Cuộc chuyển đổi lớn trong hệ thống giáo dục Singapore
Các Website khác - 20/01/2006

Hệ thống giáo dục Singapore đang ở giai đoạn chuyển đổi lớn, từ một nền giáo dục tiêu chuẩn hoá một cách chặt chẽ sang một nền giáo dục tạo nhiều cơ hội hơn cho phát triển tài năng cá nhân. Bộ trưởng giáo dục Singapore Tharman Shanmugaratnam cho biết ngành giáo dục sẵn sàng chấp nhận phá bỏ những đặc trưng đã làm nên thành công này để đầu tư vào một hướng mới - phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu...

Soạn: AM 681649 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Học sinh tiểu học Singapore trong một chuyến tham quan Trung tâm khoa học Singapore (Ảnh: Hạ Anh)

Chuyển đổi sang giáo dục phát triển tài năng là một đặc điểm quan trọng trong năm giáo dục 2005 tại Singapore. Có thêm nhiều trường tiểu học đưa ra các phân môn mới, từ phiêu lưu ngoài trời tới công nghệ thông tin. Có nhiều sự lựa chọn hơn dành cho học sinh cấp 2. Những học sinh quan tâm hơn tới văn hoá Trung Quốc chẳng hạn có thể đăng kí học chương trình tương tác văn hoá với nội dung sâu hơn.

Bộ giáo dục nêu rõ rằng các trường có quyền linh hoạt quyết định xem có muốn thay đổi hay không và thay đổi ở mức độ nào. Bộ trưởng Tharman giải thích: “Chúng tôi muốn các trường quyết định, chúng tôi muốn học sinh quyết định. Đây không phải là vấn đề chỉ đạo trên - dưới, chúng tôi chỉ hỗ trợ họ và khuyến khích họ từ góc độ vĩ mô”.

Cũng theo Bộ trưởng Tharman thì các môn học từ truyền thông kĩ thuật số tới kinh doanh hiện được dạy ở các trường trung học nghề và Viện giáo dục công nghệ sẽ sớm được đưa vào trường cấp 2 cho học sinh lựa chọn. Nếu việc này tiến triển tốt, ngành giáo dục có thể thực hiện cấp chứng chỉ tốt nghiệp nghề cho học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 2.

Một thay đổi lớn khác trong hệ thống giáo dục Singapore nữa là học sinh sẽ có nhiều con đường vào cấp 2 hơn. 43 trường cấp 2 trong năm 2005 đã thực hiện tuyển sinh trực tiếp (DSA), tăng 7 trường so với năm 2004. Điều đó có nghĩa là hơn 2.000 học sinh tiểu học được nhận thẳng vào cấp 2 bằng khả năng đặc biệt và năng khiếu, thậm chí trước khi tham gia kì thi tốt nghiệp tiểu học (PSLE). Với những học sinh này, kì thi PSLE không còn có ý nghĩa quan trọng như trước đây.

Tuyển sinh DSA cũng không bị giới hạn cho những trường có chương trình hoà nhập đặc biệt. 10 trường bình thường đã xét tuyển DSA với tỉ lệ 5% tổng số học sinh và tỉ lệ này sẽ tăng trong năm tới.

Bộ trưởng Tharman khẳng định: “DSA là một cuộc cách tân quan trọng và nó đang hoạt động tốt. Sử dụng kì thi quốc gia để tuyển sinh vào cấp 2 là phương thức rõ ràng và đơn giản nhưng nó sẽ thu hẹp cơ hội tìm kiếm tài năng”. Ông Tharman cũng bác bỏ ý kiến phản hồi là có vẻ như DSA tước đi cơ hội giáo dục chất lượng tại những trường hàng đầu của đa số học sinh, ông Tharman chỉ ra rằng sau khi tuyển DSA, vẫn còn 80% chỉ tiêu trong các trường này dành để tuyển sinh theo điểm PSLE. Ngoại trừ trường hợp trường trung học thuộc Đại học quốc gia Singapore, mà chuyên về toán và khoa học - Trường này tuyển học sinh hầu hết qua DSA.

