hơn. Trong khi nhóm ngành y dược, nghệ thuật... phải đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ thực hành, vì vậy mức học phí nhóm này dự kiến sẽ cao nhất. Đề án chỉ quy định học phí áp dụng tại các cơ sở giáo dục đào tạo công lập. Các trường ngoài công lập vẫn tiếp tục hoạt động và thu học phí theo Luật giáo dục, nghĩa là các trường tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi.
  

Các sinh viên làm thủ tục xin vay vốn. Ảnh :Mạnh Dũng.

Cũng theo ông Ngữ, tăng học phí gắn với cơ chế tự chủ tài chính của người lao động, sự công khai chi phí, chất lượng của các cơ sở đào tạo giáo dục. Cơ chế học phí mới cho phép các trường có mức thu phù hợp với tình hình và chất lượng nhà trường. Như vậy, cơ chế học phí mới sẽ mang tính chất “mở”, không đóng khung cố định kiểu các trường áp dụng đến khi kịch trần thì điều chỉnh.

Vay chưa đủ chi

Lý giải việc tăng học phí có khiến trò nghèo thất học, trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, kiên quyết không để tình trạng vì không trả đủ học phí mà trò nghèo thất học. Vì vậy, chính sách cho vay cũng đã được triển khai hơn một năm và hiện đang thực hiện có hiệu quả. Số tiền cho vay cũng tăng lên nhằm bù trượt giá.

Tuy nhiên, nhìn lại đời sống của nhiều sinh viên trong thời buổi trượt giá hiện nay thì thấy, trò nghèo đỗ trường cao là cả gánh nặng không biết bao giờ trả hết. Em Nguyễn Thị Hoà, thôn Nam Hải, xã Đông Các, huyện Đông Hưng (Thái Bình) cho biết, em đang học ngành sinh học tại một trường ĐH lớn ở Hà Nội. Theo đề án mới, đây sẽ là ngành có mức tăng học phí cao nên em rất lo lắng. Với số tiền vay 1 triệu đồng/tháng, em thuê nhà gần 500.000đ/tháng. Nếu chịu khó mang gạo ở quê lên, tằn tiện hết sức, tiền ăn mỗi tháng của em hết gần 400.000đ. Đóng học phí 180.000đ/tháng, đóng tiền thí nghiệm và một số chi tiêu lặt vặt khác, số tiền 1 triệu đồng không thấm vào đâu. Tổng cộng trong gần 4 năm học, số tiền vay của em lên đến hơn 50 triệu đồng. Số tiền quá lớn mà một gia đình làm nông thuần tuý của em phải gánh vác sau khi tốt nghiệp. 
 

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GĐ&ĐT) cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành chính sách “ba công khai, bốn kiểm tra”. Trong đó, ba công khai gồm: công khai chất lượng đào tạo; công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; công khai về thu, chi tài chính. Bốn kiểm tra gồm: kiểm tra việc phân bổ và sử dụng ngân sách giáo dục - đào tạo; kiểm tra việc thu và sử dụng học phí trong các nhà trường; kiểm tra việc sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của người dân và các tổ chức cho nhà trường; kiểm tra thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.

Nếu sinh viên không được hưởng đúng cam kết mà trường đã công bố trước đó, coi như trường vi phạm và sẽ bị xử lý. Trường nào muốn tiếp tục tăng thêm học phí, phải công khai rõ khoản tăng phục vụ mục đích gì.

 
Theo Giadinhnet