Điện thoại nội 'xin chết' khi thuế nhập khẩu bằng 0
Các Website khác - 17/01/2006

Các nhà phân phối khẳng định, giảm thuế nhập khẩu điện thoại xuống 0% sẽ đánh bật được hàng ngoài luồng, Nhà nước tăng thu và dân tình cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, 2 dự án sản xuất điện thoại "made in Vietnam" cũng như dân kinh doanh hàng xách tay lại canh cánh nỗi lo.

mn,mnk.,
Giá điện thoại có thể giảm nhờ chính sách thuế thay đổi. (Tuổi Trẻ)

Dù lộ trình giảm thuế đối với mặt hàng điện thoại bắt đầu vào năm 2008, tuy nhiên khi nghe tin này các nhà nhập khẩu đã bắt đầu "vui ra mặt". Phó giám đốc Công ty FPT Mobile Bùi Ngọc Khánh cho rằng, giảm thuế cũng đồng nghĩa với việc nhà cung cấp sẽ giảm giá bán các sản phẩm ra thị trường.

Ông Khánh phân tích, hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu điện thoại di động đang phải chịu nhiều loại thuế khác nhau trong đó có thuế nhập khẩu (5%) và thuế giá trị gia tăng (10%). Nếu được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% thay vì 5% như hiện nay, giá bán cho người tiêu dùng có thể giảm tương ứng thậm chí còn nhiều hơn, bởi thuế thấp sẽ khuyến khích nhập nhiều mà càng nhập nhiều giá càng giảm.

Theo ông Khánh, giảm thuế suất xuống 0% còn giúp đánh bật được hàng ngoài luồng ra khỏi thị trường VN. Thời gian qua, thuế cao, hàng nhập lậu lan tràn khiến các doanh nghiệp phải bao phen khốn đốn, bản thân Nhà nước cũng không thu được thuế. Để hạn chế vấn nạn này, trước đó, nhiều biện pháp như dán tem chính hãng, tem hợp chuẩn... được đưa ra, tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, chỉ khi nào thuế nhập khẩu không còn, hàng ngoài luồng mới khó có đất sống.

Giám đốc Công ty TNHH Thuận Pháp - một đơn vị phân phối sản phẩm Nokia Nguyễn Thị Phương nhấn mạnh, nhìn bề ngoài việc giảm thuế nhập khẩu xuống 0% sẽ làm Nhà nước giảm thu, nhưng xét về thực chất nó mang lại lợi ích tổng thể cho cả ba bên, doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng.

Theo bà Phương, hàng ngoài luồng đang là nỗi bức xúc của không ít doanh nghiệp. Do không phải đóng thuế nên loại hàng này có thể giảm giá đến mức mà các hãng phân phối không thể làm được, trong khi đó, tâm lý của người tiêu dùng VN phụ thuộc rất nhiều vào giá. "Đôi khi chỉ chênh lệch vài trăm nghìn đồng, người tiêu dùng vẫn chọn hàng nhập lậu, huống chi chênh lệch giữa hàng chính hãng và hàng ngoài luồng hiện nay lên tới 1 triệu đồng/máy", bà Phương nói.

Lộ trình giảm thuế điện thoại là công việc của năm 2008 song thông tin này lại như một gáo nước lạnh dội lên đầu những người đang ấp ủ dự án sản xuất điện thoại "Made in Vietnam". Ngay sau khi có thông tin liên quan đến chuyện giảm thuế đối với mặt hàng điện thoại di động, ban lãnh đạo Công ty cổ phần Vina - Mobi VN, đơn vị triển khai dự án điện thoại giá rẻ tại VN, vội triệu tập cuộc họp khẩn để bàn biện pháp đối phó. Tổng giám đốc Lê Quang Hòa thừa nhận, thuế nhập khẩu bằng 0% cũng đồng nghĩa với việc dự án của công ty đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo ông, một khi các sản phẩm ngoại nhập không chịu thuế thì hàng trong nước khó mà cạnh tranh nổi. "Đến nước này, chúng tôi chỉ còn cách chuyển hướng sang gia công", ông Hòa nói.

Nhà máy thiết bị Bưu điện (Postef), đơn vị thứ 2 tâm huyết với đề án sản xuất điện thoại di động giá rẻ thương hiệu Việt, cũng thấy trước khó khăn khi lộ trình giảm thuế được áp dụng từ năm 2008. Theo một quan chức của Postef, đề án chưa được phê duyệt song bản thân công ty cũng sẽ phải tính toán đến các chiến lược kinh doanh sao cho hiệu quả.

Theo một số chuyên gia trong ngành, dù thuế nhập khẩu vẫn giữ nguyên 5% như hiện nay thì dự án sản xuất điện thoại giá rẻ mang thương hiệu Việt đã ít khả thi và khá nhiều mạo hiểm. Bản thân các hãng lớn như Nokia, Samsung... chiếm một thị phần điện thoại di động khá lớn cũng chưa hề có ý định xây dựng nhà máy sản xuất tại VN.

Giám đốc Công ty Vietphone - chuyên phân phối các sản phẩm viễn thông - Dương Công Đức cũng cho rằng, hiện nay ngành sản xuất điện thoại trong nước đã không thể cạnh tranh lại với các đại gia, thì cần gì phải xem xét đến 2 năm nữa khi thuế nhập khẩu bằng 0. "Rõ ràng, việc giảm thuế ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất VN", ông Đức nói.

Theo ông, điện thoại nội địa - phần lớn là điện thoại bàn - chỉ chiếm chưa tới 1% thị trường trong nước nhưng chủ yếu lắp ráp linh kiện và bán theo kiểu ép người mua. Do vậy, trong vài năm tới, nhà sản xuất nội địa chắc chắn không còn cửa để phát triển mà phải tính cách khác để tồn tại.

Không chỉ các nhà sản xuất trong nước mà dân kinh doanh hàng xách tay cũng giật mình trước tin Chính phủ sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu điện thoại xuống 0%. Anh Phạm Việt Tuấn, trùm phân phối điện thoại di động tại các tỉnh miền Đông Nam cho biết: "Phần lớn hàng bán đều là xách tay hoặc second hand, mai mốt giá hạ xuống sát rạt làm sao sống nổi với hàng mới cứng". Nhẩm tính một hồi, anh Tuấn quyết định chọn phương án, đến thời điểm "hot" nhất, anh ta sẽ chơi toàn hàng độc để cạnh tranh cao cấp với hàng giá rẻ sẽ tràn lan trên thị trường. Anh khẳng định hàng của mình có lợi thế hơn so với nhập khẩu chính ngạch, nhờ đã "hô biến" khâu thuế giá trị gia tăng (VAT). "Sản phẩm chính ngạch được miễn thuế nhưng vẫn chịu VAT cho khách hàng, chắc chắn giá đội cao hơn so hàng của mình một mức", anh nói.

Hồng Anh - Phan Anh

Theo dòng sự kiện:
Postef sẽ sản xuất điện thoại di động (15/06/2005)
Điện thoại di động Việt Nam sắp trình làng (18/04/2005)
Sửa cỡ tem hợp chuẩn cho điện thoại di động (28/03/2005)
Điện thoại di động vẫn 'chê' tem hợp chuẩn (28/01/2005)
Điện thoại di động sắp phải dán tem lưu hành (21/10/2004)
Xem tiếp»