Giảm cung không thể phá băng bất động sản
Các Website khác - 26/09/2005

Nhận xét về các giải pháp Bộ Tài nguyên Môi trường mới đây đề xuất với Thủ tướng nhằm hâm nóng thị trường bất động sản, các chuyên gia kinh tế cho rằng liệu pháp quan trọng nhất là tác động để giảm giá nhà đất chứ không nên hạn chế nguồn cung.

Cầu nhà ở vẫn lớn hơn cung.

3 giải pháp được Bộ Tài nguyên Môi trường đề cập là thực hiện kích cầu về nhà ở, tạm thời giảm cung về nhà đất và xử lý vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở. Theo quan điểm của Bộ này, Nhà nước cần thực hiện ngay các giải pháp trên nhằm tránh để thị trường đổ vỡ, tránh cho các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh phá sản, ngân hàng mất vốn, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế sẽ thật sai lầm khi thực hiện biện pháp giảm cung thông qua giảm diện tích đất đưa ra đấu giá cho các dự án kinh doanh nhà ở, giảm số lượng và quy mô các dự án nhà đất ở các thành phố lớn. Viện phó Viện giá cả thị trường Ngô Trí Long nhận xét: "Thực trạng về nhà ở hiện nay không phải cung vượt cầu, trái lại cung thấp hơn nhiều cầu nhưng giá cả hai đầu không gặp nhau. Người dân có nhu cầu thực không có khả năng thanh toán ở mức giá hiện tại".

Ông Long phân tích, đây là thời điểm Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để tung thêm hàng vào thị trường, đẩy giá cả thấp xuống nhằm kích cầu lành mạnh. Bản thân ông Long tìm hiểu nhiều lô đất dự án trước kia được "hô" 12 triệu đồng/m2 nay trả 10 triệu người ta cũng bán. Áp lực lãi suất ngân hàng, cộng với xu hướng càng giữ bất động sản lâu càng mất giá sẽ buộc các đối tượng đầu cơ nhanh chóng hạ giá đẩy hàng ra thị trường, khi ấy người có nhu cầu thực sẽ dễ dàng hơn.

Vị chuyên gia về giá cả thị trường cũng cho rằng Nhà nước chưa cần thiết tháo gỡ khó khăn về vốn cho các công ty kinh doanh bất động sản bởi có những thời điểm các công ty này thu lời rất lớn, nay vướng một chút là theo đúng quy luật vận động của thị trường. Ông Long bình luận: "Xét kỹ thì thấy phần lớn doanh nghiệp chưa thực sự khó khăn. Bằng chứng là hiếm có dự án nào người dân mua được nhà giá gốc trừ những khu đô thị ở rất xa trung tâm thành phố. Theo tôi Nhà nước không nên can thiệp vào tình trạng "đóng băng" nhà đất hiện nay vì nó là quy luật của thị trường, tự thị trường sẽ điều chỉnh".

Trong khi các nhà quản lý vĩ mô lo lắng thì nhiều doanh nghiệp vẫn nhận định thị trường nhà ở còn rất nhiều tiềm năng. Công ty Minh Cường đang rốt ráo lo các thủ tục để tiến hành khởi công khu đô thị mới Cổ Nhuế, Hà Nội. Lãnh đạo công ty cho rằng thực tế nhu cầu về nhà ở và đất ở rất lớn, quan trọng là nhà đầu tư cần đưa ra giá cả phù hợp với túi tiền của đa số người dân.

Bày tỏ ý kiến về biện pháp phá băng thị trường, giáo sư Lê Đình Thắng - Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh bất động sản Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng Nhà nước cần sớm áp thuế suất hợp lý để hạn chế đầu cơ, thực hiện "trực thu" thay vì "gián thu" như hiện nay.

Biện pháp này đã được các nhà quản lý tính đến nhưng còn đắn đo vì sợ đổ vỡ thị trường tài chính. Trong lần trả lời phỏng vấn VnExpress mới đây, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực nhận xét: "Nhiều anh giàu "khủng khiếp" nhờ buôn bán đất". Ông tán thành biện pháp đánh thuế sở hữu và thuế thu nhập từ bất động sản song lại cho rằng giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để áp dụng.

Thứ trưởng Tài Nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ lại kêu gọi các nhà đầu tư bất động sản nên có biện pháp để giảm giá nhà đất. Ông đề nghị Hà Nội xem xét lại quy định yêu cầu các nhà đầu tư cắt lại 50% quỹ nhà để thành phố bán cho các đối tượng chính sách bởi đây một trong những nguyên nhân khiến các công ty đẩy giá các căn hộ còn lại lên cao. TP HCM cách đây 2 năm cũng thực hiện chính sách tương tự. Tuy nhiên, những đối tượng được mua theo tiêu chuẩn thành phố lại không có nhu cầu ở, toàn bán lại ăn chênh lệch khiến giá cả càng rối ren, TP HCM sau đó đã bãi bỏ chính sách trên.

Việt Phong

Ý kiến của bạn