Cá ba sa lại bị cạnh tranh không lành mạnh
Các Website khác - 23/08/2005

Cá ba sa lại bị cạnh tranh không lành mạnh

Hãng tin AP dẫn lời Mike Hernden, phát ngôn viên Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, do sức ép từ một Hạ nghị sĩ bang Arkansas cho rằng cá ba sa nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ có chứa một loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolones, nên nhiều khả năng trong tuần này cục sẽ đi đến quyết định, cấm sản phẩm cá ba sa của Việt Nam trên toàn nước Mỹ mà trước đó đã có hiệu lực tại 3 bang miền nam là Alabama, Lousiana và Missisippi.

ng Hernden nói thêm rằng, sẽ có hai hướng giải quyết vấn đề này. Một là đưa ra cảnh báo trong nhập khẩu, hai là tịch thu sản phẩm, thậm chí là có thể cùng lúc áp dụng cả hai biện pháp.

Ông Bửu Huy - Phó Giám đốc Cty Afiex, vừa trở về sau chuyến tiếp thị cá ba sa tại Trung Đông - cho biết: "Cũng như các đồng nghiệp trong nước, tôi rất bất ngờ khi nhận được thông tin này. Bởi trên thực tế, việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cá ba sa, đã được thực hiện từ nhiều năm nay". Và trên thực tế, các doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm chỉnh việc kiểm soát chất kháng sinh trong sản xuất và kinh doanh thuỷ sản nói chung và cá ba sa nói riêng, theo tiêu chuẩn Mỹ và Châu Âu.

Tuy nhiên, khi thông tin này xuất hiện sẽ làm phát sinh tình trạng mới hoá vấn đề... cũ, nhằm hạ uy tín một cách không công bằng cá ba sa Việt Nam trên thị trường thế giới nói chung và thị trường ngay chính nước Mỹ nói riêng, để bảo hộ cho cá catfish của Mỹ vốn được đánh giá thấp hơn cá Việt Nam. Theo chúng tôi được biết, cách đây vài tháng, tại Trường Đại học Missisippi (Mỹ) đã tổ chức buổi thưởng thức cá da trơn, kết quả có hơn 2/3 số người thưởng thức ủng hộ cá ba sa Việt Nam. Vì vậy có thể nói, đây là việc làm của sự trả đũa, mang tính cá nhân và cạnh tranh không lành mạnh, hơn là vì sự bình đẳng thị trường.

Ngay sau khi có thông tin phía Mỹ cấm nhập khẩu cá ba sa Việt Nam, An Giang - thủ phủ của cá ba sa đã rơi vào tình trạng bất thường. Nhiều ngư dân hoang mang, tranh nhau bán tháo khi cá chưa đúng kích cỡ. Trước hiện tượng bất thường này, Hiệp hội Người nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA) đã chính thức vào cuộc.

Đích thân Phó Chủ tịch AFA Phan Văn Danh trực tiếp đến trụ sở Cty Nam Việt nắm tình hình và kêu gọi ngư dân bình tĩnh, không vội vàng bán tháo để hạn chế thấp nhất nguy cơ phá sản. Theo ông Danh, sau thời gian ngắn chưa kịp hồi phục vì thua lỗ do cái gọi là luật chống phá giá do phía Mỹ dựng lên, giờ đây ngư dân và các nhà chế biến thủy sản An Giang nói riêng, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra, ba sa Việt Nam nói chung lại tiếp tục đối mặt với khó khăn mới, cũng chính do phía Mỹ dựng lên, trên cơ sở chủ nghĩa bảo hộ cực đoan cho các doanh nghiệp trong nước.

Chỉ một ngày sau khi nguồn tin phía Mỹ chuẩn bị cấm tiêu thụ cá tra, ba sa Việt Nam trên phạm vi toàn nước Mỹ, tại địa bàn An Giang đã phát sinh tình trạng bán tháo, nhiều ngư dân đã tranh nhau bán cá chưa đủ trọng lượng cần thiết với giá rẻ. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến lại ngóng chờ tình hình nên không dám thu mua nhiều, dẫn đến tình trạng bất ổn cho làng nghề chưa kịp hồi phục.

Ông Danh nhận xét: "Không biết rồi đây cơ quan chức năng Mỹ phán quyết như thế nào, bởi trên thực tế, ngư dân hiểu rõ sử dụng kháng sinh nằm trong danh mục cấm là tự phá sản, nên họ rất thận trọng và chỉ sử dụng kháng sinh theo chỉ định của cán bộ kỹ thuật, nhưng rõ ràng ngay trong thời điểm này đã có hàng chục, hàng trăm ngư dân thua lỗ, thậm chí là phá sản chỉ vì tầm nhìn trái khoáy. Như thế là tội ác! Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng với sự cực đoan này, để góp phần cùng Bộ Thủy sản, Bộ Thương mại và Chính phủ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho ngư dân và doanh nghiệp nuôi trồng và chế bién cá tra, ba sa".

Lục Tùng