Chỉ số giá tiêu dùng ghìm cương
Các Website khác - 27/10/2005

Bộ Thương mại vừa đưa ra dự báo, tốc độ tăng giá tiêu dùng trong tháng 11 sẽ ổn định trong khoảng 0,4-0,5%. Nếu dự đoán này thành hiện thực, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 11 tháng sẽ đạt 7,6-7,7%.

Giá các mặt hàng thủy sản đã bắt đầu nhích lên. Ảnh: Anh Tuấn

Theo các chuyên gia của Bộ Thương mại, tháng 11 sức mua xã hội sẽ tăng cao hơn do chi phí đầu vào của hầu hết các nhóm hàng đều tăng, lượng tiền mặt vào lưu thông lớn nhờ việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu. Đặc biệt là vào cuối năm, một khối lượng lớn vốn đầu tư xây dựng cơ bản sẽ được giải ngân, tác động mạnh đến thị trường hàng hóa.

Do tác động của cơn bão số 7, cùng với tác động của cước vận chuyển và các chi phí đầu vào tăng nên giá nhiều loại rau, quả trong tháng 10 tăng rất mạnh. Tuy nhiên, Bộ Thương mại cho rằng, tháng 11 giá một số mặt hàng rau, quả sẽ giảm nhẹ do vào vụ Đông.

Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, trong tháng 10 giá thịt lợn tương đối ổn định tại các tỉnh phía Bắc. Đáng chú ý là giá nhiều mặt hàng thủy sản như cá tra, basa, tôm sú...đã tăng dần trở lại do nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước tăng. Điều này xuất phát từ việc triển khai tiêm gia cầm trên toàn quốc khiến nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm giảm đẩy nhu cầu các mặt hàng thực phẩm khác lên. Song theo dự báo của Bộ Thương mại, giá mặt hàng thực phẩm tươi sống trong tháng 11 sẽ chững lại, riêng mặt hàng thủy sản sẽ tăng nhẹ.

Giá thóc gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng trong tháng 10 ổn định như tháng 9, phổ biến ở mức 2.500-2.800 đồng/kg. Trước tác động của cơn bão số 7, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tiến hàng đánh giá chính xác lượng lúa thiệt hại và điều hành xuất khẩu gạo trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu hết lượng lúa hàng hóa.

Trong tháng 10, giá bán các loại đường vẫn đứng ở mức cao. Bộ Thương mại cho rằng, giá mặt hàng này trong tháng 11 sẽ giảm nhẹ do nguồn cung đường được bổ sung.

Hà Vy