Bên cạnh việc mở rộng cơ hội phát triển thiên hướng học sinh, Bộ giáo dục Singapore khẳng định quyết tâm củng cố và hoàn thiện Chương trình giáo dục năng khiếu (GEP) đã được thực hiện 21 năm qua. Năm 2006, Bộ giáo dục Singapore đưa ra những biện pháp mới tạo điều kiện thuận lợi hoà trộn giữa học sinh GEP với những bạn đồng lứa bình thường.

Trong những năm tới, học sinh GEP sẽ tham gia trong các chương trình liên quan tới cộng đồng với các bạn học chương trình bình thường. Bộ giáo dục cũng đang xem xét để cho học sinh tiểu học GEP học âm nhạc, nghệ thuật và thể dục chung với các bạn khác. Khi đó, những học sinh không theo GEP bộc lộ năng khiếu ở những môn nhất định có thể đăng kí học các chương trình của GEP. Hiện tại, điều này được giới hạn với các chương trình nghệ thuật sáng tạo ở trường cấp 2 nhưng các lĩnh vực khác như toán sẽ sớm được bổ sung.

Trong khi có ý kiến nghi ngờ chương trình GEP có thể khiến trẻ năng khiếu tách biệt khỏi bạn đồng lứa và gặp những vấn đề với chính bản thân chúng, Bộ trưởng Tharman khẳng định rằng chương trình GEP đã được thực hiện 21 năm vẫn chứng tỏ hoạt động tốt và vì vậy sẽ không có vấn đề xem xét lại tận gốc.

Ông Tharman nói: “Chúng ta đang phát triển một thế hệ trí thức tài năng chứ không phải một thế hệ trí thức có chỉ số IQ cao. Chương trình năng khiếu là một trong những cách phát hiện và phát triển tài năng tối đa. Chúng ta phải là một xã hội dựa trên tài ăng, nếu không chúng ta sẽ không thể vượt trội và không bao giờ có thể cạnh tranh với Thượng Hải, Bắc Kinh, Nam Kinh, New York và những thành phố hàng đầu khác.

Trung Quốc cũng đã bắt đầu thực hiện từ 20 năm qua, nước này có hơn 70 chương trình dành cho trẻ có trí tuệ đặc biệt, các chương trình này phổ biến ở Bắc Kinh, Thượng Hải và mọi thành phố chính.

Trung Quốc có 1 chương trình lựa chọn trẻ khi mới 10 tuổi, những trẻ được chọn học cấp tốc 4 năm trước khi thi vào đại học. Người Mỹ cũng làm tương tự. Mặc dầu nhiều chính trị gia phản bác chương trình này nhưng nó vẫn tồn tại và mở rộng. Riêng New York có khoảng 240 chương trình giáo dục học sinh có năng khiếu đặc biệt được áp dụng chủ yếu ở các trường tư. Một số bang ở Đức cũng đi theo hướng tương tự”.

Singapore đã bắt đầu thực hiện GEP từ năm 1984. Hiện có nhiều chương trình, gồm các chương trình hoà nhập, các trường chuyên nghệ thuật, thể thao, toán và khoa học. Để khuyến khích các trường đặc biệt, trong năm tới, Bộ giáo dục sẽ cấp 100.000 USD/ mỗi trường cho khoảng 15 trường. Các trường được hỗ trợ có thể sử dụng số tiền trên để thuê và đào tạo lại giáo viên, mua trang thiết bị dạy học. Những giáo viên dạy chương trình bình thường cũng được đào tạo kĩ thuật dạy GEP vì vậy mà sẽ có thêm nhiều học sinh bình thường được tiếp cận với phương pháp giáo dục đặc biệt này.

  • Minh Anh (Nguồn: Giáo dục Thời đại theo News Asia)