Tăng học phí: Cần chú ý đến người nghèo
Các Website khác - 28/04/2008

 

Phải làm sao để cả những con em gia đình lao động nghèo cũng được học lên cao và có thể học ở những trường tốt nhất. (Ảnh: Tùng Nguyên)

Sau đây là một số ý kiến về vấn đề này:

Bà Lê Minh Ngọc- nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, Phó chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM:
 
Cần công bằng thực sự trong xã hội hóa học tập

Xã hội hóa học tập là một chủ trương vô đùng đúng đắn, nhưng quan trọng là xã hội hóa thế nào. Cho dù không muốn nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận là sự phân hóa giàu nghèo hiện nay diễn ra rất mạnh mẽ. Do vậy, xã hội hóa một cách công bằng là đóng góp theo nhu cầu và điều kiện của mỗi đối tượng khác nhau.

Có một bộ phận người dân có nhu cầu cho con cái mình học trường tốt nhất, điều kiện tối ưu nhất. Vậy tại sao chúng ta không mở rộng quy chế cho trường tư thục tự do hoạt động, tự do đề xuất mức học phí tương xứng với chất lượng trường mình, cho dù chúng có thể cao ngất ngưỡng?

Điều đó sẽ giúp ngành giáo dục có những ngôi trường ngang tầm quốc tế. Tại các trường này, chúng ta chỉ hỗ trợ về chính sách ưu đãi, ngoài ra không có một hỗ trợ nào khác. Phần kinh phí hỗ trợ giáo dục cho lượng học sinh học tại các trường này sẽ dành để bù vào cho học sinh các trường công chất lượng cao.

Tại các trường công chất lượng cao, mức hỗ trợ giáo dục cho 1 học sinh sẽ gấp đôi, gấp 3 hay gấp 5, gấp 10 mức bình quân. Mức hỗ trợ này sẽ tùy thuộc vào phần kinh phí mà mỗi địa phương “dôi” ra được từ chính sách phát triển trường tư thục. Để học sinh có thể học với điều kiện tối ưu nhất, tương đương các trường tư thục xịn nhất.

Giáo viên dạy tại đây phải ưu tú nhất và hưởng lương cao không kém gì tư thục. Các học sinh sẽ đua chen vào đây bằng tài năng thực sự, cho dù nghèo khó cỡ nào cũng sẽ được hỗ trợ. Còn các trường công lập khác thì không nên tăng mức học phí quá cao để đảm bảo toàn dân có thể tiếp cận giáo dục, phấn đấu thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn: nghèo - thất học - lại nghèo. Đó mới là sự đóng góp công bằng để xã hội hóa giáo dục.

Nói tóm lại, tăng cũng nên làm, nhưng cần có biện pháp thực hiện hợp lý, nếu không chúng ta sẽ rơi vào tình trạng: cố hạn chế trường giàu, trường nghèo nhưng lại xuất hiện đại trà trường công giàu, trường công nghèo. Người nghèo sẽ bị đẩy xa các môi trường giáo dục tối ưu nhất.

Thầy Nguyễn Đức Đại-Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi, quận 4:
 
Muốn tăng học phí cũng khó

Tăng thì ai lại không muốn tăng. Vì tăng sẽ có thêm nguồn thu cải tiến chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất. Nhưng nếu tăng thì chỉ có các trường ở trung tâm TP như quận 1, quận 3… mới có thể. Còn như trường chúng tôi, muốn tăng học phí cũng khó. Bởi với mức hiện tại mà nhiều em vẫn nợ học phí, trường cũng chỉ có thể nhắc nhở vậy thôi chứ chẳng nỡ đuổi các em, đến cuối năm kết toán lại thất thu ngân sách…

Điều đó sẽ tạo nên tình trạng trường tốt ngày càng tốt hơn, trường kém thì vẫn vậy. Do vậy, khi tăng cần phải có những chính sách hỗ trợ các trường khó khăn, đại bộ phận phụ huynh là tầng lớp nghèo khó; hoặc có cơ chế hỗ trợ các học sinh khó khăn tốt hơn hiện nay, với mức khác hiện nay cho phù hợp.

Tuy nhiên, nếu tăng thì tôi nghĩ mức 110 ngàn đồng/tháng như trường Nguyễn Thái Bình đang áp dụng thí điểm là hợp lý. Vì nó phù hợp với mức sống hiện tại, trường đủ kinh phí để hỗ trợ đời sống giáo viên, giáo viên có điều kiện học tập nâng cao trình độ…

Ông Nguyễn Văn Vĩnh- Phụ huynh học sinh trường PTTH Thủ Thiêm, quận 2

Cần tăng trợ cấp cho học sinh nghèo

Thời buổi này cái gì cũng tăng, với đồng lương giáo viên đúng là khó sống nổi. Cho nên tăng học phí để hỗ trợ thêm cho đời sống giáo viên cũng đúng. Với lại sẽ giảm được các khoản đóng góp không tên khác của phụ huynh. Như con tôi học lớp 12, dù học phí có mấy chục ngàn; nhưng tiền dạy thêm buổi tối, tiền truy bài… cộng lại mỗi tháng cũng khoảng 150 ngàn. Vậy thì cứ gom thành học phí cho đỡ lắt nhắt, đỡ tốn biên lai.

Nhưng cũng xin chính quyền chú ý đến những gia đình khó khăn, con em công nhân… Vì vật giá tăng nên đời sống của họ càng khổ hơn. Mức thu nhập năm ngoái mà vừa đủ sống thì năm nay chắc chắn là đói. Vậy có tăng học phí cũng xin tăng mức hỗ trợ cho học sinh nghèo cho chúng được đến trường.

 

UBND TPHCM kiến nghị điều chỉnh mức thu học phí theo hướng vừa bảo đảm mức thu bình quân cho mọi học sinh vừa tăng tính xã hội hóa, phát huy quyền tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; cho phép các trường có điều kiện về cơ sở vật chất và lực lượng giáo viên có khả năng nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập để xây dựng mức thu dịch vụ theo hướng đảm bảo chi phí và được phụ huynh đồng tình, chất lượng của giáo dục được đảm bảo và miễn giảm đối với đối tượng chính sách.