Bên lề hội nghị WTO: "VN vẫn đang bị ép khá mạnh!"
Các Website khác - 17/12/2005
Bình luận bên lề hội nghị WTO Hồng Kông:
"VN vẫn đang bị ép khá mạnh!"

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động chiều 16.12, chị Lê Kim Dung, điều phối viên vận động và truyền thông của Oxfam - một tổ chức phi chính phủ Anh tại VN - người đang có mặt tại Hồng Kông để tham dự các hội nghị về thương mại và hội nhập WTO cho biết:

Biểu tình phản đối WTO trên
đường phố Hồng Kông.
- Oxfam về nguyên tắc vẫn cho rằng thương mại có tiềm năng lớn để xoá đói giảm nghèo. Oxfam ủng hộ và khuyến khích những nỗ lực của Chính phủ VN gia nhập WTO nhưng vẫn còn những băn khoăn liên quan đến những ảnh hưởng tiềm năng của WTO liên quan đến việc xoá đói giảm nghèo, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế: Phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người tàn tật.

VN có một số tiềm năng được hưởng lợi do hội nhập đem lại. Ít nhất là sau khi hội nhập, VN có cơ chế để xử lý các tranh chấp thương mại (như vụ kiện tôm và cá ba sa). Mặc dù trên thực tế chỉ có những nước giàu (Brazil) hoặc lớn (như Ấn Độ) mới đủ sức theo đuổi các vụ kiện này đến thắng lợi.

- Theo dõi những diễn biến hiện tại và quá trình đàm phán, chị có ý kiến gì?

- Oxfam nhận thấy rằng trong các cuộc đàm phán, VN vẫn đang bị ép khá mạnh. Cơ chế tự vệ cho các mặt hàng chăn nuôi, nông sản đưa ra bàn đàm phán vẫn bị giữ tỉ suất thuế quan, VN yêu cầu 8 mặt hàng, nhưng có khả năng chỉ giữ được 3: Đường, muối và nguyên liệu thuốc lá.

VN cũng yêu cầu tiếp cận cơ chế tự vệ cho các mặt hàng thực phẩm: Thịt bò, thịt lợn, thịt gà, nhưng vấn đề này cũng vẫn đang được tiếp tục đàm phán. Trong khi các nước láng giềng (Philippines, Nepal, Trung Quốc...) được hưởng mức thuế bình quân đối với nông sản nhập khẩu là 35%, thì VN đang phải đề nghị mức thuế 25%, nhưng khả năng sẽ bị ép xuống dưới 18%.

Tuy nhiên, liệu VN có được hưởng những lợi ích theo vòng đàm phán Doha hay không thì còn chưa rõ do VN chưa phải là thành viên của WTO và các nước thành viên viện lý do rằng các cơ chế đó khó áp dụng.

Oxfam cũng lo ngại VN có thể bị từ chối có được những công cụ để hỗ trợ phát triển trong khi lại bị yêu cầu phải xoá bỏ ngay trợ cấp xuất khẩu. Đó là cách "chẹt cổ" nước nghèo ngay từ cổng vào đầu tiên bởi những nước phát triển cũng đang giữ khoản trợ cấp này.

Oxfam những năm qua cũng tham gia vận động hành lang rất nhiều với các nước giàu về việc VN gia nhập WTO, kêu gọi các nước không được quá ép VN.

Tuy nhiên, khi đi vận động, Oxfam cũng thấy rằng, các nước còn hiểu rất ít về thực tế đời sống kinh tế và tình trạng nghèo đói ở VN mà đang lo ngại VN có tiềm năng trở thành một Trung Quốc thứ hai. Oxfam cũng khuyến cáo VN không nên vào WTO bằng bất cứ giá nào.

- Với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động của Oxfam, theo chị sẽ đứng trước những thách thức gì khi VN chính thức hội nhập WTO?

- Với những vùng Oxfam làm dự án nghiên cứu (trồng ngô ở Sơn La, nuôi bò ở Ninh Thuận, Trà Vinh), cho thấy mức độ cạnh tranh thấp, lại chịu áp lực của việc cắt giảm thuế nhập khẩu, liệu VN có tận dụng được những lợi thế của hội nhập hay không?

Với quy mô nhỏ và áp lực cạnh tranh lớn, người nông dân không dễ dàng chống đỡ và cũng không dễ dàng chuyển đổi nghề nghiệp. Trong khi đó, các phương án lựa chọn để đa dạng kế sinh nhai lại chưa rõ ràng cho từng nhóm người. Chính quyền các tỉnh cũng rất chật vật để lo vấn đề này.

Đoàn đại biểu người nghèo Việt Nam tại Hồng Kông:
Từ chối ký kết vào tuyên bố phản đối WTO

Biểu tình phản đối WTO trên
đường phố Hồng Kông.
Sau mấy ngày thảo luận tại diễn đàn "Mạng lưới an ninh lương thực Châu Á - Thái Bình Dương", đoàn đại biểu người nghèo VN tham gia hưởng ứng: "Tháng hành động vì người nghèo" tại Hồng Kông đã từ chối ký kết vào tuyên bố chung của diễn đàn phản đối WTO.

Ông Marco - đại diện trưởng của Veco (một tổ chức phi chính phủ của Bỉ) tại VN thay mặt đoàn VN khẳng định: Tất cả các đại biểu của VN từ chối ký vào bản tuyên bố này. VN đang nỗ lực trong đàm phán WTO và Chính phủ VN cũng đang có nhiều chính sách tích cực hỗ trợ người nghèo, quan tâm, lo lắng cho người dân chứ không như một số nước khác. Đoàn đại biểu đại diện cho VN không phản đối Chính phủ mà hoàn toàn ủng hộ quyết tâm của Chính phủ gia nhập WTO.

Bích Hằng (từ Hồng Kông)