Đàm phán cơ bản về dịch vụ
Các Website khác - 17/01/2006
Vòng 10 đàm phán Việt - Mỹ về việc Việt Nam gia nhập WTO:
Đàm phán cơ bản về dịch vụ


Ngày 16.1, vòng đàm phán lần thứ 10 giữa Việt Nam và Mỹ về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã bắt đầu tại Hà Nội. Theo thông tin từ cả hai phía, sau ngày làm việc đầu tiên, kết quả thảo luận về dịch vụ đã diễn ra khá suôn sẻ.

Kiểm tra giày xuất khẩu sang Mỹ
tại Cty CP giày Bình Định.

Rút ngắn đoạn đường

Sau 4 tháng gián đoạn, vòng đàm phán này được đánh giá là rất quan trọng đối với việc gia nhập WTO của VN. Theo ghi nhận của các phóng viên, đoàn đàm phán Mỹ đã chia thành ít nhất hai nhóm đàm phán với VN.

Ngay sau khi ra khỏi phòng đàm phán về dịch vụ (ở phòng họp số 4 - Bộ Thương mại), bà Dorothy Dwoskin cho biết: "Tôi đã ở đây hai tiếng đồng hồ. Các cuộc thảo luận diễn ra rất tốt đẹp". Cũng ngay tại cửa phòng đàm phán, ông Trương Triều Dương - thành viên đoàn đàm phán phía VN đã nói với các nhà báo: "Đàm phán về phần dịch vụ đã cơ bản xong".

Ngày 14.1, báo chí nước ngoài dẫn lời ông Ernest Bower - cựu Chủ tịch điều hành Hội đồng Thương mại Mỹ - ASEAN - cho biết: "Tôi nghĩ điều quan trọng là phải để ý đến những ngôn từ mà hai bên sẽ sử dụng sau khi đàm phán kết thúc. Nếu những ngôn từ này hàm chứa ý nghĩa là có những tiến bộ tốt thì sau đó, Washington sẽ đẩy mạnh công tác hoàn tất những chuyện còn lại để VN có thể gia nhập WTO ngay trong 6 tháng đầu năm nay.

VN đã bày tỏ rõ là họ muốn hoàn tất cuộc thương thuyết với Mỹ, họ muốn trở thành thành viên của WTO. Mỹ muốn có những cam kết rõ ràng trước khi VN gia nhập WTO. Có nhiều điều VN phải làm. Và sau đó, đến lượt Mỹ phải thực hiện chuyện chúng ta thường hay nói là lời nói phải đi đôi với việc làm, tức là chính thức hỗ trợ cho VN gia nhập WTO".

Ông Bower cho rằng, nếu đàm phán lần này không gặt hái được kết quả tốt, VN có thể phải đợi ít nhất một năm đến một năm rưỡi nữa mới trở thành thành viên WTO. Nhưng ông tin rằng, năm nay là thời điểm thuận lợi nhất để VN gia nhập WTO.

Ông nói thêm: "Tôi còn e ngại rằng, nếu VN không hoàn tất đàm phán với Mỹ nội trong tháng giêng này, thì sẽ không đủ thì giờ thông qua những thủ tục cần thiết khác ở chính trường Mỹ, chẳng hạn Quốc hội Liên bang còn phải đưa vào nghị trình để thảo luận trước khi bỏ phiếu chấp thuận cho Việt Nam được hưởng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn".

Nỗ lực từ hai phía
Với những thông tin ban đầu của ngày đầu tiên đàm phán, các chuyên gia kinh tế đã phân tích: Phần dịch vụ là phần chúng ta mở cửa thị trường, nếu thống nhất được về dịch vụ có nghĩa là hai bên đã thoả thuận được với nhau về mở cửa thị trường tài chính, tín dụng, bảo hiểm, ngân hàng, phân phối hàng hoá v.v... Đây là những điều mà các vòng đàm phán trước cả hai bên còn nhiều điều chưa thống nhất. Khai thông được vấn đề này, việc đàm phán sẽ có nhiều thuận lợi lớn.

Hầu hết các chuyên gia đều nhận xét: Mở cửa thị trường dịch vụ là phần khó khăn nhất bấy lâu nay trong các vòng đàm phán với phía Mỹ. Nó cũng là vấn đề mà các hiệp hội DN, các tổ chức thương mại của phía Mỹ quan tâm nhiều nhất. Do đó, khi đã khai thông được vấn đề này, việc đàm phán gia nhập WTO của VN không còn trở ngại lớn.

Tuy nhiên, việc đàm phán với Mỹ là đàm phán "cả gói", việc tách ra đàm phán riêng giữa phần mở cửa dịch vụ và hàng hoá chỉ là kỹ thuật của câu chuyện đàm phán. Vấn đề chúng ta phải chấp nhận "thua" cái này để "được" cái khác, miễn là tổng thể cả nền kinh tế của đất nước hài hoà được.

Quyết tâm của VN vào WTO là cao và đã được thống nhất. Bản chào của phía VN rõ ràng đã mang tinh thần đó và đã nhận được những tín hiệu đồng tình từ phía Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng "Vẫn chưa phải là giai đoạn cuối cùng để hai bên đặt "dấu chấm" - đưa VN vào WTO trong lần đàm phán này được".

Chiều 16.1, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội - tỏ ra thận trọng: "Lần này, mọi người đều hài lòng vì phía Mỹ đã cử đoàn đàm phán tới Hà Nội. Tất cả mọi người, kể cả các doanh nghiệp Mỹ chúng tôi, đều mong muốn Việt Nam gia nhập WTO càng sớm càng tốt. Nhưng cần phải nhìn nhận một cách thực tế. Còn rất nhiều vấn đề tồn tại giữa hai bên. Những vấn đề dễ thoả thuận thì hai bên đã thảo luận xong trong năm qua rồi. Còn lại là những việc như tiếp cận thị trường cho các công ty viễn thông của Mỹ, giảm thuế nông nghiệp, buôn bán quyền phân phối... - đều là những vấn đề gai góc nhất và quan trọng nhất cho cả hai bên".


Công Thắng - Mỹ Hằng